Đồng loạt hạ lãi suất
Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã 3 lần thực hiện giảm các mức lãi suất điều hành. Các ngân hàng thương mại cũng điều chỉnh giảm lãi suất huy động, tiến tới giảm lãi suất cho vay.
Các “ông lớn” trên địa bàn như Vietcombank, Agribank, BIDV, VietinBank đã chủ động hạ lãi suất cho vay. So với thời điểm đầu năm 2023, lãi suất cho vay tại các ngân hàng hiện đã giảm khoảng 1%năm.
Tại Ngân hàng NN – PTNT (Agribank) Chi nhánh Đắk Nông đã 4 lần giảm lãi suất kể từ đầu năm 2023 đến nay. Hiện tại, lãi suất cho vay ngắn hạn tại chi nhánh đã giảm từ 1,5-4%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn giảm từ 0,3-1%/năm.
Đơn vị đang tiếp tục giảm lãi suất tại nhiều chương trình, gói hỗ trợ. Đơn cử như Agribank giảm 100% phí, lãi phạt quá hạn cho khách hàng bắt đầu từ tháng 5/2023. Từ 15/5-30/9/2023, Agribank tiếp tục giảm tối thiểu 0,5% lãi suất cho vay đối với khách hàng hiện tại có dư nợ cho vay trung, dài hạn. Từ nay đến 30/9/2023, khách hàng vay mới sẽ được Agribank áp dụng chương trình cho vay ưu đãi lãi suất hỗ trợ khách hàng.
Tương tự, tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) Chi nhánh Đắk Nông đã chủ động triển khai chính sách giảm lãi suất cho vay. Từ ngày 1/1/2023 đến 30/4/2023, Vietcombank giảm tới 0,5%/năm. Từ ngày, ngày 1/5/2023 đến 31/7/2023, tiếp tục giảm tới 0,5%/năm lãi suất cho vay VND cho toàn bộ khoản vay của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Vẫn “neo” ở mức cao
Thực tế, các ngân hàng trên địa bàn đã “hạ nhiệt” đối với lãi suất cho vay. Tuy nhiên, theo đánh giá của người dân, doanh nghiệp, mức độ giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng chưa được như kỳ vọng.
Chị Lê Thị Ánh, thị trấn Đức An (Đắk Song) cho hay, năm 2021, gia đình chị vay gói trung hạn, trị giá 400 triệu đồng tại một ngân hàng lớn trên địa bàn. Thời điểm vay, gia đình chị chịu mức lãi suất cao 11,2%/năm. Hiện tại, ngân hàng vẫn đang áp dụng ức lãi suất đó.
“Lãi suất vẫn còn cao. Chúng tôi mong muốn các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay ở tất cả thành phần. Đây là điều kiện tốt nhất nhằm hỗ trợ khách hàng trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn”, chị Ánh chia sẻ.
Ông Lê Trung Tuấn, một chủ doanh nghiệp tại Đắk Mil chia sẻ, sức giảm lãi suất tại các ngân hàng chưa đồng đều ở các lĩnh vực.
“Ngân hàng mới chỉ giảm lãi ở lĩnh vực ưu tiên. Trong khi, thị phần dư nợ lĩnh vực tiêu dùng, đời sống khá lớn, chưa được giảm lãi suất cho vay. Một số trường hợp được giảm lãi suất nhưng không đáng kể”, ông Tuấn cho biết.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, qua nắm bắt tình hình của các doanh nghiệp, Hợp tác xã trên địa bàn, mặt bằng lãi suất cho vay có giảm so với đầu năm. Tuy nhiên, mức lãi suất chung vẫn đang “neo” ở mức cao.
Cộng đồng doanh nghiệp, Hợp tác xã kiến nghị Chính phủ, NHNN Việt Nam, các ngân hàng thương mại tiếp tục có chính sách giảm lãi suất cho vay. Hệ thống ngân hàng cần tiến tới ổn định mặt bằng lãi suất để hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tính đến hết tháng 5/2023, dư nợ cho vay đối với nền kinh tế trên địa bàn Đắk Nông gần 41.000 tỷ đồng. Mức lãi suất cho vay tại các tổ chức tín dụng dao động từ 5%-13%/năm. Trong đó, lãi suất cho vay từ 9-13%/năm chiếm 52,44% tổng dư nợ. Mức lãi suất từ 7%-9% chiếm 23,90% tổng dư nợ; lãi suất từ 5% trở xuống chỉ chiếm 2,61% dư nợ.