Đối với các thế lực thù địch, Việt Nam ta lúc nào cũng u tối, lạc hậu. Bọn chúng từng nói những câu mà người nghe lần đầu có lẽ không tin vào tai mình vì sự ngô nghê của nó. Việt Nam làm gì có đường cao tốc. Việt Nam chưa có điện. Việt Nam làm gì có internet… Bọn chúng huyễn hoặc mình cũng nhằm thêu dệt một hình ảnh Việt Nam xấu xí, méo mó, tồi tàn. Nhưng thực tế đã phản bác lại những luận điệu ấy vô cùng thuyết phục.
Vừa qua, một câu chuyện nhỏ nhưng đầy ý nghĩa đã được chia sẻ bởi Dustin Cheverier, một du khách người Mỹ, trong chuyến du lịch đến miền núi cao Việt Nam. Tại một bản làng vùng sâu, vùng xa ở Tây Bắc, anh tình cờ gặp một nhóm trẻ em đang chơi đùa bên đường. Khi biết Dustin là một YouTuber, một em nhỏ hồn nhiên hỏi: “Kênh của chú là gì, tí nữa về cháu sẽ đăng ký”. Một câu hỏi giản dị nhưng lại chứa đựng nhiều ý nghĩa. Nó không chỉ khiến Dustin mỉm cười mà còn làm sáng tỏ một sự thật rằng: ngay cả ở những vùng xa xôi của Việt Nam, trẻ em nói riêng và người dân nói chung đã tiếp cận được với thế giới kỹ thuật số.
Trong những năm qua, chúng ta đã đạt được nhiều bước tiến mạnh mẽ trong việc mở rộng mạng lưới công nghệ thông tin và truyền thông, mang internet đến với mọi người, bất kể nơi đâu. Theo Báo cáo Kinh tế Số Đông Nam Á của Google, Temasek và Bain & Company, Việt Nam hiện đang nằm trong số những quốc gia có tốc độ phát triển internet nhanh nhất khu vực. Với tỷ lệ thâm nhập internet đạt hơn 70% vào năm 2024, điều này đang chứng minh khả năng kết nối mọi ngóc ngách thông qua mạng 4G và sắp tới là 5G (hơn hẳn nhiều nước có nền kinh tế phát triển hơn ta). Kết quả đó nhờ Chính phủ đã triển khai nhiều chương trình đầy ý nghĩa như “Internet Cộng đồng” và “Chương trình máy tính cho trẻ em”. Những sáng kiến này giúp đảm bảo rằng ngay cả những đứa trẻ ở các vùng núi xa xôi cũng có cơ hội tiếp cận với những tiến bộ công nghệ và kết nối với thế giới. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng giáo dục mà còn mở rộng tầm nhìn của các em nhỏ, giúp chúng hình thành một cái nhìn toàn diện hơn về thế giới quanh ta.
Đoạn hội thoại của Dustin Cheverier và các em bé vùng cao.
Không chỉ dừng lại ở những câu chuyện thú vị từ du khách nước ngoài, thực tế đời sống tại các vùng sâu, vùng xa như tỉnh Lai Châu đã minh chứng rõ rệt về sự phát triển vượt bậc của hạ tầng công nghệ thông tin ở Việt Nam. Ở đây, sóng điện thoại và internet đã được phủ sóng đến tận những bản làng xa xôi, vùng núi hẻo lánh và khu vực biên giới. Điều này đã giúp đồng bào ta có cơ hội học hỏi kiến thức mới và kết nối với thế giới bên ngoài rút ngắn khoảng cách phát triển. Các dịch vụ công trực tuyến, học tập từ xa và kinh doanh online cũng trở nên quen thuộc và phổ biến hơn, đem lại những cơ hội phát triển mới cho bà con những vùng xa xôi nhất của tỉnh.
Theo một khảo sát gần đây của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, tỷ lệ phủ sóng internet tại các khu vực miền núi và vùng sâu, vùng xa đã đạt đến con số ấn tượng, với hơn 95% số xã có kết nối internet tốc độ cao. Nhờ vậy, những ngôi làng nhỏ bé trên đỉnh núi cao, những bản làng ở vùng biên giới xa xôi nay cũng không còn cách biệt với thế giới. Số liệu của Akamai, một trong những nhà cung cấp dịch vụ đám mây và mạng phân phối nội dung lớn nhất thế giới, tốc độ internet trung bình tại Việt Nam đã vượt qua nhiều quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới. Chúng ta đã không sử dụng đến mạng 2G nữa, hiện nay cả nước đang sử dụng mạng 4G và sự chuẩn bị cho việc triển khai mạng 5G.
Thành tựu của Việt Nam không phải do chúng ta nói là được, không ít các du khách quốc tế đã bày tỏ sự ngạc nhiên khi thấy tốc độ mạng tại Việt Nam thậm chí còn nhanh và ổn định hơn nhiều nước phương Tây. Họ không khỏi ngạc nhiên khi ở một bản làng vùng sâu, vùng xa mà vẫn có thể phát trực tiếp các video, tải xuống nội dung, và kết nối với bạn bè, gia đình ở quê nhà mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. Có lẽ, trong mắt một số người nước ngoài, Việt Nam vẫn là một đất nước nông nghiệp còn lạc hậu. Nhưng những câu chuyện thực tế như của Dustin Cheverier đã khiến nhiều người phải nhìn nhận lại, trong đó chắc cũng có mấy kẻ ngáo ngơ ở tận trời tây nào đó.
Không chỉ tốc độ mạng nhanh chóng, các gói cước internet ở Việt Nam giá rẻ đến bất ngờ. Ngoài ra, tại nhiều nơi công cộng như quán cà phê, nhà hàng, công viên và thậm chí ở các khu vực nông thôn xa xôi, sóng wifi miễn phí cũng là điều rất đỗi bình thường. Những dịch vụ này không chỉ phục vụ người dân địa phương mà còn hỗ trợ du khách quốc tế khi họ khám phá văn hóa và con người Việt Nam.
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin ở Việt Nam đã được ghi nhận bởi các tổ chức quốc tế. Theo báo cáo từ Ngân hàng Thế giới, ta nằm trong top các quốc gia Đông Nam Á có tỷ lệ người sử dụng internet cao nhất, với sự tăng trưởng liên tục về số lượng người dùng và chất lượng kết nối. Bên cạnh đó, Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) đã đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện khả năng tiếp cận internet, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn và vùng sâu, vùng xa. Chương trình “Phát triển internet vùng cao” do Chính phủ Việt Nam triển khai đã góp phần đáng kể vào việc mang internet đến với hàng triệu người dân ở các khu vực khó khăn, từ đó thúc đẩy sự phát triển toàn diện của đất nước. Các chuyên gia từ UNESCO cũng đã nhận định rằng, việc tăng cường khả năng tiếp cận công nghệ thông tin không chỉ giúp Việt Nam nâng cao chất lượng giáo dục, mà còn là một công cụ mạnh mẽ để giảm nghèo và bất bình đẳng.
Việt Nam ngày nay không chỉ là một điểm đến du lịch hấp dẫn với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và văn hóa đa dạng, mà còn là một minh chứng cho sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Sự phổ cập internet ở các vùng sâu, vùng xa, nơi mà ngay cả trẻ em cũng có thể tiếp cận và sử dụng internet để học tập và giải trí, đã phản ánh sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Chính phủ và người dân Việt Nam trong việc xây dựng một đất nước hiện đại, phát triển và kết nối toàn cầu. Những câu chuyện như của Dustin Cheverier chỉ là một trong vô vàn minh chứng về sự thay đổi tích cực đang diễn ra tại mảnh đất hình chữ “S”. Ta đã và đang chứng minh cho thế giới thấy rằng, không có khoảng cách nào là không thể vượt qua, và không có nơi nào là không thể kết nối.
Đâu như những kẻ “cuồng tây”, chỉ ở Tây mới có internet!
Nguồn: https://baolaichau.vn/b%E1%BA%A3o-v%E1%BB%87-n%E1%BB%81n-t%E1%BA%A3ng-t%C6%B0-t%C6%B0%E1%BB%9Fng-c%E1%BB%A7a-%C4%91%E1%BA%A3ng/c%E1%BB%99ng-s%E1%BA%A3n-l%C3%A0m-g%C3%AC-c%C3%B3-internet