Là vùng đất hội tụ đủ những yếu tố “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, Việt Bắc vinh dự được Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn làm căn cứ địa cách mạng, lãnh đạo toàn dân tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền và kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Mỗi một địa danh lịch sử tại các tỉnh thuộc khu vực Việt Bắc đều gắn liền với những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc. Rất đỗi thiêng liêng và đầy niềm tự hào….
Mình về với Bác đường xuôi
Thưa giùm Việt Bắc không nguôi nhớ Người
Nhớ Ông Cụ mắt sáng ngời
Áo nâu túi vải, đẹp tươi lạ thường!
Nhớ Người những sáng tinh sương
Ung dung yên ngựa trên đường suối reo
Nhớ chân Người bước lên đèo
Người đi, rừng núi trông theo bóng Người…
TRONG phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc những thập niên đầu thế kỷ XX, các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang là những địa bàn chiến lược quan trọng. Năm 1941, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, chiến khu Cao – Bắc – Lạng đã được thành lập, trở thành nơi khởi nguồn cho sự lan tỏa sức mạnh giải phóng dân tộc.
Cột mốc 108 – nơi Bác Hồ đặt chân về nước đầu tiên sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước và những kỷ vật của
lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mang từ nước ngoài về.
Cao Bằng là mảnh đất vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước sau hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Cũng từ nơi đây, các vị lãnh tụ của Đảng ta đã cùng Bác Hồ trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa. Từ những cánh rừng của Cao Bằng, Bắc Kạn, nhiều lớp tập huấn chính trị và luyện tập quân sự đã diễn ra. Chiến thắng Phai Khắt – Nà Ngần (Cao Bằng) như hiệu lệnh báo hiệu cao trào cách mạng đã đủ sức khởi đầu cho một làn sóng vĩ đại.
Du kích tham gia khởi nghĩa Bắc Sơn 1940 (ảnh trên); Đồn Phai Khắt – Nà Ngần 1944 và hiện tại (ảnh dưới).
Ngày 4/6/1945, Tổng bộ Việt Minh triệu tập Hội nghị tuyên bố thành lập Khu giải phóng gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang. Tuyên Quang được lựa chọn làm Thủ đô khu giải phóng. Xã Tân Trào, huyện Sơn Dương được chọn là nơi đặt “đại bản doanh”.
Cuộc hành trình lịch sử từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang) của Bác Hồ và đoàn công tác là kết tinh của cả một quá trình hình thành và phát triển của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, được thắp lên từ ngọn lửa khao khát tự do.
Ngày 21 – 5 – 1945, sau hơn 400 cây số trèo đèo, lội suối, Bác Hồ và đoàn công tác dừng chân nghỉ tại đình Hồng Thái, trước khi vào làng Kim Long (nay là thôn Tân Lập), xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang).
Tại Tân Trào, Hội nghị toàn quốc của Đảng (13 – 15/8/1945), Quốc dân Đại hội Tân Trào (16/8/1945) được tổ chức. Nhiều quyết sách quan trọng quyết định vận mệnh của dân tộc Việt Nam được ban hành. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước từ Bắc chí Nam đã tiến hành tổng khởi nghĩa. Cách mạng tháng Tám giành thắng lợi, mở ra trang sử vàng cho lịch sử cách mạng Việt Nam.
Khu di tích lịch sử cách mạng Tân Trào được xếp hạng là Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt: Đình Tân Trào, Lán Nà Nưa, Cây đa Tân Trào – nơi ghi dấu những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc.
Theo Tiến sỹ Lê Thị Thu Hồng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Cách mạng Tháng Tám thành công đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của lãnh tụ Hồ Chí Minh và lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc vinh quang của cách mạng Việt Nam. Thắng lợi đó còn có phần đóng góp to lớn và ghi dấu ấn sâu đậm của chiến khu Việt Bắc nói chung và Tuyên Quang nói riêng.
TRONG cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ chống thực dân Pháp, cùng với các tỉnh trong căn cứ địa Việt Bắc, Tuyên Quang trở thành nơi che chở, bảo vệ cho Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, là nơi đồng bào cả nước hướng về “mà nuôi chí bền”. Đúng như Bác đã khẳng định: “Cách mệnh đã do Việt Bắc mà thành công, thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi”.
Một số di tích của các tỉnh Việt Bắc giai đoạn 1946 – 1954: Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ATK Định Hoá, Thái Nguyên (ảnh 1); Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (ảnh 2); Di tích lịch sử Nà Tu, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông (ảnh 3).
Đặc biệt, Tuyên Quang một lần nữa được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng chọn là trung tâm đầu não kháng chiến, là nơi làm việc của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận, là nơi đặt trụ sở của hầu hết các ban, ngành, cơ quan Trung ương. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống, làm việc gần 6 năm, ở nhiều địa điểm khác nhau. Tân Trào, Kiên Đài, Kim Bình, Kim Quan, Hùng Lợi, Bình Yên, Mỹ Bằng… mỗi một địa danh ở đây đã trở thành những mốc son trong lịch sử dân tộc.
Lán và hầm an toàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời kỳ 1953 – 1954, xã Kim Quan, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) (ảnh trái); Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Bình, huyện Chiêm Hoá (Tuyên Quang) (ảnh phải).
Việt Bắc còn là căn cứ an toàn để Đảng ta tổ chức các sự kiện chính trị mang ý nghĩa lịch sử gắn liền với vận mệnh của toàn dân tộc. Đó là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng, Đại hội thống nhất Việt Minh – Liên Việt diễn ra tại xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang); là phong trào phát động quần chúng giảm tô và thí điểm cải cách ruộng đất; là phong trào tòng quân lên đường giết giặc, chi viện sức người, sức của, lập nên kỳ tích cho cách mạng Việt Nam.
Khu di tích lịch sử Kim Bình được xếp hạng là Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt.
Có thể nói, gắn với cuộc kháng Pháp trường kỳ ngót trăm năm, nhất là từ khi có Đảng lãnh đạo, Việt Bắc là vùng đất có nhiều di tích lịch sử, di tích cách mạng nhất so với các vùng đất khác của miền Bắc nước ta. Cho đến nay, những di tích lịch sử này đã được khắc ghi trong không gian sinh hoạt văn hóa sinh động và hấp dẫn của đồng bào các dân tộc 6 tỉnh Việt Bắc. Nét đẹp truyền thống văn hóa như được tiếp thêm sức mạnh bởi truyền thống cách mạng, nhân lên niềm tự hào về một vùng đất lịch sử của dân tộc Việt Nam.