(BLC) – Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, địa phương, nhà trường, công tác phát triển đảng viên trong học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả đáng ghi nhận song quá trình xem xét, kết nạp vẫn còn khó khăn, rào cản không nhỏ. Vậy làm thế nào để khắc phục những vướng mắc này không chỉ là thách thức mà đòi hỏi địa phương, ngành Giáo dục tìm giải pháp tháo gỡ để ngày càng kết nạp thêm nhiều đảng viên trong học sinh.
VẪN CÒN NHIỀU RÀO CẢN
Mặc dù công tác phát triển đảng trong học sinh có nhiều khởi sắc song số lượng còn khiêm tốn so với số lượng đoàn viên ưu tú được giới thiệu kết nạp Đảng. Qua tìm hiểu thực tế tại một số trường THPT trên địa bàn tỉnh, bất cập lớn nhất nằm ở độ tuổi kết nạp Đảng. Theo quy định của Điều lệ Đảng, tại thời điểm chi bộ xét kết nạp, người vào Đảng phải đủ 18 tuổi (tính theo tháng) trở lên. Dẫn đến tình trạng nhiều học sinh đáp ứng tốt các điều kiện, tiêu chuẩn, có thành tích học tập tốt, tham gia sôi nổi các phong trào nhưng chưa đủ 18 tuổi nên nguồn đối tượng đảng là học sinh bị hạn chế. Bên cạnh đó, kỳ 2 của lớp 12 các em phải tham gia kỳ thi cuối cấp và các kỳ thi theo đề án tuyển sinh riêng của các trường đại học nên thời gian tham gia lớp bồi dưỡng đối tượng Đảng hay bị trùng lịch.
Cô giáo Lê Thị Xuyến – Phó Bí thư Chi bộ, Phó hiệu trưởng Trường THPT Quyết Thắng (thành phố Lai Châu) cho biết: Để tìm nguồn đảng viên trong học sinh, chi bộ đã tiến hành rà soát những học sinh ưu tú, tiêu biểu, có học lực khá, giỏi, hạnh kiểm tốt và tham gia nhiều hoạt động do nhà trường. Sau đó phân công các đảng viên bồi dưỡng, giáo dục và giúp các em phấn đấu trở thành đảng viên. Năm 2024 nhà trường có gần 10 học sinh đã tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về đảng tuy nhiên chỉ có 2 học sinh được kết nạp Đảng. Nguyên nhân một phần do các em chưa đạt tiêu chuẩn về độ tuổi (chưa đủ 18) ở thời điểm xem xét kết nạp dù các em có có thành tích nổi bật trong học tập, tham gia các hoạt động Đoàn.
Là trường có nhiều học sinh dân tộc thiểu số, công tác phát triển đảng viên trong học sinh ở Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THPT tỉnh gặp không ít khó khăn do nhiều phụ huynh chưa thấy được tầm quan trọng con mình khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng là việc rất vinh dự và cũng như tạo tiền đề cho các em sau này nên ít quan tâm đầu tư, khích lệ con em mình rèn luyện, phấn đấu vào Đảng. Ngoài ra, một bộ phận học sinh trong các trường học nhận thức chính trị còn hạn chế, chưa có động cơ phấn đấu vào Đảng. Việc theo dõi, phân công đảng viên giúp đỡ, phát hiện quần chúng ưu tú vào Đảng chưa được quan tâm đúng mức…
Vì vậy, để công tác phát triển đảng viên trong học sinh đảm bảo cả về “số lượng” và “chất lượng” rất cần sự chỉ đạo quyết liệt, phối hợp chặt chẽ của ban, ngành, cấp ủy, tổ chức đảng địa phương, đơn vị nhà trường để từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phấn đấu đạt các chỉ tiêu kết nạp đã đề ra.
CẦN CÓ NHỮNG GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ
Phát triển đảng viên trong học sinh tại các chi bộ trường THPT không chỉ có ý nghĩa quan trọng, mà còn tăng cường “sức trẻ” cho Đảng, tạo nguồn cán bộ kế cận cho Đảng. Từ đầu năm 2024 đến nay số lượng học sinh, sinh viên được học lớp nhận thức về đảng hiện có 54 quần chúng ưu tú. Điển hình như: Trường PTDTNT THPT tỉnh có 10 học sinh, Trường THPT Quyết Thắng có 8 học sinh, Trường PTDTNT huyện Tam Đường có 9 học sinh, Trường THPT Bình Lư có 13 học sinh… đây là nguồn đảng viên kế cận cho năm học 2024-2025 chi bộ các trường tiếp tục theo dõi, giúp đỡ và tổ chức kết nạp chính thức cho các học sinh tiêu biểu, ưu tú.
Mang trong mình hoài bão, quyết tâm để được đứng trong hàng ngũ của Đảng, từ năm học lớp 10 em Lò Thị Mai Hoa – Học sinh Lớp 12C2, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THPT tỉnh luôn dành nhiều thời gian cho việc học, tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, câu lạc bộ, chương trình ngoại khóa do nhà trường tổ chức. Với kết quả đạt giải nhì cấp tỉnh môn lịch sử năm học 2023- 2024 đây là động lực để em cố gắng trong năm học này đạt được kết quả tốt trong kỳ thi THPT Quốc gia, đỗ vào trường Đại học mình mong muốn. Nếu được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng em hứa cố gắng, phấn đấu, tiếp tục rèn luyện để bản thân xứng đáng kỳ vọng của gia đình, thầy cô, bạn bè.
Năm học 2024 – 2025, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn đặt ra mục tiêu bồi dưỡng và giới thiệu học sinh ưu tú học lớp nhận thức về Đảng 10 học sinh, đề nghị kết nạp Đảng 6 học sinh. Để đạt được mục tiêu này theo cô giáo Hồ Thanh An – Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, thành phố Lai Châu phải làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giúp các em học sinh nhận thức sâu sắc về Đảng, từ đó có động cơ phấn đấu vào Đảng đúng đắn. Sử dụng biện pháp “người thật việc thật” là dùng chính những tấm gương của các anh chị được kết nạp trên ghế nhà trường để trực tiếp tuyên truyền, giác ngộ cho đoàn viên thanh niên. Đổi mới phương thức hoạt động công tác đoàn và phong trào thanh niên trường học để thu hút và tạo điều kiện cho học sinh tham gia phong trào, qua đó phát hiện, lựa chọn nhân tố tích cực, bồi dưỡng, giới thiệu cho Đảng.
Ngoài ra, các cấp, ngành, địa phương, ngành giáo dục và các trường cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước đến học sinh. Nâng cao nhận thức, phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Công đoàn, Đoàn thanh niên và các tổ chức đoàn thể trong nhà trường về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên trong học sinh. Gắn trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu với kết quả công tác phát triển đảng viên trong học sinh, đây là một trong các tiêu chí để nhận xét, đánh giá, xếp loại thi đua của các tập thể hằng năm. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong học sinh gắn với việc thực hiện Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 11/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021 – 2030”.
Các chi bộ trường cần làm tốt công tác tạo nguồn, xây dựng các chỉ tiêu kết nạp đảng hằng năm. Nếu những năm trước đây, công tác phát triển đảng viên ở các chi bộ trường THPT chủ yếu tập trung ở cán bộ, giáo viên, nhân viên; tuy nhiên theo định hướng của Đảng việc này được mở rộng tới học sinh ưu tú. Nắm bắt thời cơ này, cũng như làm “giàu đảng viên cho tổ chức Đảng”, ngay từ khi bước vào lớp 10 các đơn vị trường THPT đã rà soát, quan tâm, tìm kiếm, bồi dưỡng những nhân tố mới, điển hình để đưa vào đối tượng kết nạp Đảng. Từ đó, có kế hoạch bồi dưỡng, phân công các cô giáo chủ nhiệm giúp đỡ quần chúng ưu tú. Tuyên truyền các bậc phụ huynh về tầm quan trọng của việc vào đảng của con em mình từ đó khuyến khích, động viên, phối hợp nhà trường giúp đỡ các em phấn đấu, rèn luyện để được kết nạp Đảng….
Bên cạnh đó, theo các chi bộ trường THPT cần phải gỡ khó trong việc quy định độ tuổi phát triển Đảng, có thể kết nạp học sinh THPT khi vừa đủ 18 tuổi chứ không nhất thiết phải tròn tháng như theo quy định hiện hành. Mặt khác, để tránh lãng phí nguồn, các tổ chức cơ sở đảng (trường THPT, trường chuyên nghiệp, địa phương nơi cư trú…) cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc đánh giá, theo dõi, bồi dưỡng chất lượng nguồn kết nạp vào Đảng, nhất là với những học sinh chưa đủ tuổi kết nạp tại trường THPT. Có như vậy, mới không bị bỏ sót những học sinh ưu tú, có lý tưởng vào Đảng.
Có thể khẳng định, đẩy mạnh phát triển Đảng trong học sinh là chủ trương đúng đắn nhằm bổ sung lực lượng, trẻ hoá đội ngũ đảng viên, bảo đảm tính kế thừa và phát triển cũng như nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng. Từ đó, góp phần xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch, vững mạnh, xây dựng quê hương Lai Châu ngày càng giàu đẹp, ấm no, hạnh phúc.
Nguồn: https://baolaichau.vn/ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%8B/b%C3%A0i-3-ph%C3%A1t-tri%E1%BB%83n-%C4%91%E1%BA%A3ng-vi%C3%AAn-trong-h%E1%BB%8Dc-sinh-%C4%91%E1%BA%A3m-b%E1%BA%A3o-ch%E1%BA%A5t-v%C3%A0-l%C6%B0%E1%BB%A3ng