Lãi suất 7%/năm vay ở đâu ?
Nhiều ngân hàng (NH) công bố giảm lãi suất (LS) cho vay xuống thấp chỉ còn 7 – 8%/năm. Nhưng cuối tuần qua, người viết thử liên hệ với một phòng giao dịch của NH TMCP Hàng hải VN tại TP.HCM (MSB), được hướng dẫn chi tiết về hồ sơ vay vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngoài tài sản thế chấp là bất động sản, doanh nghiệp (DN) phải có báo cáo tài chính 2 năm gồm doanh thu nộp thuế khoảng 2 – 11 tỉ đồng, sao kê tài khoản công ty (có thể thêm tài khoản của chủ DN) 6 tháng, bảng kê hóa đơn thuế giá trị gia tăng 4 quý (báo cáo cơ quan thuế), 1 hay 2 hợp đồng với đối tác công ty… Nếu hồ sơ được phê duyệt thì LS vay là 11,5%/năm. Nếu vay cá nhân thì đơn giản hơn, chỉ cần tài sản thế chấp và chứng minh thu nhập, nhưng LS vay dành cho cá nhân lên đến 12,99%/năm.
Đây là LS thả nổi nên sau thời gian sẽ tính lại lãi vay cơ sở cộng với biên độ 3%, nếu tính thời điểm này tương ứng khoảng 13%/năm. “Để chủ động hơn, chị nên làm thủ tục hồ sơ sớm, tránh chuyện hết hạn mức tín dụng như hồi năm 2022 có thể quay trở lại”, nhân viên NH nhiệt tình tư vấn.
Tương tự, nhân viên tín dụng tại NH TMCP TPBank tên D. cũng cho biết LS cho vay đối với DN hiện nay tầm 9 – 10%/năm. NH cũng bắt đầu kiểm soát tăng trưởng tín dụng trở lại khi tốc độ tăng trong quý 1/2023 đã khá cao. Do đó thời điểm giải ngân sẽ phụ thuộc vào thời điểm khi hạn mức tín dụng NH còn hay hết. Giải đáp cho thắc mắc tại sao có thông tin cho rằng NH không cho vay được mà tín dụng lại gần hết hạn mức, D. giải thích: “Ngoài cho vay, một phần hạn mức tín dụng hiện nay để xử lý trái phiếu theo quy định”.
Khi được hỏi có tiếp cận được vốn vay LS 7 – 8%/năm hay không, ông Trần Thanh Hải, giám đốc một công ty tại Q.6 (TP.HCM), cho biết: “Làm gì có mức LS đó, công ty đang vay NH thương mại nhà nước đây mà cũng là 9%/năm cho khoản vay kỳ hạn 3 tháng”. Mức LS này là công ty đã giảm được 0,2%/năm so với đầu năm. Nghe LS huy động đi xuống thì mừng, vì lãi vay sẽ xuống theo, nhưng thực tế mức giảm lãi vay là không nhiều so với tốc độ đi xuống của LS huy động. Chưa kể theo ông Hải, nếu so với mức LS huy động kỳ hạn 3 tháng mà NH này đang triển khai là 5,4%/năm thì lãi vay đang cao hơn 3,6%. Chênh lệch LS như này vẫn là quá lớn.
DN khó vay vốn, chuyển sang vay tín dụng đen
Không chỉ LS 7 – 8%/năm chỉ là chuyện “trong mơ” với nhiều DN mà ngay cả mức LS 10%/năm cũng còn khá ít. Thậm chí đó là những ngành nghề được xác định ưu tiên theo Nghị định 31/2022 ngày 20.5.2022 về hỗ trợ LS 2% từ ngân sách nhà nước.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty vận tải Kim Phát
Ông Dương Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bình Minh, một DN chăn nuôi ở Đồng Nai, bức xúc cho biết DN vẫn rất khó tiếp cận vốn từ NH. Ngay đầu năm, toàn bộ tài sản đảm bảo đều được NH định giá lại với mức giảm 10 – 15% và sau đó giảm hạn mức cho vay đối với DN. Vì thế, từ đầu năm đến nay công ty ông không thể vay mới trong khi LS khoản vay cũ vẫn đang trả từ 9 – 11%/năm. Dù thuộc đối tượng được hỗ trợ LS nhưng hồ sơ công ty không đạt yêu cầu vì doanh thu và lợi nhuận quý 1/2023 đều giảm mạnh so với năm vừa qua, trong khi NH yêu cầu phải bằng hoặc cao hơn.
Ông Tuấn cho hay thực tế với ngành chăn nuôi đang rất khó khăn. Những đơn vị vẫn có khả năng vay được vốn thì không dám vay vì LS ở mức 10%/năm thì làm gì để có lợi nhuận đủ trả lãi cho NH là một bài toán nan giải. Trong khi đó giá thành của người nuôi gà hiện khoảng 29.000 – 30.000 đồng/con nhưng giá xuất chuồng chỉ dao động 19.000 – 20.000 đồng/con, thấp hơn 30%. Những đơn vị đã khó khăn, thiếu nguồn tiền và cần vay thì lại không đáp ứng được điều kiện NH đưa ra. Vì vậy tình trạng DN vay nóng để mua thức ăn cho gia cầm, trả lương cho công nhân là chuyện tất yếu.
“LS cho vay của NH chỉ giảm 0,5 – 1% so với đầu năm nay là chưa giải quyết được gì, trong khi các loại thức ăn, chi phí tài chính đã tăng 20 – 30%. Những DN còn đủ điều kiện thì không dám vay nên cũng không quan tâm đến gói hỗ trợ 2% LS. Cần phải có chính sách hỗ trợ sâu hơn, người chăn nuôi được vay với LS ưu đãi thấp hơn thì người vay mới cố gắng gồng mình để vượt khó và mới có cơ hội phục hồi; chứ như hiện nay thì muôn vàn khó khăn”, ông Tuấn nói.
Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty vận tải Kim Phát, cho biết LS của công ty hiện đang trả vẫn gần 12%/năm. Hỏi NH nếu vay mới thì LS vẫn dao động quanh mức này, không có chuyện thấp hơn; nhưng quan trọng nhất là rất khó để được giải ngân thêm. Từ đầu năm, tài sản đảm bảo của DN đã được định giá lại với mức giảm khoảng 15% so với năm trước, điều này tương đương hạn mức vay của DN cũng giảm tương ứng vì không còn tài sản đảm bảo bổ sung.
Hơn nữa, nhiều NH định giá tài sản cho vay lại không công bằng với DN. Ví dụ, NH cho biết nếu vay mua xe có xuất xứ Trung Quốc thì chỉ được vay tối đa 50%, trong khi xe có xuất xứ các nước khác thì vẫn được duyệt mua tối đa lên 80 – 90%. Việc phân biệt định giá tài sản là gây khó khăn cho DN, nhất là với ngành vận tải. “Không vay mới được thì làm sao với tới gói hỗ trợ 2% LS như nhà nước công bố? Mỗi ngành nghề có đặc thù riêng, đáng lẽ chính sách tín dụng phải có sự linh động hơn để hỗ trợ cho DN vượt qua giai đoạn khó khăn, chứ vẫn áp dụng như kiểu cũ thì không ai tiếp cận được vốn”, ông Thanh bức xúc.
Theo VCCI, tỷ lệ DN tiếp cận tín dụng có xu hướng giảm dần trong thời gian gần đây. Tỷ lệ DN có khoản vay từ các NH là 49,4% vào năm 2017, đến các năm 2018 và 2019 lần lượt còn 45% và 43%. Năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện, vẫn có 42,9% DN đang có khoản vay từ NH. Tuy nhiên, tỷ lệ này sụt giảm chỉ còn 35,4% trong năm 2021 và đến năm 2022 còn là 17,8%.
Đồng tình, ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, cho rằng điều kiện cho vay không thay đổi thì tình trạng DN nào vay không được thì vẫn cứ không được. Dù LS cho vay được giảm từ 0,5 – 1% so với đầu năm nay nhưng các DN vừa và nhỏ trong ngành này vẫn không thể vay được. “Tháo gỡ khó khăn cho DN là phải cứu số đông, những đơn vị đang gặp khó, chứ không chỉ sàng lọc những DN tốt, đang hoạt động bình thường. Vì vậy chính sách tín dụng cần có sự thay đổi và có thể xem xét lại theo từng ngành nghề kinh doanh cho phù hợp thực tế hơn, không phải áp dụng chung điều kiện cho mọi lĩnh vực”, ông Việt nhấn mạnh.
Kết quả khảo sát PCI 2022 điều tra 12.000 DN do Liên đoàn Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) công bố giữa tháng 4 cho thấy khó khăn lớn nhất mà các DN đang gặp là tiếp cận tín dụng. Đáng nói, trong năm 2022, tiếp cận tín dụng đã trở thành mối lo lớn nhất với khoảng 55,6% DN, cao hơn nhiều so với con số 37 – 47% trong các năm 2017 – 2021. Trường hợp không thể vay vốn được từ các NH, các DN vẫn phải xoay xở từ các nguồn khác. Trong đó, chủ yếu vay mượn từ người thân, bạn bè; huy động từ cổ đông, vay từ DN khác hoặc cầm cố, bán tài sản của DN.
Đáng lo ngại hơn cả, báo cáo thống kê có tới 12,5% DN đã phải xoay sang vay “tín dụng đen”, tăng mạnh so với con số 4% của năm 2021. Đương nhiên, LS khoản vay “tín dụng đen” là rất cao, ghi nhận trung bình khoảng 46,5%/năm, cao gấp khoảng 5,5 lần so với LS trung bình năm của các khoản vay từ NH.