Ai lái xe mới hiểu được nỗi khổ của người ngồi sau vô lăng
Tại tọa đàm “Xe buýt Thủ đô cần làm gì để nâng cao chất lượng?” sáng 17/11, lý giải về nguyên nhân người dân vẫn chưa chuyển đổi việc sử dụng phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng, PGS.TS Vũ Ngọc Khiêm – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Công nghệ GTVT cho rằng dù ở cấp độ xã hội thấy rõ việc sử dụng phương tiện công cộng mang lại nhiều lợi ích, nhưng người dân vẫn chưa thấy được họ được lợi gì cho cá nhân.
Do đó, nhiều người vẫn thích sử dụng phương tiện cá nhân để thuận tiện cho họ.
“Thực ra, lợi ích này mang tính tổng thể chứ không phải mang tới lợi ích riêng cho ông A, ông B nào cả. Các nghiên cứu tác động về môi trường khi dùng các loại hình phương tiện cũng không tác động cụ thể đến cá nhân nào, nên đây là góc độ tổng thể chung của xã hội”, ông Khiêm nói.
Theo ông Khiêm, nếu nhìn nhận thực tế, người dân còn hạn chế trong tiếp cận với giao thông công cộng do điểm đỗ phương tiện công cộng xa, bị chiếm dụng vỉa hè nên người đi bộ không cảm thấy an toàn, hay một số nơi cũng không có chỗ để cho người dân để phương tiện cá nhân khi muốn sử dụng phương tiện công cộng.
Lấy ví dụ cụ thể, ông nhắc đến tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông đi vào sử dụng, rất thiếu các điểm đỗ phương tiện cá nhân. “Có một số nơi nhưng là tự phát. Do đó, để người dân muốn tiếp cận giao thông công cộng cần phải tạo điều kiện cho họ”, ông Khiêm nói.
Theo đó, bên cạnh nhiều giải pháp, chuyên gia này cho rằng có thể cân nhắc phương án sử dụng phương tiện 2 bánh công cộng để kết nối người dân với phương tiện công cộng. Điều này đã được nhiều nơi trên thế giới áp dụng và cũng phù hợp với Hà Nội.
“Chúng tôi đang thí điểm dự án kết nối đầu cuối và đó sẽ là cơ sở để đề xuất với thành phố trong việc điều chỉnh các chính sách. Nếu triển khai được kết nối này sẽ là một trong những cơ hội tốt để tăng sự tham gia của người dân với xe buýt”, ông Khiêm thông tin.
Cũng trao đổi về các giải pháp ưu tiên trong thời gian tới, theo ông Nghiêm Quốc Thắng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội, giải pháp đầu tiên là dành đường ưu tiên cho xe buýt. Trong đó, có thể áp dụng sớm với đoạn từ Ngã Tư Sở vào Hà Đông có chiều dài khoảng 5-6km. Những chỗ nào đường mặt cắt ngang trên 9m thì mạnh dạn mở đường dành riêng.
“Theo tôi, chúng ta không cần mở toàn tuyến, chỗ nào hợp lý đủ đường thì chúng ta mở. Việc dành đường ưu tiên như vậy có nhiều lợi ích, không chỉ dành cho xe buýt mà còn nhiều phương tiện khác như xe cứu thương, xe chữa cháy”, ông Thắng nói.
Về chế độ người lao động, ông Thắng đề xuất có thể mở rộng độ tuổi cho những người có đủ sức khỏe dù trên 55 tuổi vì họ có nhiều kinh nghiệm. Đồng thời xem xét để tăng chế độ đãi ngộ cho đội ngũ lao động này.
“Về thu nhập, đãi ngộ của người lái xe, chúng ta đều nói người lái xe rất quan trọng, đảm bảo an toàn cho hàng chục người dân trên xe nhưng lại chưa có thu nhập xứng đáng. Hiện tại, Quốc hội đang bàn về cải cách tiền lương, theo tôi, lái xe cũng cần tăng lương vì yếu tố độc hại.
Thực tế, ai lái xe mới hiểu được nỗi khổ của người ngồi sau vô lăng. Không ít người lái xe giỏi chạy Bắc – Nam nhiều năm nhưng chạy xe buýt không nổi khi gặp cảnh tắc đường. Tôi nghĩ rằng kỷ luật phải tương đương với thu nhập. Kỷ luật cao phải xứng đáng với thu nhập cao”, ông Thắng nói thêm.
Vấn đề nằm ở cách quản lý lao động của từng DN
Về phía quản lý Nhà nước, ông Thái Hồ Phương – Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội cho biết, đơn vị này đang trình Tp.Hà Nội đề án sắp xếp hợp lý các điểm dừng đỗ; cùng với đề án tái cấu trúc mạng lưới, đưa thêm các loại hình vận tải công cộng khác như xe buýt nhỏ; triển khai thí điểm xe đạp công cộng và ứng dụng công nghệ tạo tiện dụng trong chuyển tuyến; chính sách vé liên thông, vé điện tử là những giải pháp Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội đang triển khai để tăng sự tiếp cận của người dân với hệ thống buýt và cải thiện thời gian chuyến đi.
Theo ông Phương, trong những phản ánh của hành khách có rất nhiều bức xúc về chất lượng phục vụ của lái xe, nhân viên, tuy nhiên việc đãi ngộ cho người lao động hẳn là nguyên nhân chủ yếu.
“Tôi cho rằng thu nhập không phải là vấn đề, không phải cứ trả lương cao thì nâng chất lượng dịch vụ mà việc này nằm ở cách quản lý lao động của từng doanh nghiệp, sao cho lái xe, người bán vé không bị áp lực hay công tác tập huấn có thực chất không”, ông Phương nói.
Ông Phương cho rằng, cần xem lại công tác kiểm tra giám sát của doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước đã quyết liệt chưa.
“Nếu lái xe, nhân viên vi phạm nhưng không bị xử lý, nhiều lần sẽ dẫn đến suy nghĩ có vi phạm cũng không sao và dẫn đến tâm lý tái phạm, không tạo được tính răn đe”, ông Phương nói đồng thời cũng nhấn mạnh việc cải thiện chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng cần sự nỗ lực của đa ngành.
Theo đó, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội hiện đã xây dựng bộ tiêu chí để đánh giá chất lượng dịch vụ đối với xe buýt. Tuy nhiên thực tế triển khai vấp phải khó khăn do sự hài lòng là yếu tố khó lượng hóa. “Chúng tôi vẫn tiếp tục hoàn thiện bộ tiêu chí, có thêm các kênh thông tin, đo sự hài lòng của hành khách để càng ngày bộ tiêu chí đánh giá sát với thực tế, minh bạch hơn”, ông Phương cho hay.
Ông Phương cho rằng rất cần sự đồng hành lớn từ các doanh nghiệp, trong việc chủ động nâng cao chất lượng phục vụ của lái xe, nhân viên bán vé.
Bên cạnh đó, là sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan truyền thông trong tuyên truyền lợi ích của vận tải hành khách công cộng đến người dân. Đặc biệt là những tiếng nói trách nhiệm của hành khách về những vi phạm của lái xe, nhân viên, dù là nhỏ nhất như đến điểm không mở cửa, thu tiền không xé vé,… để kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót.