(BLC) – Với tiềm năng, thế mạnh tự nhiên sẵn có những năm qua tỉnh Lai Châu có nhiều chính sách khuyến khích nhân dân phát triển nghề nuôi cá nước lạnh mang lại nguồn thu nhập cao. Những sản phẩm từ cá nước lạnh đang dần khẳng định vị thế và chỗ đứng trên thị trường, trở thành một trong những động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở các địa phương.
Huyện Phong Thổ được nhiều người biết đến là địa phương nuôi cá nước lạnh chất lượng như: cá hồi, cá tầm. Đến nay, huyện có 40 cơ sở là doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị và người dân đang nuôi cá tầm, cá hồi với tổng số 210 bể nuôi cá thương phẩm và cá giống. Thời gian qua, huyện khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân mở rộng diện tích, nhân số lượng đàn nuôi. Các phòng chuyên môn của huyện tham mưu hỗ trợ cơ sở có nhu cầu nuôi cá nước lạnh về kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh và tìm đầu mối cung cấp cá giống chất lượng cũng như hỗ trợ xây dựng sản phẩm cá nước lạnh theo chương trình OCOP.
Người dân bản Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ tận dụng nguồn nước tự nhiên nuôi cá tầm.
Đầu năm 2020, Hợp tác xã Tả Cù San ở bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ vay 150 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xây 2 bể nuôi cá tầm và đầu tư đường ống dẫn nước về bể. Sau thời gian học hỏi kinh nghiệm chăm sóc nuôi cá hồi, cá tầm của nhiều chủ cơ sở ở Sa Pa và huyện Tam Đường, hợp tác xã đã nhập giống cá tầm về nuôi. Thời điểm nuôi nhiều, trong bể của hợp tác xã thường có 4.000 con cá giống và 4.000 cá thương phẩm. Thấy nuôi cá nước lạnh mang lại hiệu quả kinh tế cao, hợp tác xã tiếp tục đầu tư thêm 2 bể nuôi cá với diện tích 400m2, mỗi năm hợp tác thu từ 350-450 triệu đồng từ bán cá.
Phát huy tiềm năng, lợi thế về nguồn nước, khí hậu, huyện Tam Đường vận động bà con phát triển mô hình nuôi cá tầm, cá hồi, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao. Cùng với đó, hằng năm huyện tập trung rà soát lại hiện trạng cá nước lạnh trên địa bàn, tổ chức quy hoạch những điểm có khả năng nuôi cá nước lạnh. Trong đó, ưu tiên hàng đầu về bảo đảm phòng, chống thiên tai đối với các cơ sở nuôi cá tầm, cá hồi; tăng cường tuyên truyền, mời gọi các cá nhân, tổ chức vào khảo sát đầu tư phát triển nuôi cá nước lạnh.
Đến nay, toàn huyện có tổng số 22 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đầu tư nuôi cá nước lạnh, với 366 bể, thể tích nuôi 32.500m3; tập trung chủ yếu ở các xã Sơn Bình, Bản Bo, Hồ Thầu. Với sản lượng bình quân mỗi năm hơn 170 tấn, giá bán dao động từ 180 đến 250 nghìn đồng/kg, tổng doanh thu từ nuôi cá trên địa bàn toàn huyện đạt từ 30 đến 42 tỷ đồng mỗi năm. Nghề nuôi cá tầm, cá hồi đã giúp nhiều hộ chăn nuôi không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu góp phần tăng thu nhập bình quân của huyện lên hơn 42 triệu đồng/người/năm.
Từ mô hình thử nghiệm ban đầu chỉ 50m3, đến nay Lai Châu đã phát triển diện tích nuôi cá nước lạnh lên hơn 65.300m3 với sản lượng bán ra thị trường ước đạt hơn 500 tấn thương phẩm mỗi năm. Bên cạnh những tiềm năng, quá trình phát triển nuôi cá nước lạnh trên địa bàn tỉnh cũng gặp những khó khăn nhất định về địa hình đồi núi dốc, thiếu mặt bằng để xây dựng, chi phí đầu tư lớn; chưa kể giao thông đi lại khó khăn ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển vật tư đầu vào phục vụ quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; điện lưới quốc gia chưa đồng bộ đáp ứng nhu cầu sản xuất. Ngoài ra, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế trong thực hiện các thủ tục hành chính như: đăng kí cấp mã số cơ sở nuôi; chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Mặt khác, một số thủ tục về vay vốn còn khó khăn, có những chủ thể chưa tiếp cận được nguồn vốn.
Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tam Đường, xã Sơn Bình hướng dẫn người dân chăm sóc cá tầm.
Để nuôi cá nước lạnh phát triển theo hướng bền vững, tỉnh Lai Châu tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư xây dựng, làm chủ công nghệ sản xuất giống cá nước lạnh. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật, áp dụng các biện pháp phòng và điều trị bệnh cho cá nước lạnh. Đặc biệt là khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi liên kết trong sản xuất gắn với chế biến sâu, góp phần thúc đẩy phát triển sản phẩm chủ lực của tỉnh…
Với những giải pháp cụ thể cùng với những cơ chế, chính sách mở đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi, tỉnh tiếp tục khai thác tiềm năng để phát triển thủy sản, nhất là nuôi cá nước lạnh. Từ đó, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo mà còn khẳng định được thương hiệu riêng cho tỉnh với những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, có giá trị kinh tế cao.
Nguồn: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/lai-ch%C3%A2u-ph%C3%A1t-huy-ti%E1%BB%81m-n%C4%83ng-nu%C3%B4i-c%C3%A1-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-l%E1%BA%A1nh