Theo khảo sát của Người Đưa Tin, từ đầu tháng 5/2023, hàng loạt ngân hàng đã công bố giảm lãi suất huy động từ 0,5 điểm % ở nhiều kỳ hạn.
Mức lãi suất gần 10% đã biến mất trên thị trường sau khi niêm yết vào vài tháng đầu năm nay, thay vào đó là mức lãi trên dưới 9%/năm.
Trong hệ thống, ABBank đang trả lãi tại kỳ hạn 15 tháng cao nhất lên tới 9,2%/năm đối với hình thức gửi tiết kiệm online. Nếu gửi tiết kiệm tại quầy, lãi suất ABBank ở mức 8,9%. Trường hợp khách hàng gửi tiết kiệm nhưng nhận lãi đầu kỳ, lãi suất ABBank dao động từ 8,01% – 8,25%/năm.
Còn tại SCB, với kỳ hạn từ 10-15 tháng, ngân hàng niêm yết lãi suất tiết kiệm tại quầy dao động từ 6,94% – 7,6%/năm. Tuỳ theo hình thức lĩnh lãi của khách hàng, nếu khách hàng chọn nhận lãi cuối kỳ, lãi suất SCB sẽ trả ở mức cao nhất 7,6%/năm.
Vừa qua, VPBank cũng đồng loạt giảm 0,2 điểm % lãi suất với các kỳ hạn trên 12 tháng. Hiện tại, 8%/năm là mức lãi suất cao nhất áp dụng cho kỳ hạn 12-13 tháng và 7,2%/năm cho kỳ hạn 15-36 tháng, áp dụng với hình thức gửi tiết kiệm online.
Lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng tư nhân lớn như HDBank và SHB vẫn được trả lãi cao, lần lượt với mức 8,3%/năm và 7,9%/năm. Mặt khác, lãi suất tại ACB và Techcombank đã giảm mạnh về còn 7,7%/năm và 7,6%/năm.
Mức lãi suất thấp nhất hệ thống hiện là 7,2%/năm cho kỳ hạn 12 tháng thuộc về nhóm ngân hàng quốc doanh BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank.
Nhiều ngân hàng cũng giảm mạnh lãi suất ở kỳ hạn 6 tháng. Tuy nhiên, vẫn còn một số nhà băng niêm yết trên 8%/năm như NCB (8,4%/năm), Bao Viet Bank (8,3%/năm), HDBank (8,3%/năm), OCB (8,1%/năm),…
8,5%/năm là mức cao nhất hiện tại cho lãi suất ở kỳ hạn 6 tháng, hiện 3 đơn vị niêm yết mức này là ABBank, VietABank và Nam A Bank.
Ngoài ra, hầu hết các ngân hàng đều trả mức lãi từ 6,6-7,8%/năm. 2 đơn vị lớn là MB và VPBank có mức niêm yết trái ngược ở kỳ hạn này khi MB đã giảm sâu ở mức 6,6%/năm, thì VPBank vẫn áp dụng 8%/năm.
4 “ông lớn” ngân hàng đều áp dụng mức 5,8%/năm cho hình thức gửi tại quầy và từ 6,5-7,2%/năm với hình thức gửi online. Đây là mức thấp nhất hệ thống hiện tại.
Lãi suất tiết kiệm giảm tiếp đà tăng cho lãi suất cho vay. Mới đây, Agribank đã công bố tiếp tục giảm 0,5%năm lãi suất cho vay đối với dư nợ trung dài hạn hiện hữu của khách hàng, thời gian áp dụng từ ngày 15/5/2023 đến hết ngày 30/9/2023.
Uớc tính, sẽ có khoảng 2 triệu khách hàng được hỗ trợ với tổng số tiền được giảm theo chương trình này là hơn 1.000 tỷ đồng. Đây là lần thứ 5 liên tiếp từ đầu năm 2023 đến nay, Agribank điều chỉnh giảm lãi suất cho vay.
Đối với tín dụng ngắn hạn, Agribank cũng đang triển nhiều chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất, mức thấp nhất chỉ từ 4,5%/năm tuỳ theo kỳ hạn vay và đối tượng vay vốn.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều đơn vị phản ánh lãi suất cho vay vẫn còn cao. Theo Báo cáo mới phát hành của công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lãi suất huy động 12 tháng trung bình của tháng 5 đạt 7,61%, giảm 0,18% so với tháng trước. Trong khi đó, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng trung bình đạt 7,07%, giảm 0,22% so với tháng trước.
Theo BVSC, mặc dù đã giảm đáng kể từ mức đỉnh, nhưng lãi suất huy động vẫn đang cao hơn đáng kể so với mặt bằng trước dịch. Việc lãi suất huy động vẫn ở mức cao cũng là yếu tố khiến cho lãi suất cho vay vẫn chưa giảm được nhiều, phần nào ảnh hưởng tới tăng trưởng tín dụng.
Ngày 17/5, Ngân hàng Nhà nước đã có một số thông báo lý giải về mặt bằng lãi suất cho vay vẫn ở mức cao. Theo cơ quan quản lý tiền tệ, lãi suất cho vay vẫn còn cao bởi nhiều nguyên nhân, áp lực từ cả trong và ngoài nước.
“Mặc dù lạm phát đã ổn định hơn, nhưng áp lực lạm phát hiện hữu, tiểm ẩn, khiến người dân kỳ vọng lãi suất thực dương nên tổ chức tín dụng khó giảm lãi suất để thu hút tiền gửi, khiến chi phí đầu vào của ngân hàng ở mức cao”, Ngân hàng Nhà nước giải thích.
Huy động vốn đến ngày 27/4/2023 tăng 1,78%, chỉ bằng gần 50% so với tốc độ tăng trưởng tín dụng 3,04%.
Đồng thời, hệ thống ngân hàng vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, nâng cấp chuẩn mực quản trị điều hành theo thông lệ quốc tế…, một số ngân hàng thương mại quy mô nhỏ duy trì lãi suất tiền gửi ở mức cao để giữ khách hàng cũng làm cho việc giảm mặt bằng lãi suất cho vay trở nên khó khăn hơn.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ nghiên cứu điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; đồng thời tiếp tục khuyến khích các ngân hàng triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.