Nhiều doanh nghiệp đang phát hành trái phiếu với lãi suất 10-15%/năm, cao gấp đôi, gấp ba lãi suất tiền gửi ngân hàng. Dù vậy, kênh trái phiếu vẫn chưa thể sôi động trở lại.
Văn Phú Invest vừa phát hành thành công 6,5 triệu trái phiếu ra công chúng, thu về 650 tỷ đồng. Ảnh: Đức Thanh |
Chưa sôi động trở lại
Theo dữ liệu của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, tính từ đầu năm tới đầu tuần này, thị trường mới ghi nhận 6 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), gồm 2 đợt phát hành ra công chúng (của Văn Phú Invest và Vingroup) và 4 đợt phát hành riêng lẻ (của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng xa lộ Hà Nội, Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển vận tải, Công ty TNHH một thành viên BOT Ninh Thuận), với tổng giá trị 5.350 tỷ đồng.
So với cùng kỳ năm ngoái – thời điểm thị trường TPDN đóng băng, phát hành TPDN trong 2 tháng đầu năm nay tăng trưởng tốt hơn, song so với giai đoạn năm 2021 và năm 2022, thì khối lượng phát hành vẫn rất nhỏ bé.
Đáng chú ý, lãi suất mà các doanh nghiệp phát hành đưa ra khá hấp dẫn cho các kỳ đầu. Cụ thể, lãi suất trong 2 kỳ đầu của Văn Phú Invest là 11%/năm, của Vingroup là 15%/năm. Lãi suất trong 4 kỳ đầu của BOT Ninh Thuận là 10,5%/năm. Lãi suất cho các kỳ sau thường là 4-4,5% cộng với trung bình lãi suất tiết kiệm 12 tháng của nhóm ngân hàng Big 4…
Hiện tại, trên thị trường thứ cấp, nhiều mã TPDN đang được chào bán với lãi suất 10,5-12%, như các mã trái phiếu của Công ty cổ phần Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công, Công ty cổ phần Đạt Phương, Công ty cổ phần In và Bao bì Goldsun…
Ông Nguyễn Tùng Anh, Trưởng phòng Nghiên cứu tín dụng và dịch vụ tài chính bền vững, FiinRatings cho rằng, môi trường lãi suất thấp tiếp tục duy trì thời gian tới sẽ là tiền đề quan trọng nhằm góp phần tạo cầu cho thị trường TPDN. Theo đó, các định chế tài chính và cả nhà đầu tư cá nhân có quy mô tài sản lớn sẽ tìm kiếm kênh đầu tư có mức độ lợi nhuận điều chỉnh theo rủi ro cao hơn, thay vì duy trì tiền gửi tiết kiệm và đầu tư trái phiếu chính phủ.
Hiện lãi suất trái phiếu ngân hàng đang dao động ở mức 5-7%/năm, lãi suất TPDN phi tài chính là 7-12% tùy theo mức độ rủi ro hoặc xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp.
“Đáng chú ý, dữ liệu của chúng tôi ghi nhận nhiều lô TPDN được giao dịch với mức tỷ suất lợi tức đáo hạn bình quân lên tới trên 20% như những lô trái phiếu của Licogi 13 (27,6%), Sunshine AM (23,7%) và Bkav Pro (21,25%)”, báo cáo của FiinRatings cho biết.
Như vậy, thị trường thứ cấp đã dần góp phần phản ánh mức độ rủi ro của trái phiếu vào định giá lãi suất giao dịch trái phiếu trên thị trường.
Dù đang mang lại lợi nhuận gấp đôi gửi tiết kiệm ngân hàng, song kênh đầu tư TPDN vẫn chưa sôi động trở lại, kể cả ở phía doanh nghiệp phát hành lẫn phía nhà đầu tư. Trong tháng 1/2024, tổng giá trị giao dịch trái phiếu riêng lẻ trên thị trường thứ cấp đạt 74.500 tỷ đồng, giảm gần 25% so với tháng 12/2023. Trong khi đó, trái phiếu ra công chúng đạt tổng giá trị giao dịch 9.000 tỷ đồng, duy trì ở mức khá ổn định.
Thời kỳ 2019-2021, thị trường TPDN sôi động là nhờ sự tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư tư nhân (nắm giữ trên 30% khối lượng TPDN riêng lẻ chào bán trên thị trường). Tuy nhiên, trong hơn hai năm qua, cơ cấu nhà đầu tư TPDN đã thay đổi rất mạnh, nhà đầu tư cá nhân sụt giảm mạnh về chỉ còn 7% (năm 2023).
Dù niềm tin của nhà đầu tư đã phần nào phục hồi từ cuối năm 2023, song với các điều kiện chặt chẽ của Nghị định 65/2022/NĐ-CP, phần lớn nhà đầu tư cá nhân đã bị loại khỏi sân chơi TPDN từ đầu năm nay. Trong khi đó, hành lang chính sách lại chưa mở kịp thời để khuyến khích các tay chơi lớn. Đây là nguyên nhân khiến thị trường TPDN vẫn đìu hiu.
Khát nhà đầu tư lớn
Hai thách thức lớn nhất hiện nay của thị trường TPDN là khối lượng đáo hạn lớn và cơ sở nhà đầu tư chưa được mở rộng kịp thời.
Tính tới đầu tháng 2/2024, trong tổng số 1,24 triệu tỷ đồng TPDN đang lưu hành, có khoảng 1,1 triệu tỷ đồng là trái phiếu riêng lẻ. Trong đó, đáng lo nhất là TPDN bất động sản có số dư 382.000 tỷ đồng, TPDN ngành xây dựng và vật liệu 72.00 tỷ đồng, TPDN ngành du lịch và giải trí 75.800 tỷ đồng. Riêng trong năm 2024, lượng TPDN riêng lẻ đến hạn (sau khi đã giãn, hoãn, tái cơ cấu) của cả ba nhóm ngành trên lên tới gần 190.000 tỷ đồng.
– Ông Nguyễn Tùng Anh, Trưởng phòng Nghiên cứu tín dụng và dịch vụ tài chính bền vững, FiinRatings
“Áp lực thanh khoản của các doanh nghiệp năm nay và năm 2025 rất lớn. Nguy cơ mất khả năng thanh toán của một số doanh nghiệp cao hơn, dẫn đến việc chậm trả trái phiếu, từ đó tiếp tục gây mất lòng tin của nhà đầu tư trong bối cảnh niềm tin đang được xây lại từ đầu chậm rãi nhưng cũng mong manh”, ông Nguyễn Tùng Anh nhận định.
Tuy vậy, vấn đề lớn nhất của thị trường TPDN hiện nay là thiếu sức cầu. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp phát hành chất lượng tốt cũng khó phát hành thành công trái phiếu.
Trong bối cảnh này, đưa ra các giải pháp cải thiện sức cầu là vô cùng cần thiết. Theo các chuyên gia kinh tế, cùng với việc siết lại điều kiện tham gia thị trường TPDN của nhà đầu tư cá nhân, cần có giải pháp mở rộng cơ sở nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư tổ chức.
Hiện nay, bên mua TPDN trên thị trường chủ yếu là các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán. Các định chế tổ chức, bao gồm công ty bảo hiểm và quỹ đầu tư trái phiếu tham gia đầu tư TPDN, còn rất hạn chế. Hiện có nhiều quy định đang hạn chế các công ty bảo hiểm, các quỹ đầu tư rót tiền vào TPDN. Nếu có giải pháp để các tổ chức này đầu tư vào TPDN, hàng chục tỷ USD sẽ được giải phóng và thị trường TPDN có thể sẽ có sự đột phá về thanh khoản.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, năm nay, mặt bằng lãi suất thấp sẽ hỗ trợ tốt cho kênh phát hành TPDN. Trong bối cảnh thị trường đang được thanh lọc mạnh mẽ, nhiều doanh nghiệp phát hành đã khẳng định được uy tín của mình, niềm tin của nhà đầu tư cũng dần được phục hồi. Tuy vậy, thị trường TPDN sẽ phục hồi theo hình chữ U chứ không phải hình chữ V.
Từ đầu năm nay, việc thực hiện đầy đủ Nghị định 65/2022/NĐ-CP có thể gây khó khăn ngắn hạn cho doanh nghiệp phát hành, đặc biệt là quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp và xếp hạng tín nhiệm có điều kiện. Năm 2024 vì vậy cũng là năm kiểm chứng cho việc thích nghi của các chủ thể tham gia thị trường. Nhiều khả năng, thị trường TPDN năm nay vẫn sẽ khó khăn trong nửa đầu năm, song sẽ dần hồi phục nửa cuối năm.
Nếu doanh nghiệp thích nghi, đáp ứng tốt các yêu cầu của Nghị định 65/2022/NĐ-CP, thị trường sẽ tăng trưởng một cách lành mạnh, hiệu quả, hạn chế đáng kể các rủi ro phát sinh trong tương lai.