Là giống lúa thuần cho chất lượng gạo thơm, ngon, dẻo, tẻ râu nhanh chóng trở thành cây trồng tiềm năng trên đất Phong Thổ. Và, gạo tẻ râu là sản phẩm đặc sản của huyện, được khách hàng gần xa ưa chuộng.
Sản phẩm hàng hóa chất lượng
Phong Thổ nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Nơi đây, được thiên nhiên ban tặng cho nhiều loại đất khác nhau gồm: nhóm đất mùn vàng đỏ (nhiều nhất chiếm 59%), nhóm đất đỏ vàng, nhóm đất dốc tụ và các loại đất khác. Thổ nhưỡng có sự phân hóa rõ rệt giữa vùng thấp và vùng cao. Trong khi đó, người dân chăm chỉ, chịu khó, từng bước biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đây là điều kiện thuận lợi để hình thành nên các sản phẩm hàng hóa có chất lượng, đạt tiêu chuẩn OCOP. Có thể kể đến: hồng trà, hoàng trà, trà xanh, gạo nếp tan… đặc biệt là phải kể đến sản phẩm gạo tẻ râu gần đây được xuất ra thị trường với số lượng lớn.
Anh Vũ Hữu Lưỡng – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Thổ cho biết: “Lúa tẻ râu được bà con trồng trên đất Phong Thổ từ nhiều năm trước tuy nhiên diện tích không được nhiều như bây giờ. Bà con trồng rải rác, trồng nhiều hơn ở các xã: Bản Lang, Dào San. Trải qua quá trình thực tế trồng giống lúa tẻ râu cho thấy phù hợp với điều kiện tự nhiên khí hậu địa phương, ít bị sâu bệnh. Nổi bật, giống lúa này khác hẳn các loại giống khác ở chỗ hạt to mẩy, khi nấu cơm dẻo, ngon thơm, vị đậm đà. Chính điều này khích lệ bà con mở rộng diện tích trồng, cung ứng ra thị trường”.
Đoàn viên thanh niên bản Nà Giang (xã Bản Lang) trồng lúa tẻ râu cung ứng ra thị trường.
Theo số liệu thống kê, vụ mùa năm 2021 toàn huyện có 115,62ha lúa tẻ râu. Trong đó, xã Sin Suối Hồ 16ha, Bản Lang 32ha, Nậm Xe 31,5ha, Dào San 36,12ha. Nhờ được chăm sóc tốt, lúa cho năng suất bình quân 55 tạ/ha. Lúa tẻ râu góp phần nâng tổng sản lượng lúa của huyện năm 2021 lên 36.948 tấn.
Những ngày giáp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, khi sắc xuân đã bao trùm khắp các bản làng, chúng tôi đến thăm bà con bản Nà Giang (xã Bản Lang). Trong các ngôi nhà của đồng bào dân tộc Dao, thóc lúa chứa trong bao chất thành từng đống lớn. Thấy khách đến nhà, bà con ai nấy đều phấn khởi, chia sẻ về niềm vui được mùa lúa trong năm và những dự định chuẩn bị đón xuân mới.
Anh Lý Tiên Phong – Bí thư Chi bộ bản Nà Giang bộc bạch: “Trong bản có nhiều hộ trồng lúa tẻ râu với tổng diện tích khoảng 5ha. Riêng với gia đình tôi, vụ mùa vừa rồi cấy hơn 1.000m2, rất vui vì lúa được mùa cho thu hoạch được 8 tạ thóc. Gia đình tôi để lại 1 ít để ăn còn lại bán cho đơn vị thu mua, thu về hơn 10 triệu đồng. Số tiền này tôi dùng để trả nợ làm nhà, chi tiêu sinh hoạt và mua quần áo mới cho các con diện tết”.
Doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm
Trong câu chuyện với cán bộ và Nhân dân huyện Phong Thổ, không ít lần Công ty TNHH một thành viên Giống vật tư nông nghiệp Tây Bắc ở thành phố Lai Châu được nhắc đến. Bởi Công ty chính là đơn vị vận động Nhân dân mở rộng diện tích trồng lúa tẻ râu và cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm từ vụ mùa năm 2020 đến nay với mức giá 13.000 đồng/kg khô.
Anh Đỗ Viết Trung – Giám đốc Công ty chia sẻ: “Nhiều năm bán lúa giống tôi thấy tẻ râu là loại cây trồng rất triển vọng. Sản phẩm gạo tẻ râu chất lượng khi đưa ra thị trường được khách hàng đánh giá cao, khả năng tiêu thụ lớn. Do đó, tôi quyết định đầu tư vào giống lúa này. Chỉ tính riêng trong năm 2021, Công ty đã thu mua được gần 200 tấn lúa tẻ râu (gấp 7 lần so với năm 2020). Xuất ra thị trường trong và ngoài tỉnh (có cả các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh) được 40 tấn”.
Công ty TNHH một thành viên Giống vật tư nông nghiệp Tây Bắc đầu tư máy móc để sản xuất ra những sản phẩm gạo tẻ râu có chất lượng tốt nhất.
Để việc sản xuất lúa hiệu quả, có chất lượng tốt nhất, Công ty đã đầu tư 500 triệu đồng mua 2 giàn máy sấy, các máy đóng bao bì, máy xát, máy tách màu. Thời gian tới, Công ty dự kiến sẽ đầu tư thêm 15 chiếc máy cấy, máy gặt với tổng trị giá 210 triệu đồng cho các nhóm hộ dân trồng lúa tẻ râu. Bà con chỉ cần sản xuất theo đúng quy trình, cam kết bán sản phẩm cho Công ty là có thể nhận máy.
Vấn đề Công ty trăn trở hiện nay là bà con một số xã cấy, gặt lúa không đồng loạt gây khó khăn trong việc thu mua, vận chuyển. Có bà con canh tác theo phương thức truyền thống (gieo mạ trên nương, cấy mạ già, việc chăm bón chưa đảm bảo quy trình, tỷ lệ bón phân chưa cân đối…) ảnh hưởng đến sức đề kháng sâu bệnh, khả năng phát triển của cây lúa. Đại diện Công ty mong muốn, chính quyền các xã quan tâm nhiều hơn nữa, đồng hành cùng Công ty trong quá trình hoạt động; đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá để sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.
Về diện tích gieo cấy lúa, trong định hướng phát triển, năm 2022 Công ty sẽ giữ nguyên diện tích trồng lúa tẻ râu tại huyện Phong Thổ. Năm 2023 sẽ mở rộng thêm 200ha ở các xã: Nậm Xe, Sin Suối Hồ, Bản Lang, Dào San và Mù Sang. Ngoài diện tích lúa tẻ râu của huyện Phong Thổ, Công ty dự kiến còn mở rộng thêm 100ha lúa tẻ râu tại 2 xã: Tả Lèng, Khun Há (huyện Tam Đường)…
Tẻ râu là giống lúa tốt, cho sản phẩm gạo chất lượng, đã và đang chiếm được sự hài lòng và niềm tin của người tiêu dùng. Tin tưởng rằng, với sự đồng hành của Công ty TNHH một thành viên giống vật tư nông nghiệp Tây Bắc, chính quyền địa phương, lúa tẻ râu sẽ ngày càng khẳng định được vị thế, hướng đến tăng lượng gạo xuất ra thị trường và thâm nhập được vào cả những thị trường khó tính, giúp người dân tăng thu nhập, đẩy lùi đói nghèo.
Thanh Hoa