Thành lập tháng 7/2024, Xưởng may Tây Bắc đứng chân trên địa bàn tổ dân phố số 5, phường Quyết Tiến (thành phố Lai Châu) đã góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho phụ nữ, phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.
Xuất phát từ mong muốn nâng cao thu nhập cho gia đình, đồng thời tạo việc làm cho người dân địa phương, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số có thời gian nhàn rỗi và không có điều kiện đi làm xa, chị Vũ Thị Minh – chủ Xưởng may Tây Bắc mạnh dạn thuê mặt bằng, tìm kiếm đối tác, liên kết với các công ty, doanh nghiệp may mặc ở Hà Nội và các tỉnh miền xuôi sản xuất trang phục theo nhu cầu nghề nghiệp và vị trí việc làm. Hiện, cơ sở đã đầu tư dây chuyền sản xuất, hệ thống thiết bị hơn 30 máy may công nghiệp.
Là một trong những lao động gắn bó với Xưởng may Tây Bắc từ những ngày đầu thành lập, chị Lê Thị Hà ở tổ dân phố số 3 (phường Quyết Tiến) chia sẻ: Khi được xưởng may nhận vào làm tôi rất vui. Bởi địa điểm gần nhà, bản thân đang nuôi con nhỏ. Với mức thu nhập 5 triệu đồng/tháng, tôi và chị em ở các xã, phường trên địa bàn thành phố yên tâm, phấn khởi có việc làm, cải thiện cuộc sống. Công việc nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe, lương hưởng theo sản phẩm, không áp lực.
Xưởng may Tây Bắc đã và đang giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Còn với chị Dì Thị Hồng ở bản Nậm Loỏng 1 (phường Quyết Thắng), trước đây chị làm thuê đủ nghề, công việc lại bấp bênh. Từ khi vào làm việc tại xưởng may của chị Minh, chị và nhiều lao động trên địa bàn có công việc ổn định. Quá trình làm việc, chị Minh tận tình hướng dẫn để hoàn chỉnh sản phẩm áo, quần theo đúng kích thước, mẫu mã theo yêu cầu của khách hàng. So với khi trước ở nhà làm ruộng nương, nội trợ, số tiền kiếm được từ nghề may giúp gia đình chị đỡ vất vả hơn nhiều.
Theo các lao động làm việc tại đây, nhờ việc cơ sở duy trì đơn hàng lớn giúp chị em có việc làm đều đặn. Thậm chí có chị còn nhận hàng làm tại nhà, vừa có thể chăm sóc gia đình, quản lý các con học hành vừa có thu nhập.
Chị Vũ Thị Minh – chủ Xưởng may Tây Bắc cho biết: Hiện tại, xưởng may có 12 lao động làm việc thường xuyên, với người đã qua đào tạo có mức lương cơ bản 5 triệu đồng/người/tháng, chưa kể tăng ca. Đối với những lao động vừa học vừa làm thì lương 3 triệu đồng/người/tháng. Ngoài chế độ tiền lương, cơ sở còn có những chính sách hấp dẫn cho lao động ở xa như: hỗ trợ tiền xăng xe đi lại, chỗ ăn ở phù hợp. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là tuy chị em người dân tộc thiểu số học thêu, may trang phục truyền thống từ nhỏ, nhưng khi may công nghiệp còn chậm, chưa bắt kịp thao tác dây chuyền sản xuất. Vì vậy thời gian đào tạo lâu.
Hiện nay, xưởng may đã ký được nhiều đơn hàng lớn, đây cũng là tiền đề để mở rộng quy mô hoạt động, thu hút nhiều lao động vào làm việc và yên tâm gắn bó lâu dài. Song, chị Minh vẫn mong muốn, tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn về trang phục, đồng phục, từ đó giảm chi phí vận chuyển, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động ngay tại địa phương.
Nguồn: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/t%E1%BA%A1o-vi%E1%BB%87c-l%C3%A0m-cho-lao-%C4%91%E1%BB%99ng-n%C3%B4ng-th%C3%B4n