Nhờ đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm của làng nghề bánh đa Vĩnh Đức (Đô Lương) đến được với nhiều nước và đi vào các kênh phân phối lớn.
Làng nghề vào vụ
Cuối năm về với làng nghề bánh đa Vĩnh Đức – Đô Lương, không khí khẩn trương, chộn rộn và phấn khởi hiện rõ ở làng khi nhà nhà, người người đều khẩn trương xay, tráng bánh, phơi phong và nấu kẹo. Hương của mật mía nấu cùng gừng và lạc rang trong những chảo to quyện lên thơm lừng báo hiệu cái tết đang cận kề.
Thức dậy từ lúc 4 h sáng, chị Thảo Công – một hộ làm nghề có thâm niên lâu năm cho biết, sáng nào chị và 10 lao động cũng dậy từ 4h sáng để đảo bột và tráng bánh, kịp đón nắng ngày mới.
Trong những gian bếp, củi than hừng hực, người nấu kẹo lạc, kẹo nha, người tráng bánh, trải bánh, đưa bánh ra phơi, ngoài sân các tay thợ khoẻ tranh thủ bửa củi, chẻ củi, chị em tấp nập trở bánh…. Công việc tất bật suốt ngày đêm. Hàng chục hộ làm nghề quây quần trong một không gian cùng trò chuyện trao đổi công việc, cùng hỗ trợ nhau các công đoạn. Ngoài đường xe cộ vào ra lấy bánh… Tất cả tạo nên một bức tranh sinh động, trù phú của một làng quê.
Làng nghề Vĩnh Đức đã có khoảng 300 năm nay, bánh đa Đô Lương với vị dày, giòn tan, vừng đen, ăn vào cảm nhận vị thơm bùi, béo, được quạt tay thủ công đã chiếm được tình cảm và niềm tin của người tiêu dùng nhiều năm qua. Bánh được bán không chỉ Nghệ An, Hà Tĩnh mà còn đến nhiều tỉnh miền Bắc và miền Trung, đưa sang Nhật, Úc… theo người lao động Nghệ An xa quê.
Mỗi ngày làng nghề tiêu thụ hàng tấn gạo, vừng, lạc. Bí quyết để bánh đa, kẹo lạc nơi đây ngon nổi tiếng đó là gạo mới Khang dân, mật mía từ các làng nghề mật của Nghệ An, vừng lạc Nghệ An sản xuất được tuyển chọn kỹ, gừng gié lấy từ huyện Kỳ Sơn củ nhỏ và cay nồng…
Anh Nguyễn Văn Công, người hiểu rõ nhất về làng nghề và cũng là hộ bán hàng chạy nhất ở đây cho biết: Các nguyên liệu được chọn tuyển kỹ. Lạc nhân khi nhập đến vỏ lụa phải bóc được luôn mới chứng tỏ lạc khô khén và không qua ngâm nước, vừng đen là vừng địa phương, mật mía Nghĩa Đàn, Tân Kỳ yêu cầu lấy phần giữa chum, bỏ hết lớp trên và lớp giữa để đảm bảo nguyên chất.
Để bánh ngon, khâu ngâm ủ gạo và tráng bánh, trở bánh, nướng bánh rất quan trọng, qua nhiều năm, người thợ dày kinh nghiệm nắm bắt các bí quyết để tinh bột khi ngâm nước đủ giờ sẽ nở đều, bánh dẻo khi nướng lên ăn thơm, không chai, bánh quạt than phải quạt thường xuyên để bánh chín kỹ và không cháy.
Khâu nấu kẹo lạc cũng rất kỳ công, người có kinh nghiệm chỉ cần nhìn mật sôi thế nào, tăm sủi to hay nhỏ là biết mật đã cô. Khi mật nấu chuyển sang màu hơi vàng, người nấu kẹo dùng cây đũa chấm mật sau đó thả đũa vào cốc nước nguội. Rồi đưa đầu đũa dính mật lên miệng thử, nếu cảm thấy giọt mật giòn tan trong miệng là được. Nhìn chảo mật đang sôi với tăm sủi li ti, anh Công cho biết mật đã cô và lạc đã chín, chuẩn bị tắt bếp.
Từ xa xưa khi cái bánh, cái kẹo còn là thức quà xa xỉ, người làng nghề bánh đa Vĩnh Đức đã biết chế biến các nguyên liệu từ nông sản quê nhà như gạo, lạc, vừng… để làm nên những bánh đa, kẹo lạc, kẹo dồi thơm ngon nức tiếng.
Trải qua bao thăng trầm cùng với sự cạnh tranh của nhiều thức quà, bánh kẹo khác, người làm nghề ở làng nghề Vĩnh Đức vẫn luôn trăn trở đổi mới tư duy, cách làm, các tiếp thị để sản phẩm bay xa, bay cao hơn. Nâng trên tay gói bánh đa nóng thơm mới làm xong, chị Thảo cho hay, thật vui khi ba năm nay nhờ sản phẩm được chứng nhận OCOP, hàng hoá xuất bán đi các địa phương khác tự tin hơn, sản lượng đặt nhiều hơn.
Chị Thảo cho biết: Sau khi được huyện, xã, các ban, ngành cấp tỉnh hướng dẫn, làm hồ sơ, kiểm tra chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, các hộ làm nghề cũng đầu tư bao gói, ghi thông tin, xuất xứ, nhãn mác rõ ràng hơn. Sản phẩm đã vào được hệ thống siêu thị ở nhiều tỉnh, mỗi tháng tiêu thụ được hơn 1 tỷ đồng, đây là con số mơ ước nhiều năm qua. Hiện sản phẩm bán chạy nhiều ở Hà Nội, TP Vinh, Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu…
Bên cạnh đó, sản phẩm cũng được nhiều cơ quan, đơn vị và du khách gần xa chọn làm quà biếu như một thức quà quê truyền thống với phong phú các kích cỡ, chủng loại.
Bánh đa đi vào siêu thị, ra thủ đô
Nói về tầm quan trọng của chứng nhận OCOP, chị Thảo – anh Công cho biết: Để đạt được sản phẩm OCOP, ngoài chất lượng phải chú trọng mẫu mã, hình thức, đặc biệt là an toàn thực phẩm, hạn sử dụng. Khi đạt được OCOP 3 sao rồi, sản phẩm được tin tưởng đưa đi giới thiệu tại các hội chợ, các triển lãm, siêu thị… sản phẩm bán được nhiều hơn và cũng quảng bá hình ảnh của làng nghề, quảng bá hình ảnh quê hương. Những người dân làng nghề Vĩnh Đức hiện nay ý thức được việc bị cạnh tranh sản phẩm và áp lực trước những mặt hàng nhập khẩu… nên vẫn miệt mài làm nghề bằng cái tâm, đạo đức của người làm nghề truyền thống, chọn nguyên liệu tươi ngon, chọn lao động yêu nghề, có kinh nghiệm… đồng thời tăng cường giới thiệu hình ảnh, sản phẩm làng nghề. Một người thợ nướng bánh chuyên nghiệp mỗi ngày có thể nướng được 1.000 cái bánh. Bánh nướng bằng tay vẫn được khách ưa chuộng hơn nướng máy.
Ông Hoàng Văn Hiệp – Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho biết: Làng nghề bánh đa Vĩnh Đức hiện nay đang tạo việc làm cho hơn 200 hộ dân, mức lương của các lao động mỗi tháng khoảng 6-7 triệu đồng, đây là mức lương không cao nhưng lại giải quyết được nông sản cho các địa phương, nâng cao giá trị nông sản chế biến, đồng thời giữ được danh tiếng của một làng nghề 300 năm tuổi.
Mỗi năm, làng nghề sản xuất được khoảng 1.400 -1.500 tấn, doanh thu hàng chục tỷ đồng. Sản phẩm làng nghề Vĩnh Đức là một trong những sản phẩm tiêu biểu của huyện Đô Lương.
Để phát triển bền vững, làng nghề mong có một cửa hàng giới thiệu sản phẩm khang trang và mong các cấp, ngành tăng cường quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
nguồn: https://baonghean.vn/lang-nghe-banh-da-vinh-duc-chap-canh-tu-ocop-10287252.html