Theo khảo sát của VietNamNet trên địa bàn Hà Nội ngày 7/6, các ngân hàng đều đang áp dụng 3 loại biểu lãi suất huy động khác nhau, gồm: biểu lãi suất huy động tại quầy, biểu lãi suất huy động online và lãi suất huy động thực tế.
Theo đó, biểu lãi suất huy động tại quầy và biểu lãi suất huy động online được niêm yết công khai (trên webite và tại quầy giao dịch). Về lý thuyết, gửi tiết kiệm online sẽ được hưởng lãi suất cao hơn khoảng 1% so với gửi tiết kiệm tại quầy. Nhưng thực tế, chỉ có một biểu lãi suất duy nhất được áp dụng mà ngân hàng “không tiện” công khai.
Hay nói cách khác, nhiều ngân hàng đang “diễn” màn kịch giảm lãi suất huy động. Thực tế tại quầy lãi suất huy động không hạ thấp như trên báo cáo.
Lãi suất thực tế 9%/năm
Tại một chi nhánh TPBank trên địa bàn quận Hoàng Mai, nhân viên giao dịch cho biết: “Nếu khoản tiền gửi từ 100 triệu đồng trở lên, lãi suất sẽ là 8,2%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng. Mức lãi suất này cao hơn so với cả lãi suất tiết kiệm online, nếu anh chị cần gửi thì cứ mang ra quầy em làm cho”.
Trong khi đó, biểu lãi suất huy động tiền gửi tại quầy dành cho khách hàng cá nhân được TPBank áp dụng từ ngày 3/6 chỉ là 6,3%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn 6 tháng, và 7,2%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn 12 tháng.
Ngay cả đối với tiền gửi theo phương thức tiết kiệm online, lãi suất kỳ hạn 6 và 12 tháng cũng chỉ được TPBank áp dụng lần lượt là 7,4% và 7,5%/năm.
Mức lãi suất tiền gửi do nhân viên ‘tiết lộ’ mời khách gửi tiền tại quầy cao nhất thuộc về Ngân hàng HDBank. Ngân hàng công bố mức lãi suất online cao nhất hiện nay là 7,9%/năm, chỉ áp dụng đối với kỳ hạn 6 tháng, 12 tháng và 13 tháng.
Thế nhưng, tại một phòng giao dịch trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, nhân viên ngân hàng này cho hay, lãi suất tiền gửi thực tế tại quầy có thể lên đến 9%/năm.
“Lãi suất tại quầy đang niêm yết là 6,6% kỳ hạn 6 tháng, nhưng thực tế bọn em cộng thêm lãi suất thành 8,7%. Còn đối với kỳ hạn 12-13 tháng thì lãi suất đang là 9%/năm. Mức lãi này được áp dụng với khoản tiền gửi từ 100 triệu đồng trở lên”, nhân viên HDBank cho hay.
Tại Ngân hàng SeABank, biểu lãi suất huy động tại quầy kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng lần lượt là 6,8% và 7,3%/năm.
Trong khi đó, lãi suất huy động online theo SeABank công bố là 7,3%/năm và 7,8%/năm đối với lần lượt các kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng.
Ngân hàng này cho biết, mức lãi suất này đã được cộng thêm ưu đãi lên tới 1,2%/năm khi gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở lên và cộng thêm 0,3%/năm khi gửi kỳ hạn dưới 6 tháng.
Tuy nhiên, tại một chi nhánh của SeABank trên phố Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội), nhân viên ngồi tại quầy giao dịch cho biết, với số tiền gửi từ 100 triệu đồng trở lên, lãi suất kỳ hạn 6 tháng sẽ là 8,1%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 8,2%/năm.
Khi được hỏi liệu đây đã phải là mức lãi suất cao nhất hay chưa, nhân viên này khẳng định: Khách hàng vẫn còn có thể nhận lãi suất cao hơn. Nếu gửi tiền dưới hình thức nhận lãi suất trước, ngân hàng sẽ cộng thêm 0,2% lãi suất với điều kiện số tiền lãi nhận trước được “khoanh vùng, đóng băng” trong tài khoản gửi tiết kiệm.
Tại một PGD thuộc Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) chi nhánh Hoàng Văn Thụ (Hà Nội), bên ngoài PGD được nhân viên treo tấm biển lãi suất VND cao nhất lên đến 9,5%/năm.
Tuy nhiên, nhân viên tại quầy giao dịch SHB chi nhánh Hoàng Văn Thụ cho biết, mức lãi suất 9,5%/năm ngoài kia chỉ dành cho Chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 8 năm.
Tuy nhiên, nhân viên này nhanh chóng giới thiệu về mức lãi suất tiền gửi đang được ngân hàng áp dụng cũng lên tới 8%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn 6 tháng, và 8,3%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn 9 tháng và 12 tháng.
Trong khi đó, biểu lãi suất tại quầy theo công bố của SHB của kỳ hạn 6 tháng chỉ là 6,8%/năm đối với mức tiền gửi dưới 2 tỷ đồng, và 6,9%/năm đối với mức tiền gửi từ 2 tỷ đồng trở lên. Mức chênh lệch lãi suất giữa mức công bố và mức nhân viên giới thiệu mời khách là 1,2%.
Ngay cả lãi suất huy động online đối với kỳ hạn này cũng chỉ được SHB niêm yết ở mức 7,2%/năm, thấp hơn 0,8 điểm phần trăm so với lãi suất thực tế đang được nhân viên quầy giao dịch mời khách.
Với lãi suất kỳ hạn 9 tháng, theo biểu lãi suất niêm yết tại quầy lần lượt là 6,9%/năm (đối với mức gửi dưới 2 tỷ đồng) và 7%/năm (đối với tiền gửi từ 2 tỷ đồng trở lên). Còn theo biểu lãi suất tiền gửi online áp dụng từ ngày 1/6 đến nay, lãi suất đang là 7,2%/năm. Mức lãi suất này vẫn thấp hơn rất nhiều so với con số thực tế 8,3%/năm đang được SHB ngầm áp dụng.
Tương tự như vậy đối với tiền gửi kỳ hạn 12 tháng, chênh lệch giữa niêm yết và thực tế lên đến 1 điểm phần trăm.
Trong số các ngân hàng thương mại, DongA Bank là ngân hàng duy nhất không huy động tiền gửi theo phương thức online.
Biểu lãi suất huy động được ngân hàng niêm yết tại quầy không thay đổi so với biểu lãi suất công khai trên website (mức cao nhất 7,1%/năm). Tuy nhiên, biên độ cộng lại khác xa so với những gì DongA Bank công bố.
BIÊN ĐỘ CỘNG LÃI SUẤT TIỀN GỬI TẠI DONGA BANK | ||
SỐ TIỀN GỬI (VND) | BIÊN ĐỘ CỘNG CÔNG BỐ (%/năm) |
BIÊN ĐỘ CỘNG THỰC TẾ (%/năm) |
200 triệu đến dưới 500 triệu | 0,05% | 0,15% |
500 triệu đến dưới 1 tỷ | 0,10% | 0,20% |
1 tỷ đến dưới 5 tỷ | 0,15% | 0,25% |
5 tỷ đến dưới 10 tỷ | 0,20% | 0,25% |
Theo Quyết định số 950 ngày 23/5/2023 của NHNN, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5%/năm. Riêng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung – cầu vốn thị trường.
Trước đó, hồi tháng 1/2023 VietNamNet từng phản ánh về tình trạng ngân hàng “thì thầm” mặc cả lãi suất huy động vượt mức trần cam kết giữa các TCTD. Theo đó, dù các TCTD thông qua Hiệp hội ngân hàng cam kết không huy động với lãi suất cao hơn 9,5%/năm kể từ cuối năm 2022, nhưng nhiều ngân hàng vẫn ngầm trả lãi suất huy động lên đến 12-13%/năm dưới nhiều hình thức khác nhau. |