Lãi suất huy động giảm, lãi vay chưa theo kịp
Theo các quyết định mới ban hành trong ngày 16.6 từ NHNN, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5%/năm xuống 4,75%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,25%/năm. Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung – cầu vốn thị trường. Ngoài ra, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ mức 3,5%/năm xuống 3%/năm.
Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ mức 4,5%/năm xuống 4%/năm; riêng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5%/năm.
Mức lãi suất mới này sẽ được áp dụng chính thức vào ngày 19.6. Đây là lần thứ 4, NHNN giảm lãi suất điều hành. Ngày 16.6, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm thêm từ 0,04 – 0,36%/năm ở các kỳ hạn so với ngày trước đó. Lãi suất kỳ hạn qua đêm còn 1,01%/năm, 1 tuần còn 1,37%/năm, 2 tuần còn 1,86%/năm, 1 tháng còn 3,21%/năm, 3 tháng còn 4,94%/năm, 9 tháng còn 6,75%/năm, và 1 năm còn 7,18%/năm. Như vậy, so với cách đây 1 tuần, lãi suất giao dịch của các nhà băng giảm từ 0,2 – 1,66%/năm và so với mức cao nhất trong vòng 1 năm trở lại đây, lãi suất giảm từ 1,88 – 7,34%/năm ở các kỳ hạn.
Mặc dù lãi suất liên ngân hàng giảm sâu nhưng lãi huy động tiền đồng của các nhà băng đối với khách hàng cá nhân vẫn ở mức cao. Đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng, trần lãi suất huy động tiền đồng kể từ ngày 19.6 giảm 1,25%/năm, xuống còn 4,75%/năm. Một số nhà băng có mức lãi suất huy động thấp hơn mức trần mới gồm 4 NH lớn Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank ở mức từ 4,1 – 4,6%/năm các kỳ hạn dưới 6 tháng. Từ 6 tháng trở lên có lãi huy động từ 5,5 – 6,8%/năm. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại khác có mức lãi suất huy động tiền đồng dưới 6 tháng từ 4,5 – 5%/năm; kỳ hạn 6 tháng ở mức 6 – 7,8%/năm; kỳ hạn 12 tháng từ 6,7 – 8,1%/năm…
Làm thế nào để lãi vay đi xuống?
Trong khi đó, lãi suất cho vay giảm không theo kịp lãi huy động. Đối với khách hàng vay mua nhà, ô tô…, lãi vay của các ngân hàng dao động từ 12 – 15%/năm. Các doanh nghiệp vay với lãi suất phổ biến từ 9 – 10%/năm.
TS Lê Đạt Chí – Trưởng khoa Tài chính trường Đại học Kinh tế TP.HCM không kỳ vọng nhiều vào đợt giảm lãi suất điều hành lần này của NHNN có thể kéo nhanh lãi vay trên thị trường đi xuống. Cũng như 3 lần trước, các ngân hàng sẽ dẫn lý do chưa giảm được lãi suất vay ngay từ độ trễ của chính sách cho đến hạn mức tín dụng hạn chế, nợ xấu tiềm ẩn… Cơ chế quản lý cấp hạn mức tín dụng cho từng ngân hàng tồn tại nhiều năm qua khiến thị trường tín dụng méo mó, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến lãi suất vay khó giảm.
Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, thị trường mở (là nơi NHNN bơm hút tiền trên thị trường) đi xuống nhưng lãi suất huy động trong khu vực dân cư vẫn ở mức cao cho thấy các thị trường vốn không mấy liên thông với nhau. Ông Nguyễn Hữu Huân – Trưởng bộ môn Tài chính trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, một số ngân hàng có nhu cầu vốn cao để giải quyết những vấn đề nội tại như hạn mức tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp…Và chỉ cần vài ngân hàng cần vốn, đẩy lãi suất huy động lên thì những ngân hàng khác khó có thể giảm lãi huy động nhanh được. Chưa kể ngân hàng lo ngại điều chỉnh giảm lãi huy động sẽ làm mất vốn nên vẫn âm thầm thương lượng lãi suất cao hơn mức công bố. “Lãi huy động cao thì làm sao cho vay giảm được. Muốn lãi suất vay đi xuống, nhà điều hành cần làm nghiêm tình trạng “đi đêm” lãi suất, đồng thời có sự hỗ trợ những ngân hàng đang gặp vấn đề hiện nay như hạn mức tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp…”, ông Huân nhấn mạnh.
Để chính sách trên tiếp tục phát huy tác dụng, giảm độ trễ, tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất, Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đưa ra các kiến nghị: Cần nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách , nhất là giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, giá cả và các chính sách vĩ mô khác nhằm chủ động kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đẩy nhanh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém và thanh khoản còn mỏng nhằm giảm thiểu cạnh tranh tăng lãi suất không lành mạnh, đôi khi phá vỡ mặt bằng lãi suất chung, khiến việc giảm lãi suất trở nên khó khăn hơn. Đồng thời, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc về thủ tục hành chính, pháp lý, vốn… trong các lĩnh vực như đất đai, bất động sản, xây dựng, đấu thầu, thông quan, tiếp cận điện, phòng cháy chữa cháy, đăng kiểm… Đây chính là các giải pháp đồng bộ giúp doanh nghiệp, người dân giảm khó khăn, thách thức và cũng là kích cầu đầu tư, tiêu dùng cũng như tín dụng trong thời gian tới. Bản thân các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu, tiết giảm chi phí, tăng cường quản lý rủi ro (nhất là rủi ro thị trường, rủi ro tài chính, pháp lý…) qua đó có điều kiện giảm lãi suất trên diện rộng và bền vững hơn.