Ở độ tuổi ngoài 80, nhưng ông Lò Văn Chiến ở bản Tả Xín Chải, phường Đông Phong, thành phố Lai Châu (Lai Châu) vẫn miệt mài sưu tầm những làn điệu dân ca, những câu ví, những tích cổ hay những lời đối đáp trong tục hát ống… của dân tộc mình để viết sách. Ông được mệnh danh là “kho tàng sống”, là người giữ hồn tinh hoa văn hóa Pú Nả (một nhánh của dân tộc Giáy) ở Lai Châu.
Ông Lò Văn Chiến bên những trang sách nghiên cứu về văn hóa Pú Nả.
Miệt mài “chép văn hóa” dân tộc
Đón chúng tôi tại căn nhà truyền thống của người Pú Nả, miệng tủm tỉm, tay rót cốc trà xanh mát ngọt, ông Lò Văn Chiến xởi lởi mời khách.
Nhấp ngụm trà, rồi ông cất tiếng cười khà khà: Đất này được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho thứ chè tuyết shan, mùa nóng lấy lá hãm trà xanh uống nước tốt lắm đấy.
Ngoài trà xanh, vùng đất Tả Xín Chải này bao đời nức tiếng với những nét ẩm thực văn hóa độc đáo của dân tộc bản địa như: bánh bóng, phở thái, bánh ngô…
Người dân thì gần gũi, sống quây quần bên nhau. Bản làng được bao quanh bởi những hàng rào đá.
Cũng bởi cái đẹp mộc mạc rêu phong của đá ở Tả Xín Chải, nên sau khi tách từ huyện Tam Đường về thành phố Lai Châu, xã này mới lấy tên xã là “San Thàng” nghĩa là “phố đá”.
Sau câu chuyện về hồn đất, hồn người, ông Chiến lấy chiếc máy tính cũ cùng tập bản thảo mà hằng ngày ông vẫn cần mẫn ghi chép, cẩn trọng lưu trữ ra.
Lật dở những trang bản thảo viết tay đã hoen màu theo thời gian, ông bắt đầu kể về chuyện đi tìm “hồn vía” dân tộc mình.
Ông Lò Văn Chiến (áo đen ngồi giữa bên trái) dày công sưu tầm, tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa của người Pú Nả trong nhiều năm. |
Theo lời kể của ông Chiến, dù đã từng kinh qua nhiều vị trí công tác, cao nhất là Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện (huyện Phong Thổ cũ), nhưng đi đâu, làm gì, những câu chuyện cổ dân tộc Pú Nả mà mẹ ông vẫn hay kể, hay những ngày tháng Giêng chìm đắm trong lễ hội truyền thống, cảnh trai gái hẹn hò đối đáp trong dịp “Lồng tồng” (lễ hội xuống đồng); rồi những ngày xuân rộn ràng trong tiếng kèn pí kẻo, lời tỏ tình gái trai khi hát ống… và cả những đêm trắng bên hương án nghi ngút nghe các thầy mo khấn, cầu… tất cả, chưa khi nào rời tâm trí ông.
Lớn lên được đi, tiếp xúc nhiều, ông Chiến nhận ra người Pú Nả của ông tuy được xếp trong nhóm dân tộc Giáy, nhưng cũng có nhiều điểm khác có thể phân biệt qua y phục và lễ tục truyền thống. Xác định điều đó, nên ông đã ý thức nghiên cứu, tìm hiểu về tộc người Pú Nả.
Dù tuổi đã cao, nhưng ở địa phương có bất kỳ sự kiện văn hóa nào, ông cũng đến và ghi chép một cách bài bản làm tư liệu nghiên cứu. |
Khi biết có nguồn tin cho rằng người Pú Nả ở Lai Châu có nhiều nét tương đồng với dân tộc Pú Nả ở Hà Giang. Để phục vụ cho việc nghiên cứu, biên soạn, xuất bản các công trình văn hóa về người Pú Nả. Từ năm 1999 đến 2015, ông đã nhiều lần sang Hà Giang khảo cứu, tìm hiểu, văn hóa dân tộc Bố Y.
Sau khi có thực tế so sánh, ông xuống Hà Nội nhờ các chuyên gia của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam đánh giá, kiểm chứng, để từ đó có những kết luận chuẩn xác, phục vụ cho công tác xuất bản sách của mình.
Nhìn ông nâng niu những “đứa con tinh thần” bao năm chăm chút, mới thấy ông dành tình yêu đặc biệt cho văn hóa dân tộc mình như thế nào.
Hằng ngày ông Chiến (áo đen bên phải) vẫn về bản của người Pú Nả để tìm tư liệu, nghiên cứu văn hóa. |
Hơn 50 năm nghiên cứu, sưu tầm, vốn liếng của ông đến nay là gần mười đầu sách về tín ngưỡng, văn hóa, ẩm thực người Pú Nả được các nhà xuất bản Hội Nhà văn, Văn hóa Dân tộc ấn hành, cùng hàng chục bản thảo đang viết dở như: Từ vựng Pú Nả-Việt ở vùng Tam Đường Lai Châu, Thơ dân ca Pú Nả, song ngữ, dân ca trong lễ cưới, Thơ dân ca giao duyên Pú Nả, Then của người Pú Nả Lai Châu, Văn hóa ẩm thực của người Pú Nả…
Nặng lòng với văn hóa truyền thống
Theo lời kể của ông Chiến, xưa đất Tả Xin Chải của ông nổi tiếng tục hát ống, thuở nhỏ ông thường theo cha đi nghe hát ống. Có những cuộc hát được kéo dài thâu đêm suốt sáng, người nào ca hay, hát giỏi thì cả bản hãnh diện lắm. Cũng chính từ những cuộc hát đối mà nhiều đôi nên duyên, cha mẹ ông cũng thành đôi từ những lần hát như thế.
Thế nên, mỗi khi có con cháu quây quần, ông lại chế tác dụng cụ hát ống và giảng giải cặn kẽ ý nghĩa từng câu hát. Đó là lối hát ví, giao duyên đối đáp qua lại vốn phổ biến trong dân gian xưa.
Hát ống cũng mang những đặc trưng của các hoạt động sinh hoạt âm nhạc cộng đồng truyền thống khác, nó là hình thức diễn xướng đơn giản, gắn liền với cảnh quan thiên nhiên và sinh hoạt đời thường của người nông dân.
Hát ống, với bản chất là hát ví von về các chủ đề như: tình yêu lứa đôi, chào khách, mời thuốc, mời rượu, chọn giống tốt gieo hạt…
Ông Chiến truyền dạy cho con cháu kỹ thuật làm ống hát, một nét sinh hoạt cộng đồng của người Pú Nả xưa khi có lễ hội… |
Bằng tình yêu với văn hóa Pú Nả, ông đã “thổi” lên ngọn lửa yêu nghệ thuật đến với bà con bản Tả Xín Chải. Năm 2020, ông Chiến đã tập hợp được hơn 30 thành viên là những người đam mê, cùng say, yêu văn hóa nghệ thuật Pú Nả, thành lập nên các nhóm bảo tồn như: Dân ca dân vũ; dệt thổ cẩm… rồi cùng nhau sưu tầm các cổ vật Pú Nả đưa về trưng bày tại nhà văn hóa của bản.
Cuối năm 2023, ông cùng bà con trong bản đã phục dựng lại thành công tục hát ống, nhằm truyền dạy cho thế hệ trẻ của bản mình.
Bà Vùi Thị Lẻ hơn 70 tuổi, là người còn biết được nhiều về tục hát ống và là thành viên trong Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc Pú Nả, cho biết: “Bà con ai cũng yêu văn hóa văn nghệ, chúng tôi là thế hệ kế cận của ông Chiến còn biết hát đối, múa, hát dân ca.
Ông Chiến và những đứa con tinh thần do ông nghiên cứu, sưu tầm về văn hoá Pú Nả viết ra. |
Nhờ có ông Chiến chúng tôi mới hồi sinh được tục hát ống của ông bà ngày xưa, cũng nhờ có ông Chiến mà chúng tôi biết thêm nhiều về văn hóa của dân tộc mình. Qua đó, bà con hiểu sâu hơn những truyện cổ dân gian, những truyền thống tốt đẹp của ông cha cần phải gìn giữ bảo tồn…”.
Chia tay ông Chiến, chúng tôi không quên được hình ảnh ông già Pú Nả chậm rãi thưởng thức vị trà xanh, thi thoảng lại “lẩy” câu thành ngữ: “Vứt được quần áo lành, Không bỏ được anh em; Mười lán nương không bằng một góc ruộng, Suối không cá như ruộng không thóc…”. Những câu thành ngữ Pú Nả mà ông Chiến “lẩy” cũng là một phần đau đáu trong ông về cái hồn văn hoá của dân tộc mình.