Sinh thời Hồ Chủ tịch luôn quan tâm đến tất cả mọi người, đặc biệt là các cụ già, phụ nữ, thanh thiếu niên, nhi đồng, các chiến sỹ, thương binh và bệnh binh. Khi bàn về chính sách xã hội, ở mọi nơi, mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh, Người luôn đề cập đến những nhu cầu, lợi ích chính đáng của con người.
Trước hết, Người luôn dành tình cảm chân thành đối với thương binh, liệt sĩ và những người có công cho cách mạng. Người đã đề nghị các ban, ngành, đoàn thể Trung ương đang họp ở Đại Từ, Thái Nguyên, lấy ngày 27 tháng 7 năm 1947 làm “Ngày Thương binh toàn quốc” đầu tiên để bày tỏ tình cảm thắm thiết, lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân đối với những người bị thương tật vì đã không tiếc máu xương, cống hiến hết mình cho Tổ quốc. Từ đó, hằng năm, ngày 27 tháng 7 trở thành Ngày Thương binh toàn quốc. Từ năm 1955, Ngày Thương binh toàn quốc được đổi tên thành Ngày Thương binh, liệt sĩ. Ngày 12 tháng 5 năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thêm mấy điểm vào bản di chúc lịch sử: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong,…), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta”[1].
Lãnh đạo Sở Tài chính và Chi nhánh NHCSXH tỉnh tặng quà cho các hộ nghèo, gia đình chính sách xã Nậm Manh (huyện Nậm Nhùn).
Đối với các tầng lớp dân cư, đặc biệt là những đối tượng yếu thế dễ bị tổn thương, Người luôn dành tình cảm quan tâm sâu sắc nhất. Hồ Chí Minh đã từng nói về mong muốn, tâm huyết lớn nhất của đời mình: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”[2]. Đó là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt đến ngày nay, phản ánh những nhu cầu tối thiểu mà mỗi người dân Việt Nam cần được đáp ứng, cũng là nền tảng để phát triển các chính sách an sinh xã hội (ASXH) cho mọi người dân.
Theo quan điểm Hồ Chí Minh, chính sách ASXH là chăm lo cho các tầng lớp nhân dân từ nông dân, công nhân, thương nhân, công chức, binh lính đến thanh niên, trẻ em, phụ nữ và những người yếu thế trong xã hội như người khuyết tật, ốm đau, người già, trẻ nhỏ. Sau lễ Tuyên ngôn độc lập, ngày 2/9/1945, tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Người đề xuất “Sáu việc lớn cần làm ngay” như một chương trình hành động của Chính phủ lâm thời. Đó là: chống giặc đói; chống giặc dốt; soạn thảo Hiến pháp dân chủ, chuẩn bị Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội; giáo dục nhân dân trừ bỏ những thói xấu do chế độ thực dân đã dùng mọi thủ đoạn để đầu độc và hủ hoá dân ta; bỏ ngay ba thứ thuế: thuế thân, thuế chợ, thuế đò; và tuyệt đối cấm hút thuốc phiện, tuyên bố tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết. Với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta, theo Người: “Nói một cách tóm tắt, mộc mạc, chủ nghĩa xã hội trước hết là làm cho nhân dân lao động thoát khỏi bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và được sống đời hạnh phúc”[3]; “Chủ nghĩa xã hội là nhằm nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân”[4]. Như vậy, với Người, xây dựng chủ nghĩa xã hội tức là làm cho nhân dân ta có một đời sống thật sung sướng, tốt đẹp.
Ngày 12/12/1953 nhận được tin Thị trấn Lai Châu giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi đồng bào và cán bộ Lai Châu, trong thư Người đã có những lời dặn và yêu cầu đồng bào, cán bộ thực hiện cho đúng:
“1- Đoàn kết thân ái giúp đỡ lẫn nhau.
2- Giúp đỡ bộ đội diệt phỉ, trừ gian, giữ gìn trật tự.
3- Ra sức tăng gia sản xuất để mọi người được ấm no.
4- Hết sức trung thành với Tổ quốc và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Còn đối với những người trước đây đã lầm đường theo giặc nếu trở về với Tổ quốc thì Chính phủ sẽ khoan hồng”…[5]
Thực hiện lời dặn của Bác trong những năm qua Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Lai Châu luôn phát huy truyền thống đoàn kết, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, trong chiến tranh bảo vệ biên giới, Nhân dân các dân tộc Lai Châu đã nỗ lực tăng gia sản xuất, đóng góp nhiều công sức, vật lực cho kháng chiến, đoàn kết đấu tranh làm thất bại âm mưu chia rẽ khối đoàn kết dân tộc của kẻ thù, giữ vững an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền biên giới; tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, giải quyết nạn đói, dịch bệnh, mù chữ nhằm ổn định đời sống Nhân dân… góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng của dân tộc.
Với phương châm: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Trong suốt các thời kỳ lịch sử từ khi thành lập đến nay, Đảng bộ tỉnh Lai Châu đã tổ chức thực hiện thắng lợi nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh liên tục tăng trưởng, chính sách an sinh xã hội được đảm bảo; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên.
Nhất là từ khi chia tách và thành lập tỉnh đến nay, năm 2004 công tác đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, thách thức do tỷ lệ đói nghèo cao nhất cả nước, tỷ lệ hộ nghèo là 31,3% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2001-2005), thu nhập bình quân đầu người đạt rất thấp khoảng 3,1 triệu đồng/người/năm, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn nhất là các dân tộc đặc biệt ít người như Mảng, Cống, Si La và La Hủ; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 3,81%, tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn còn thấp, hiệu quả giải quyết việc làm chưa cao, chất lượng nguồn lao động còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, tỷ lệ người nghiện ma túy còn cao so với tổng dân số; hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh còn thiếu, giao thông đi lại khó khăn nhất là ở vùng sâu, vùng xa…
Trong bối cảnh đó, Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 02-7-2004 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm giai đoạn 2004-2010. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh trong các nhiệm kỳ đều xác định rõ nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội, trọng tâm là xóa đói giảm nghèo; “chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần người có công với nước, các đối tượng chính sách, bảo đảm an sinh xã hội”; “nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác đào tạo nghề, nhất là đào tạo lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm”, “trợ giúp, tạo điều kiện để các đối tượng xã hội tự khắc phục khó khăn, vươn lên hòa nhập cộng đồng”;…
Cùng với việc đề ra chủ trương, Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh cụ thể hóa bằng các chính sách để triển khai thực hiện như: Hỗ trợ giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, thực hiện chính sách đối với người có công,… Trên cơ sở đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các ngành chức năng triển khai thực hiện công tác bảo đảm an sinh xã hội quyết liệt, kịp thời và hiệu quả, thể hiện trên các lĩnh vực cụ thể sau:
(1) Chú trọng công tác xóa đói, giảm nghèo; làm tốt công tác bảo trợ xã hội
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo, chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số theo Chương trình 134, 135, hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững tại các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a và nay là Chương trình trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững . Trong giai đoạn 2004 – đến nay, bình quân mỗi năm tỉnh giảm được 5,6% tỷ lệ hộ nghèo, cơ bản xóa được hộ đói. Hiện nay toàn tỉnh có 04 huyện nghèo và 54 xã đặc biệt khó khăn, ước thực hiện năm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 24,98%. Kết quả công tác giảm nghèo góp phần củng cố và tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh đang thực hiện chi trả trợ giúp thường xuyên cho 15.058 đối tượng bảo trợ xã hội, với số tiền trợ giúp hàng tháng là trên 7 tỷ đồng. Trong giai đoạn vừa qua tỉnh đã thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đã ban hành cho các đối tượng Bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh như người cao tuổi trên 80 tuổi, người khuyết tật… và các gia đình, cá nhân khi gặp thiên tai, hỏa hoạn trên địa bản tỉnh.
Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước cho các đối tượng yếu thế đã góp phần cải thiện và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng xa, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn.
(2) Tập trung đào tạo nghề, giải quyết việc làm
Xác định trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh còn thấp, lao động nông thôn chiếm tỷ lệ đa số, thời gian rảnh rỗi nhiều. Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giải quyết việc làm. Chú trọng quy hoạch, đầu tư xây dựng mạng lưới cơ sở đào tạo nghề; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ dạy nghề; tập trung đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị, bồi dưỡng nhà giáo cho các nghề trọng điểm. Bước đầu gắn kết cơ sở đào tạo với doanh nghiệp trong việc đặt hàng nhu cầu lao động; các cơ sở dạy nghề đã triển khai có hiệu quả các chương trình đào tạo nghề, chất lượng ngày càng được nâng lên. Trong 20 năm qua, toàn tỉnh đã đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật cho 118.296 người. Kết quả này đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật tăng từ 6,50% năm 2004, ước đạt 58,3%% vào cuối năm 2023. Tỷ lệ lao động qua đào tạo theo ngành cuối năm 2022: Nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 47,31%; Công nghiệp – xây dựng đạt 9,28%; Dịch vụ đạt 43,41%.
Nhờ kinh tế – xã hội của tỉnh trong những năm qua phát triển theo chiều hướng tích cực, nên cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn cũng chuyển dịch theo hướng giảm từ nhóm ngành nông – lâm – thủy sản sang nhóm ngành công nghiệp – xây dựng và dịch vụ. Tỷ lệ lao động nông thôn trong khu vực nông, lâm, thủy sản giảm từ 82,38% năm 2008, ước giảm còn 65,3% năm 2023. Nâng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn từ 76% năm 2008 lên trên 90% năm 2023. Công tác giải quyết việc làm cho lao động hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch. Trong 20 năm đã giải quyết việc làm trong nước cho 122.004 lao động nông thôn, trong đó đưa 1.617 lao động nông thôn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho khoảng 6 nghìn người. Thực hiện tốt chính sách Bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh, số người tham gia bảo hiểm xã hội năm 2023 là 37.160, chiếm 12,25% lực lượng lao động; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp năm 2023 là 23.362, chiếm 7,70% lực lượng lao động. Qua đó, góp phần tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống của người dân và thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
(3) Thực hiện tốt chính sách với người có công
Cùng với đẩy mạnh thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, các chính sách đối với người có công trên địa bàn tỉnh luôn được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Kịp thời giải quyết các chế độ, chính sách theo quy định của Trung ương, đồng thời ban hành các chính sách tăng cường chăm sóc, giúp đỡ thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, các đối tượng có công với cách mạng. Hoạt động chăm sóc đời sống thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công và gia đình người có công với cách mạng đi vào chiều sâu, đa dạng về nội dung, phong phú về hình thức và đạt được nhiều kết quả thiết thực.
Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, với sự nỗ lực, cố gắng quan tâm của toàn xã hội, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, toàn dân tham gia chăm sóc người có công cách mạng trên địa bàn đã đi vào nền nếp, phát triển sâu rộng, trở thành nét đẹp truyền thống, đạo lý trong đời sống xã hội của Nhân dân các dân tộc tỉnh.
Đến nay 100% đối tượng người có công đang hưởng thường xuyên có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nơi cư trú. Trợ cấp thường xuyên hằng tháng cho trên 15.000 lượt đối tượng người có công, thân nhân người có công với cách mạng, số tiền là gần 270 tỷ đồng; điều dưỡng, phục hồi sức khỏe cho trên 5.200 lượt người có công, thân nhân người có công, số tiền 2,817 tỷ đồng; Hỗ trợ làm nhà ở cho người có công với cách mạng với 899 hộ, kinh phí 27,730 tỷ đồng; thực hiện trợ cấp thờ cúng liệt sỹ 2.187 lượt người; di chuyển 142 mộ liệt sỹ về quê an táng, số tiền 1,680 tỷ đồng; xác nhận, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 8.508 lượt người có công, số tiền trên 3,024 tỷ đồng; tu sửa, nâng cấp cải tạo các công trình ghi công liệt sỹ, số tiền 65,8 tỷ đồng… Công tác chăm sóc người có công trong những năm qua đã góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa, tạo sự đồng thuận, đoàn kết để xây dựng Lai Châu ngày càng phát triển.
Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: Tạo việc làm và giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ cận nghèo, tái nghèo còn cao. Mức trợ cấp ưu đãi người có công còn thấp. Chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường lao động; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn cao và giảm chậm. Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội, còn thấp. Đời sống của một bộ phận người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn rất khó khăn, chưa bảo đảm được mức tối thiểu các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là về sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường. Việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản còn hạn chế, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Những hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu vẫn là do điều kiện kinh tế – xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, thiên tai xảy ra thường xuyên, gây thiệt hại lớn tác động trực tiếp đến người có công, các hộ nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội. Việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về công tác an sinh tại một số nơi hiệu quả chưa cao; sự phối hợp giữa các cơ quan chỉ đạo thực hiện chưa chặt chẽ. Nguồn lực thực hiện các chính sách xã hội còn hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân sách Trung ương; chưa động viên, thu hút được nhiều sự tham gia của các tổ chức, cá nhân tham gia việc chăm sóc, giúp đỡ người có công, các hộ nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội và khuyến khích người thụ hưởng chính sách tự vươn lên.
Từ thực tiễn thực hiện chính sách an sinh xã hội ở Lai Châu, đặc biệt là 20 năm sau khi chia tách và thành lập tỉnh có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội các cấp trong việc thực hiện các chính sách xã hội.
Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân hiểu và tích cực tham gia vào các hoạt động chăm sóc người có công và các đối tượng chính sách xã hội khác, phát động phong trào quần chúng sâu rộng nhằm nâng cao đời sống Nhân dân. Tăng cường nâng cao ý thức của người dân, các đối tượng xã hội không mặc cảm, tự ti với số phận để họ tham gia lao động phát triển sản xuất nuôi sống bản thân và gia đình.
Ba là, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác liên quan đến các chính sách xã hội để góp phần nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện, nhất là tại cấp cơ sở.
Bốn là, ưu tiên nguồn lực từ ngân sách nhà nước, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp nguồn lực cho việc thực hiện các chính sách xã hội. Có cơ chế, chính sách khuyến khích sự tham gia đóng góp nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh để thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Năm là, tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện chính sách xã hội; phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng các chính sách để trục lợi. Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tình xuất sắc trong quá trình triển khai thực hiện công tác đảm bảo an sinh xã hội.
Việc thực hiện chính sách đảm bảo an sinh xã hội tuy đạt được một số kết quả nổi bật ở trên. Nhưng nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh trong những năm tới đã và đang đặt ra một số vấn đề sau: Giảm nghèo chưa thật bền vững; chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường lao động. Đời sống của một bộ phận người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản còn hạn chế, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Để tiếp tục làm tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn tới cần nghiên cứu, triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Một là, Tiếp tục tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo các vấn đề về chính sách xã hội. Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XI), Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XI) một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc thực hiện các chính sách xã hội, chăm lo cho người dân.
Hai là, Tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó tập trung vào các lĩnh vực:
– Thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, bảo đảm người có công và gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn;
– Triển khai có hiệu quả chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, tiếp tục thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững tiếp cận với chuẩn nghèo đa chiều, nhất là tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt các chính sách đối với các đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng yếu thế xã hội khác.
– Tạo điều kiện cho các hộ nghèo và các hộ chính sách khác học tập, học nghề, tiếp cận các nguồn vốn vay, tạo việc làm, phát triển kinh tế nhằm ổn định, nâng cao đời sống gia đình, đồng thời góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Ba là, Tăng cường ngân sách nhà nước thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân đầu tư các cơ sở nuôi dưỡng, dạy nghề từ thục và tiếp tục kêu gọi các nguồn lực xã hội hóa hỗ trợ thực hiện công tác an sinh xã hội đảm bảo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Bốn là, Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thực hiện chính sách xã hội. Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý nhà nước về chính sách xã hội đảm bảo có đủ phẩm chất, năng lực để thực thi nhiệm vụ.
Năm là, Thực hiện sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả việc thực hiện các đề án, chương trình, kế hoạch thuộc lĩnh vực an sinh xã hội. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện các chính sách xã hội; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những vi phạm, hành vi tiêu cực, trục lợi trong thực hiện chế độ chính sách.
Đi đôi với phát triển kinh tế thì cần phải thực hiện hài hòa các chính sách xã hội, nhằm phát triển bền vững. Do đó thực hiện các chính sách an sinh xã hội là nhằm bảo đảm phân phối những thành quả tăng trưởng kinh tế theo hướng bảo đảm công bằng xã hội và hài hòa lợi ích giữa các chủ thể, nhóm xã hội và tạo sự đồng thuận xã hội. Tỉnh Lai Châu trong điều kiện còn nhiều khó khăn, sự chênh lệch mức sống giữa các vùng, các dân tộc cùng với đời sống của một bộ phận Nhân dân vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, việc thực hiện chính sách an sinh xã hội luôn là vấn đề cần phải được chú trọng để hướng tới mục tiêu “xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đưa Lai Châu phát triển nhanh và bền vững”./.[1] Trích Nghị quyết số 15-NQ/TW về Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB CTQG, Hà Nội, 1995, tập 4, tr.161-162.
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB CTQG, Hà Nội, 2011, Tập 10, tr. 17.
[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB CTQG, Hà Nội, 2011, Tập 10, tr. 556.
[5] Thư gửi đồng bào và cán bộ Lai Châu – 12-12-1953 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.