Lãi suất cho vay mua nhà mới giảm ở một vài ngân hàng
Mặc dù lãi suất huy động đã nhiều lần được cả hệ thống ngân hàng đưa xuống mức thấp hơn. Hiện tại, lãi suất 12 tháng đã “thủng mốc” 7%/năm. Không còn nhiều đơn vị niêm yết mức trên 8%/năm.
Tuy nhiên, vì có độ trễ nên hiện tại, lãi suất cho vay mua nhà chưa thực sự tạo được xu hướng giảm rõ rệt. Trong tháng 8 này, chỉ một vài đơn vị tiên phong giảm sâu lãi suất.
Gần đây, Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVCombank) nằm trong danh sách các ngân hàng có lãi suất cho vay mua nhà cao nhất lên đến 12%/năm. Đây là mức lãi trong thời gian ưu đãi. Sau đó, con số này có thể lên đến hơn 15%/năm.
Còn từ tháng 8, mức lãi suất cho vay mua nhà ưu đãi tại PVCombank được điều chỉnh giảm xuống chỉ còn 9%/năm, tương ứng mức giảm rất lớn, lên đến 3%. Một số điều kiện áp dụng như như tỷ lệ cho vay tối đa và kỳ hạn tối đa vẫn giữ nguyên là 85% và 20 năm.
Hong Leong Bank cũng là một trong những ngân hàng hiếm hoi mạnh tay giảm lãi suất cho vay mua nhà. Từ tháng 8, lãi suất cho vay mua nhà tại ngân hàng ngoại này chỉ còn 8,5%/năm, giảm 9,5%/năm so với thời gian gần đây.
Tuy nhiên, sẽ không có quá nhiều đối tượng khách hàng tiếp cận được tín dụng này vì chính sách này chỉ áp dụng đối với tài sản thế chấp tại TP HCM (trừ Cần Giờ, Hóc Môn, Củ Chi), trung tâm Hà Nội và Bình Dương (Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An).
Nhiều tháng qua, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) nằm trong Top các ngân hàng có lãi suất cho vay mua nhà thấp nhất. Dù vậy, trong tháng 8 này, TPBank cũng giảm mạnh lãi suất từ 7,8%/năm xuống chỉ còn 6,8%/năm, tương ứng mức giảm tới 1%/năm.
Thời hạn cho vay tại TPBank tối đa lên đến 30 năm với hạn mức vay đạt 90% tổng giá trị tài sản.
Nhiều nơi lãi suất trên 10%/năm
Mặc dù một số đơn vị tiên phong giảm lãi suất cho vay mua nhà với mức “chiết khấu” rất mạnh nhưng trên thị trường vẫn còn rất nhiều đơn vị có lãi suất cho vay mua nhà trên 10%/năm.
Trong suốt thời gian dài, Ngân hàng HSBC có lãi suất cho vay mua nhà cao nhất, lên tới 11,5%/năm. Cho đến tháng 8/2023, mức cao này vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể nào.
Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu (GPBank) cũng duy trì lãi suất cho vay mua nhà ở mức cao 11,3%/năm. Đứng sau là mức 11,2%/năm tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), 11%/năm tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), 10,8%/năm tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB), 10,5%/năm tại Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank),…
Tuy nhiên, đây chỉ là những con số tham khảo vì với mỗi hợp đồng khác nhau, với mỗi khách hàng có “điểm tín dụng” khác nhau mà mức lãi suất được “chốt” cũng khác nhau rất nhiều.
Kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng bất động sản
Dù các ngân hàng vẫn mạnh tay rót vốn cho bất động sản nhưng tín dụng bất động sản vẫn được kiểm soát chặt chẽ.
Phát biểu tại Hội nghị tình hình, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản diễn ra trong chiều 3/8, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động, kịp thời điều chỉnh chính sách, ban hành và triển khai đồng bộ, tối ưu các công cụ và giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú không công bố mức giảm cụ thể lãi suất cho vay mua nhà mà đưa ra bức tranh chung. Đến nay, mức lãi suất trung bình giảm của ngân hàng thương mại giảm từ 1,5 – 2% tùy theo từng loại. Nhiều ngân hàng có những khoản vay ưu tiên, ưu đãi.
Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là bám sát các chỉ đạo của Nhà nước, Chính phủ, hướng đến việc hỗ trợ cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững theo hướng phục vụ đa số người dân, đặc biệt là người có nhu cầu nhà ở thực, hạn chế tình trạng đầu cơ, thổi giá, trục lợi.
Phó Thống đốc khẳng định Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông của tổ chức tín dụng,…