(BLC) – Sáng 14/1, Đoàn công tác của Trung ương Hội Nông dân (HND) Việt Nam do đồng chí Lương Quốc Đoàn – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương HND Việt Nam làm Trưởng đoàn thăm và làm việc tại Hợp tác xã (HTX) Bảo tồn và Phát triển Giống Sâm núi Lai Châu tại xã Giang Ma, huyện Tam Đường.
Cùng đi với Đoàn có đồng chí Dương Đình Đức – Tỉnh ủy viên, Chủ tịch HND tỉnh.
Đồng chí Lương Quốc Đoàn – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương HND Việt Nam cùng Đoàn công tác thăm Hợp tác xã Bảo tồn và Phát triển Giống Sâm núi Lai Châu tại xã Giang Ma, huyện Tam Đường.
14 năm trước, đoàn nghiên cứu của thạc sỹ Phạm Quang Tuyến thuộc Viện Nghiên cứu Lâm sinh – Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam trong một lần đến Mường Tè để điều tra thực vật quý hiếm đã phát hiện ra sâm Lai Châu, khi ấy được đồng bào dân tộc gọi là tam thất đen. Theo nghiên cứu, hàm lượng saponin trong các mẫu sâm Lai Châu thu ngoài tự nhiên trung bình khoảng 23% – 27%, hàm lượng saponin toàn phần tăng dần theo số năm tuổi, đặc biệt hàm lượng MR2 chiếm 4 – 6%. Sâm Lai Châu có vị ngọt, hơi đắng, tính ôn, có tác dụng gần giống với tác dụng của nhân sâm.
… nghe thạc sỹ Phạm Quang Tuyến thuộc Viện Nghiên cứu Lâm sinh – Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam chia sẻ bảo tồn sâm Lai Châu.
Nhiều năm qua, thạc sỹ Phạm Quang Tuyến cùng những người tâm huyết đã nghiên cứu, ươm trồng sâm Lai Châu tại 4 điểm ở trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Một trong số đó thuộc bản Sin Chải, xã Giang Ma, Tam Đường, nơi có độ cao 1.500m so với mực nước biển, có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để cây phát triển. Trên diện tích hơn 2 héc ta, khu vực ươm cây giống rộng khoảng 3.000m2. Được biết, hiện đây là vườn ươm quy mô, hiện đại nhất tỉnh Lai Châu. Mới đây, một phái đoàn của Hàn Quốc đã tới Lai Châu, đánh giá cao chất lượng sâm Lai Châu, khen ngợi mô hình phát triển và đề nghị hợp tác.
… thăm vườn sâm Lai Châu.
Trò chuyện với các hộ dân và thạc sỹ Phạm Quang Tuyến, đồng chí Lương Quốc Đoàn – Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương HND Việt Nam đánh giá cao sự tâm huyết của HTX Bảo tồn và Phát triển Giống Sâm núi Lai Châu khi nhân giống sâm Lai Châu được thuần hóa từ các loại sâm tự nhiên mọc trên những dãy núi cao. Đây là khu vực có khí hậu trong lành, thổ nhưỡng giàu khoáng chất, tạo điều kiện lý tưởng cho cây sâm phát triển. Đồng chí cũng đề nghị HTX tiếp tục nghiên cứu, chăm sóc, bảo tồn và nhân rộng để sâm Lai Châu ngày càng có giá trị, góp phần mang lại sức khỏe cho người tiêu dùng.
… tặng quà hội viên nông dân tại xã Giang Ma, huyện Tam Đường.
… chụp ảnh lưu niệm với hội viên nông dân tại xã Giang Ma, huyện Tam Đường.
Nhân dịp này, Đoàn công tác Trung ương HND Việt Nam tặng quà cho các hộ dân của HTX Bảo tồn và Phát triển Giống Sâm núi Lai Châu.
Nguồn: https://baolaichau.vn/ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%8B/%C4%91o%C3%A0n-c%C3%B4ng-t%C3%A1c-trung-%C6%B0%C6%A1ng-h%E1%BB%99i-n%C3%B4ng-d%C3%A2n-vi%E1%BB%87t-nam-th%C4%83m-v%C3%A0-l%C3%A0m-vi%E1%BB%87c-t%E1%BA%A1i-v%C6%B0%E1%BB%9Dn-s%C3%A2m-x%C3%A3-giang-ma