Theo khảo sát của PV VTC News, lãi suất cho vay mua nhà hiện nay tại nhiều ngân hàng tiếp tục xu hướng giảm, về sát mốc 10%/năm.
Một trong những ngân hàng có lãi suất cho vay mua nhà thấp nhất thị trường hiện nay là ngân hàng Woori Bank với 7,2%/năm, với tỷ lệ cho vay tối đa là 80% và kỳ hạn cho vay tối đa là 30 năm.
Tiếp theo là các ngân hàng: SHB, MBBank, Hong Leong Bank đều có mức lãi suất là 7,5%/năm với tỷ lệ vay tối đa từ 75 – 80%.
Các ngân hàng khác cũng có mức lãi suất ưu đãi khá cao gồm: Shinhan Bank (7,6%/năm); BIDV (7,8%/năm); Agribank và Vietcombank (8%/năm); HDBank (8,2%/năm)…
Dù lãi vay mua nhà giảm, nhưng nhiều khách hàng vẫn không mặn mà vay ngân hàng để mua nhà.
Anh Trần Hoàng (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, anh muốn mua căn hộ tại Hà Đông để thay đổi môi trường sống tiện nghi hơn cho các con. Tuy nhiên, vì không đủ vốn, anh dự tính vay ngân hàng khoản vay 1 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 12 tháng đầu là 7,5%.
Sau 1 năm, lãi suất thả nổi sẽ ở mức 11-12%, phụ thuộc vào thông báo của ngân hàng.
“Cả gốc lẫn lãi, tôi ước chừng mình sẽ phải đóng gần 15 triệu đồng mỗi tháng. Trong khi đó, các chi phí học hành, ăn uống, mua sắm… đã chiếm gần hết thu nhập mỗi tháng rồi, tiền đâu mà đóng lãi ngân hàng. Suy nghĩ đắn đo, tôi quyết định chờ thêm một thời gian để kiếm được chỗ ở nào giá rẻ hơn, vay ngân hàng ít hơn để giảm áp lực“, anh Hoàng nói.
Cũng theo anh Hoàng, lãi suất mua nhà tuy giảm, nhưng so với thu nhập của người lao động, thì mức lãi suất này vẫn còn khá cao.
Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM cho biết, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất cho cả khoản vay mới và cũ nhưng chưa quá sâu mà sẽ theo lộ trình. Nhiều nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính không hề nhỏ trong thời gian trước, đến nay vẫn chưa tất toán các khoản nợ ngân hàng vì không bán được sản phẩm. Vì vậy, ngân hàng có giảm lãi suất thì họ vẫn không dám “làm liều” mà vay thêm để ôm thêm hàng.
Cũng theo vị này, giải pháp cấp bách trong thời điểm này đó là lấy lại niềm tin của khách hàng, cải thiện giao dịch, mua bán. Đạt được điều này, cơ quan quản lý cần đưa ra chính sách tích cực để người dân, những nhà đầu tư đang có sẵn tiền mặt có thể an tâm xuống tiền đầu tư.
Ông Phạm Đức Toản – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Bất động sản EZ (EZ Property) cũng cho rằng, thực tế nhiều ngân hàng cũng đã giảm lãi suất cho cả khoản vay mới và cũ nhưng chưa quá sâu mà sẽ theo lộ trình.
Theo ông, những nhà đầu tư bất động sản có khoản vay cũ đã “hết lực”, không còn nguồn thu nhập khác để duy trì. Do đó, dù lãi suất giảm những nhà đầu tư này cũng vẫn rất khó xoay xở. Trong khi đó, những người chưa vay ngân hàng đều thấy mức lãi suất sau ưu đãi hiện nay vẫn rất cao, nếu dùng đòn bẩy tài chính sẽ rất rủi ro.
Theo ông Toản, giai đoạn trước, nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính không hề nhỏ, từ vài tỷ tới hàng chục tỷ đồng. Mỗi tháng, họ cần vài trăm triệu đồng để trả nợ ngân hàng, đây là số tiền không hề nhỏ.
Việc giảm lãi suất khoản vay mới chỉ tác động một phần tới giao dịch trên thị trường. Hầu hết giao dịch sẽ đến từ các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực. Tuy nhiên, số lượng giao dịch này sẽ không đáng kể vì tâm lý mọi người đều vẫn trong trạng thái nghe ngóng.
TS.Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – tiền tệ Quốc gia cũng cho rằng việc dùng đòn bẩy tài chính thông qua vay ngân hàng thì nhà đầu tư có thể dùng nhưng đừng nên lạm dụng.
Hiện nay, lãi suất cho vay của các ngân hàng đang giảm. Tuy nhiên, việc có vay ngân hàng hay không phụ thuộc rất nhiều vào năng lực tài chính của mỗi người, tức là thu nhập, tài sản… của người dân. Bởi vì, lãi suất ngân hàng tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao.
Lãnh đạo một ngân hàng cũng cho biết, kinh tế gặp nhiều khó khăn dẫn đến việc làm ăn, kinh doanh, buôn bán… của người dân cũng “đi xuống”. Điều này khiến cho các giao dịch, mua bán bất động sản cũng giảm theo, bất chấp lãi suất thấp.
“Lượng giao dịch bất động sản trên thị trường giảm mạnh nên khách hàng sẽ không có quá nhiều nhu cầu vay vốn. Lãi suất ngân hàng cao hay thấp cũng chỉ là một yếu tố rất nhỏ, quan trọng là người dân không mua bán hay giao dịch thì ngân hàng cũng không thể cho vay”, vị lãnh đạo nói.
Cũng theo vị đại diện này, ngân hàng này đang rất muốn cho người dân, doanh nghiệp vay vốn vì bản thân ngân hàng cũng đang “thừa tiền”. Tuy nhiên, nếu người dân không mua bán, giao dịch thì việc “bơm tiền” vào thị trường cũng rất khó.
Châu Anh