Ngân hàng Nhà nước vừa công bố số liệu tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tính đến cuối tháng 3/2023, cho thấy những con số bất ngờ. Theo đó, trong khi tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm mạnh 4,87% so với cuối năm ngoái khi đạt hơn 5,66 triệu tỷ đồng, tiền gửi của dân cư lại tăng mạnh tới 7,08% và đạt hơn 6,28 triệu tỷ đồng.
Nếu tính từ đầu năm 2023 đến nay, tiền gửi của dân cư đã vượt 6 triệu tỷ đồng và liên tục tăng cao. Trong vòng 3 tháng của năm nay, người dân đã gửi vào hệ thống ngân hàng thêm 415.000 tỷ đồng.
Tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng gia tăng trong bối cảnh lãi suất gửi tiết kiệm tăng cao giai đoạn cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Phải đến giữa tháng 3 đến nay, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu giảm lãi suất điều hành và sau khoảng 3 tháng tới giờ đã có 3 lần hạ các mức lãi suất điều hành.
Thời điểm này, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm nhanh. Nhiều ngân hàng chỉ còn huy động mức lãi suất cao nhất quanh 8%/năm ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, trong khi ở các ngân hàng thương mại nhà nước, lãi suất cao nhất khoảng 6,8%/năm.
Phân tích của một số chuyên gia cho thấy, tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng tăng nhanh khi các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán, vàng, ngoại tệ… đều không hấp dẫn. Chứng khoán chỉ mới khởi sắc khoảng 2 tháng nay và chính thức vượt mốc 1.100 điểm vào đầu tháng 6 này.
Trong khi đó, tiền gửi của tổ chức kinh tế giảm khá mạnh so với cuối năm ngoái phản ánh khó khăn buộc các doanh nghiệp phải rút tiền gửi thanh toán, tiền gửi tiết kiệm về để chi trả cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, thay vì “rủng rỉnh” tiền mặt như trước.
Các chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán SSI cho hay mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục hạ nhiệt ở các kỳ hạn, nhưng vẫn khá phân hóa giữa các nhóm ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng cổ phần cho kỳ hạn trên 6 tháng.
Tại báo cáo chiến lược tháng 6 vừa công bố, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng hiện mặt bằng chung lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng niêm yết tại các ngân hàng thương mại đã rơi xuống mức dưới 8%/năm.
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất cho vay bằng cách sử dụng hạn mức tín dụng để quản lý. Do đó, lãi suất đang tiếp tục xu hướng giảm, tuy nhiên, lãi suất cho vay có độ trễ giảm theo do tăng trưởng tín dụng đang khá chậm.
(Nguồn: Báo Người Lao Động)
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo