Biểu lãi gửi tiền tiết kiệm tại các ngân hàng đầu tháng 11 cho thấy lãi suất huy động tiếp tục giảm, với mức giảm phổ biến từ 0,1%-0,5%. Việc các ngân hàng giảm lãi suất huy động được kỳ vọng sẽ tiếp tục là tiền đề để các ngân hàng giảm mặt bằng lãi suất cho vay, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dịp cuối năm.
Khảo sát ở một số ngân hàng cho thấy, lãi suất huy động phổ biến cho kỳ hạn 12 tháng từ 5-6%, giảm mạnh so với mức 9-10% hồi đầu năm. Nhiều ngân hàng hạ mức lãi suất huy động xuống còn thấp hơn thời điểm dịch Covid-19.
Ngày 10/11, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã cập nhật biểu lãi suất huy động mới với mức giảm từ 0,1%-0,2 % lãi suất ở cả kỳ hạn ngắn và kỳ hạn dài.
Cụ thể, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng giảm 0,2% xuống còn 2,6%/năm. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng cũng chính thức xuống dưới 3%, niêm yết ở mức 2,9%/năm.
Tương tự, lãi suất huy động 6 tháng và 9 tháng của Vietcombank giảm 0,2% xuống 3,9%/năm. Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên chỉ còn 5%/năm, giảm 0,1%.
Hình thức gửi tiền tại quầy và gửi tiết kiệm online của Vietcombank đều có lãi suất như nhau.
Như vậy, Vietcombank đã có tới 4 lần giảm lãi suất trong 2 tháng qua (ngày 14/9 – 3/10 – 20/10 và 10/11). Mức giảm tổng cộng là gần 1%/năm.
Như vậy, Vietcombank đã có tới 4 lần giảm lãi suất trong 2 tháng qua, kể từ giữa tháng 9. Đây cũng là lần thứ 2 trong 20 ngày trở lại đây, Vietcombank giảm lãi suất tiền gửi và đang là ngân hàng áp dụng mức lãi suất thấp nhất trong nhóm Big 4. Các ngân hàng BIDV, VietinBank, Agribank đều đang áp dụng mức lãi suất 5,3%/năm cho khách hàng gửi tiết kiệm tại quầy kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Ở các kỳ hạn ngắn, lãi suất của 3 ngân hàng này cũng cao hơn Vietcombank khoảng 0,3%-0,4%.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III, Vietcombank ghi nhận tăng trưởng tiền gửi khách hàng ở mức cao 8,4% so với đầu năm, đạt gần 1,35 triệu tỷ đồng. Trong khi cho vay khách hàng chỉ tăng hơn 2,7%, đạt 1,15 triệu tỷ đồng.
Trong 2 lần giảm lãi suất gần đây của Vietcombank thì các ngân hàng thương mại nhà nước còn lại (Agribank, VietinBank, BIDV) vẫn chưa có động thái tương tự.
Cụ thể, Agribank, VietinBank, BIDV đều đang áp dụng mức lãi suất tối đa là 5,3%/năm, cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Ở các kỳ hạn ngắn, lãi suất của 3 ngân hàng này cũng cao hơn Vietcombank khoảng 0,3-0,4 điểm %. Cụ thể, kỳ hạn 1 – 2 tháng là 3%/năm, kỳ hạn 3 tháng là 3,3%/năm và 6 tháng 4,3%/năm.
Cũng trên đà giảm lãi suất, từ đầu tháng 11 đến nay một số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân cũng đã giảm lãi suất huy động.
Cụ thể, PVCombank cũng vừa giảm mạnh lãi suất huy động tất cả các kỳ hạn. Cụ thể, kỳ hạn 1-5 tháng giảm 0,3 điểm phần trăm còn 3,65%/năm. Kỳ hạn 6-9 tháng cũng được giảm mạnh 0,5 điểm phần trăm xuống còn 5,6%/năm.
Lãi suất các kỳ hạn còn lại cũng được điều chỉnh giảm 0,5 điểm phần trăm so với trước đó. Kỳ hạn 12 tháng cũng đã mất mốc trên 6% để lùi về 5,6%/năm. Lãi suất các kỳ hạn tiền gửi từ 18-36 tháng từ 6,5% về 6%/năm.
Ngân hàng VietBank giảm 0,2 điểm phần trăm lãi suất các kỳ hạn 15-36 tháng. Lãi suất tiền gửi tại các kỳ hạn này đồng loạt giảm xuống còn 6,2%/năm. Lãi suất các kỳ hạn dưới 15 tháng giữ nguyên và đều ở mức dưới 6% sau lần điều chỉnh vào ngày 7/11.
Như vậy, kể từ đầu tháng 11 đến nay, đã có tới 16 ngân hàng giảm lãi suất huy động là ACB, Bắc Á Bank, Bảo Việt Bank, Đông Á Bank, Kiên Long Bank, Nam Á Bank, NCB, Techcombank, PG Bank, PVCombank, SHB, Sacombank, VIB, VietBank, VPBank và Vietcombank.
Dù lãi suất tiền gửi giảm sâu nhưng theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 8, tiền gửi trong dân cư vẫn tăng mạnh, bất chấp lãi suất tiền gửi giảm sâu từ tháng 3 đến nay.
Tính đến hết tháng 8, lượng tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng tiếp tục đạt mức kỷ lục với hơn 6,43 triệu tỉ đồng, tăng gần 9,7% so với cuối năm 2022.
Còn đối với hoạt động cho vay, theo số liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 9, tỉ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động của toàn hệ thống đạt 76,7%. Hay nói cách khác, ngân hàng có 100 đồng vốn nhưng chỉ cho vay ra được có 76,7 đồng. Tỉ lệ này thấp hơn nhiều so với mức trần là 85%.
Nguồn vốn huy động của khối ngân hàng thương mại nhà nước là 82,23%; ở khối ngân hàng thương mại cổ phần là 78%; khối ngân hàng liên doanh, nước ngoài là 42,5%.
T.M (tổng hợp)