Hoạt động thương mại, dịch vụ (TMDV) trên địa bàn thành phố Lai Châu những năm qua diễn ra khá sôi động. Kết quả này là nhờ sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố trong việc phát huy tiềm năng, lợi thế và tăng cường các hoạt động phát triển TMDV.
Xác định phát triển TMDV là một trong những nhiệm vụ quan trọng, UBND thành phố khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình mạnh dạn đầu tư mở rộng kinh doanh, đa dạng các loại hình để phục vụ nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng của nhân dân như bán hàng theo hình thức: trực tiếp, trực tuyến, tại nhà, tự chọn… giúp cho việc lưu chuyển hàng hóa của thị trường nội địa tăng trưởng.
Hệ thống cửa hàng, trung tâm mua sắm, siêu thị tăng về số lượng, quy mô hiện đại, hệ thống chợ dần hoàn thiện trở thành những điểm thu hút người dân sinh sống tại thành phố cũng như các huyện trong tỉnh đến mua sắm. Đạt mục tiêu đa dạng hóa các loại hình phân phối tạo thói quen mua sắm văn minh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tại cửa hàng bán các loại máy cầm tay, dụng cụ sửa chữa Quang Đăng của gia đình anh Phạm Văn Trịnh (phường Tân Phong, thành phố Lai Châu) hoạt động mua bán hàng hóa diễn ra tấp nập. Anh Trịnh chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi mở cửa hàng bán đồ gia dụng phục vụ nhu cầu của người dân trong vùng nhưng quy mô nhỏ, mặt hàng lại không nhiều nên lợi nhuận không cao. Mấy năm gần đây, giao thương phát triển, đời sống bà con được nâng lên đã thúc đẩy nhu cầu mua sắm tăng. Do đó, gia đình tôi mở rộng diện tích cửa hàng cũng như nhập thêm các loại máy móc để phục vụ nhu cầu của khách hàng như: máy khoan, máy mài, máy cắt sắt, dụng cụ sửa chữa ôtô, xe máy, xe đạp, sửa chữa điện… Các mặt hàng được nhập từ những nhà phân phối có uy tín, nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt, vì thế, được người dân trên địa bàn tin dùng.
Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, thành phố cũng tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, mặt bằng để các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh phát triển, mở rộng hệ thống phân phối, bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng.
Người dân mua hàng tại chợ San Thàng.
Chị Bùi Thị Loan ở tổ dân phố số 6 (phường Quyết Tiến) tâm sự: Gia đình tôi thường xuyên mua hàng tại chuỗi cửa hàng Winmart+. Bởi tại đây các sản phẩm hàng hóa đa dạng, nhất là các loại thực phẩm tươi sống, trái cây, mỹ phẩm yên tâm về chất lượng. Hơn nữa Winmart+ còn thường xuyên có những đợt giảm giá sâu kích cầu người mua.
Chị Hoàng Thị Thanh – Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Lai Châu cho biết: Để tăng cường các hoạt động phát triển TMDV, thành phố ban hành nhiều kế hoạch, đề án, quyết định, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và các xã, phường tổ chức tuyên truyền phổ biến Nghị quyết số 137/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của HĐND thành phố Lai Châu về phát triển thương mại và dịch vụ du lịch trên địa bàn giai đoạn 2021-2025. Thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển mạng lưới thương mại trên địa bàn như: tìm kiếm, phối hợp các sở, ngành tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp có tiềm năng, năng lực tới khảo sát và lập phương án đầu tư xây dựng các dự án như: khu đô thị Thiên đường Mắc-ca, đường nối cao tốc Hà Nội – Lào Cai, xây dựng chợ đầu mối tỉnh, đưa phố đi bộ Hoàng Diệu vào hoạt động tạo điều kiện mở rộng các hình thức kinh doanh thương mại trên địa bàn.
Phối hợp tổ chức nhiều hoạt động trưng bày, quảng bá sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của địa phương tại các sự kiện diễn ra trên địa bàn. Xúc tiến thương mại và tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm OCOP tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Khuyến khích các đơn vị đầu mối, siêu thị thực hiện tốt việc dự trữ, cung ứng các mặt hàng tiêu dùng. Đến nay, thành phố có hơn 4.700 cơ sở sản xuất kinh doanh, trong đó: hơn 500 cơ sở doanh nghiệp, hợp tác xã; hơn 4.000 cơ sở là cá nhân, hộ sản xuất kinh doanh. 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn ước đạt 2.273 tỷ đồng (tăng 12,38% so với cùng kỳ năm 2023).
Thành phố cũng quan tâm kiểm soát thị trường nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; các hành vi gian lận thương mại, kinh doanh trái pháp luật. Tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật về lĩnh vực kinh doanh thương mại đến thương nhân; kịp thời đề xuất các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, ổn định thị trường không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến khi thị trường có biến động.
Để đạt được mục tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đến năm 2025 đạt 4.800 tỷ đồng, thời gian tới, thành phố tiếp tục hoàn thiện phương án chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh và khai thác chợ San Thàng. Triển khai thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Tiếp tục đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa các công trình hạ tầng đô thị, đôn đốc các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại thực hiện những nội dung đã được phê duyệt. Duy trì, khai thác ổn định và tạo điều kiện thuận lợi các loại hình dịch vụ phát triển.
Nguồn: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/ph%C3%A1t-tri%E1%BB%83n-th%C6%B0%C6%A1ng-m%E1%BA%A1i-d%E1%BB%8Bch-v%E1%BB%A556