Chiều tối 4/7, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã thông tin đến báo chí xung quanh vấn đề điều hành lãi suất và việc vì sao tín dụng tăng chậm hơn khi lãi suất giảm nhanh.
Theo Phó Thống đốc, về điều hành lãi suất, từ đầu năm đến nay Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần hạ lãi suất từ 0,5 đến 2% cho từng mức lãi suất điều hành.
“Như vậy, năm ngoái tăng 2 lần, mỗi lần tăng 1%, một số mức lãi suất điều hành, năm nay giảm 4 lần, từ đó các ngân hàng thương mại tính con số đến hết tháng 6 vừa qua thì lãi suất huy động giảm từ 0,7 đến 0,8%, lãi suất cho vay bình quân đã giảm từ 1 đến 2%”, ông Tú nêu rõ.
Theo ông Đào Minh Tú, lãi suất cho vay theo nghiệp vụ thị trường mở hiện nay chỉ có 4%; cho vay OMO hoặc cho vay để bù đắp thiếu hụt trong thanh toán tạm thời của các ngân hàng thương mại – cho vay qua đêm chỉ có 5%.
Cũng theo ông Tú, cho vay thông qua thị trường liên ngân hàng – qua đêm chỉ có 0,4% đến 1%, rất thấp; cho vay một tuần từ 0,8 đến 1,5%; một tháng từ 3 đến 3,2%…
“Mức cho vay giữa các ngân hàng với nhau qua thị trường liên ngân hàng cũng rất thấp. Nhìn chung lãi suất đang giảm tích cực kể cả lãi suất điều hành cũng như lãi suất cho vay”, ông Tú nhấn mạnh.
Về dư nợ theo điều hành tín dụng, Phó Thống đốc thông tin, ngay từ đầu năm xác định tỉ lệ tăng trưởng tín dụng từ 14 đến 15%. Thống kê cho thấy, tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay mới đạt hơn 4%. Như vậy còn rất nhiều dư địa để các ngân hàng thực hiện cho vay.
Theo ông Tú, nói “ế tiền” thì cũng không hẳn mà nguyên nhân nằm ở tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm.
Lý giải về nguyên nhân tăng trưởng tín dụng chậm, theo ông Tú, tình hình nền kinh tế đang có nhiều khó khăn, suy giảm về cầu đầu tư, cầu tiêu dùng đang thấp. Khi cầu đầu tư và cầu tiêu dùng thấp thì cầu tín dụng không thể cao được.
Bên cạnh đó, sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, tồn kho nhiều, khó khăn cho trong đơn hàng. Bên cạnh là những khó khăn trong xuất khẩu. Ngoài ra, thị trường bất động sản cũng chưa thực sự sôi động, nhiều dự án chưa thể triển khai.
Với doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện cũng đang rất khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng. Trước đây, năng lực, khả năng tài chính cũng như nhiều tiêu chí khác để đáp ứng vay vốn đã rất khó thì hiện nay càng khó khăn hơn.
Ông Đào Minh Tú cũng nêu thực tế hiện nhiều doanh nghiệp muốn vay nhưng không chứng minh được điều kiện trả nợ. Nguyên tắc của ngân hàng là muốn vay phải chứng minh được khả năng trả nợ. Cũng có những doanh nghiệp mời chào vay nhưng lại không có nhu cầu vay (nhu cầu sản xuất, đầu tư, tiêu dùng đang thấp).
“Đây là những nguyên nhân khiến cho tỉ lệ tăng trưởng tín dụng ở mức thấp trong 6 tháng đầu năm”, ông Tú nhấn mạnh.
Theo ông Tú, thời gian tới, ngành ngân hàng đặt ra yêu cầu mục tiêu quản lý tốt hơn, tập trung hơn nữa cho mục tiêu giảm lãi suất để tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
“Thời gian qua, chúng tôi đã sửa Thông tư 39 và 06 tháo gỡ nhiều nội dung cũng như ứng dụng công nghệ số tạo điều kiện cho cả doanh nghiệp cũng như ngân hàng trong việc tiếp cận tín dụng”, ông Tú nêu rõ .
Cùng với đó là chính sách tái cơ cấu, giãn hoãn các khoản nợ theo Thông tư 02 sẽ tiếp tục được triển khai. Đây là chính sách rất trực tiếp để hỗ trợ doanh nghiệp.