Trái ngược với đa số các tỉnh thành, ở TP.HCM số học sinh lớp 10 chọn môn học lựa chọn thuộc khối khoa học xã hội rất ít.
Nhiều trường THPT ở TP.HCM đã thực hiện các giải pháp đặc thù trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Chọn khoa học tự nhiên
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, từ năm học đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đến nay, việc chọn môn học lựa chọn của học sinh TP luôn giữ ở mức ổn định. Trong đó, môn tin học có số học sinh chọn học nhiều nhất, những môn có số học sinh chọn nhiều kế tiếp là vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, công nghệ, mỹ thuật, âm nhạc.
Khi chọn môn thi tốt nghiệp THPT, đa số học sinh lớp 12 của TP năm học này cũng cho biết chọn các môn thuộc khối khoa học tự nhiên nhiều hơn.
Theo khảo sát của Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, vào đầu năm học 2024 – 2025, số học sinh lớp 12 chọn môn thi tốt nghiệp THPT như sau: môn tiếng Anh chiếm đa số: 532, kế đó là vật lý: 413, hóa học: 269, sinh học: 136, lịch sử: 46, địa lý: 36, giáo dục kinh tế và pháp luật: 36, tin học: 17, công nghệ: 11.
Điều này cũng diễn ra tương tự ở nhiều trường nội thành khác như THPT Ernst Thälmann (quận 1), THPT Nguyễn Thị Diệu (quận 3), THPT Lê Trọng Tấn (quận Tân Phú)… Kể cả các trường ở ngoại thành TP.HCM, học sinh vẫn thích khoa học tự nhiên hơn, số học sinh chọn học các môn khoa học tự nhiên vẫn nhiều hơn khoa học xã hội.
Giải thích về điều này, một cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho rằng đó là do các trường THPT đã tư vấn rất kỹ ngay từ khi nhận hồ sơ tuyển sinh lớp 10.
“Đa số các trường THPT trên địa bàn TP có từ 3 – 4 đợt tư vấn trước khi học sinh lớp 10 chính thức chọn môn học. Trong đó có 1 buổi họp phụ huynh và học sinh lớp 10 toàn trường để giới thiệu về chương trình học tập cũng như “đầu ra”.
Tiếp theo là tư vấn theo nhóm nhỏ tại lớp và tư vấn 1 – 1 để giúp phụ huynh, học sinh nhận định đúng về sở trường môn học, ngành nghề yêu thích, các phương thức tuyển sinh đại học, cao đẳng phù hợp với cá nhân…
Như vậy, có thể hiểu học sinh TP.HCM “chuộng” các môn khối khoa học tự nhiên là vì việc chọn lựa của các em có gắn với định hướng ngành, nghề sau này của bản thân”, vị này nói.
Linh hoạt việc thay đổi môn học
Tuy nhiên trên thực tế không phải tất cả đều suôn sẻ và hoàn hảo. Một giáo viên môn toán ở huyện Bình Chánh kể: Nhiều học sinh lớp 10 nhưng không hề có suy nghĩ gì về ngành, nghề mình sẽ làm trong tương lai. Trong khi đó, học bạ của em cũng không thể hiện môn học nào nổi trội mà làng nhàng như nhau. Những trường hợp này tôi mất rất nhiều thời gian để giải thích, phân tích.
Theo ghi nhận, số học sinh tốt nghiệp THCS nhưng vẫn còn mơ hồ về ngành, nghề trong tương lai không phải là ít. Đây chính là thực trạng gây khó khăn cho các nhà trường THPT trong việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Và việc các em chuyển đổi môn học là điều không thể tránh khỏi.
Các trường THPT ở TP.HCM đã có cách làm linh hoạt: thay vì chờ đến hết năm lớp 10 mới cho học sinh chuyển đổi môn học thì nhà trường cho học sinh chuyển ngay khi mới học được vài tuần.
“Có thể sau 1 tháng, 2 tháng hoặc sau khi kiểm tra giữa học kỳ 1 của năm học lớp 10, học sinh cảm thấy môn học mình đã chọn không phù hợp với năng lực, sở thích của bản thân thì nhà trường sẽ tư vấn lại một lần nữa. Nếu vẫn xác định không phù hợp thì chúng tôi giải quyết cho các em đổi môn ngay. Ép các em học cho đến hết năm học thì có ích gì khi học sinh đã không thích và cảm thấy khó khăn khi học tập?
Dù sao thời điểm này thay đổi cũng nhẹ nhàng hơn là đợi đến hết năm lớp 10: lượng kiến thức học sinh phải học bổ sung ít hơn; tâm lý các em cũng sẽ thoải mái hơn khi được học môn mình mong muốn”, hiệu trưởng một trường THPT ở TP Thủ Đức chia sẻ.
Có lẽ vì lý do trên mà số học sinh xin chuyển đổi môn sau khi kết thúc chương trình học lớp 10 khá thấp. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM thì số này chưa đến 1%.
“Chúng tôi tổ chức lớp học phụ đạo cho học sinh có nhu cầu chuyển đổi môn. Tuy vậy, chúng tôi vẫn mong muốn các trường THCS hãy tăng cường công tác hướng nghiệp cho học sinh.
Làm sao để khi học hết lớp 9, ít ra học sinh đã có định hướng về nhóm ngành mình sẽ theo đuổi. Từ cái “nền” đó cộng với việc tư vấn của nhà trường THPT thì việc chọn môn học ở lớp 10 sẽ giảm thiểu những sai lầm”, lãnh đạo một trường THPT ở quận Tân Phú đề nghị.
22 trường tiên phong
Ông Nguyễn Bảo Quốc, phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, đánh giá: “Mô hình lớp học “chạy” ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong là làm đúng như tinh thần của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Học sinh được chọn từng môn học theo sở thích và năng khiếu của bản thân sẽ giúp các em học tập vui vẻ và thích thú hơn. Đây cũng là một trong những yếu tố giúp các em phát triển tốt nhất theo năng lực của mình. Vì vậy, sở khuyến khích các nhà trường nhân rộng theo mô hình này.
Đến nay, TP.HCM có khoảng 22 trường THPT, trường có nhiều cấp học thực hiện xếp lớp học linh hoạt được trên 50% tổng số lớp. Trong đó có 8 trường THPT xếp được lớp học linh hoạt cho tất cả các khối lớp như Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong”.
Lớp học “chạy”
Về việc tổ chức cho học sinh học môn lựa chọn, TP.HCM cũng có cách làm rất khác. Trong khi đa số các trường THPT tổ chức dạy môn lựa chọn theo kiểu “những gì mình có” thì ở TP.HCM, không ít trường đã cho học sinh chủ động chọn từng môn học.
Ngay từ năm học 2022 – 2023 (tức năm đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018), Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã dạy môn lựa chọn theo kiểu học sinh thích môn nào thì đăng ký học môn đó, hình thành nên các lớp học “chạy” trong nhà trường phổ thông.
Tức là từ sự chọn lựa môn học của học sinh, trường sẽ sắp xếp thời khóa biểu theo hướng tất cả các buổi sáng học sinh sẽ học môn bắt buộc và môn chuyên theo lớp truyền thống của mình, ví dụ học sinh lớp 10 chuyên Anh sẽ học buổi sáng ở lớp 10 chuyên Anh.
Nhưng vào buổi chiều, học sinh chuyển sang học cùng với học sinh các lớp khác theo môn học tự chọn, chuyên đề, giáo dục thể chất đã đăng ký và học trí tuệ nhân tạo (AI) cơ bản. Như vậy, mỗi học sinh sẽ có một thời khóa biểu riêng.
Cô Phạm Thị Bé Hiền, hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, thông tin: “để thực hiện như trên, trường gặp khá nhiều khó khăn. Năm đầu tiên trường cần thêm 8 phòng học, năm thứ 2 cần thêm 4 phòng học nữa. Do đó ban giám hiệu nhà trường đã phải thu xếp để tận dụng tất cả những phòng có thể sử dụng làm phòng học.
Về đội ngũ giáo viên, trường cấp tốc tuyển giáo viên âm nhạc, mỹ thuật cho 2 môn học mới. Về sĩ số, các lớp tự chọn không bị đội sĩ số lên quá cao, chỉ khoảng 30 học sinh/lớp. Chỉ có duy nhất lớp chuyên đề mỹ thuật là sĩ số đội lên 50 học sinh.
Đó là chưa kể việc xếp thời khóa biểu cho từng học sinh, làm sao để lịch học của các em không bị đụng với các môn khác, làm sao cho lịch dạy của giáo viên hài hòa, đủ tiết nghĩa vụ… là một vấn đề rất đau đầu. Nhưng khó không có nghĩa là không làm được. Chúng tôi đã áp dụng cả phương pháp thủ công và công nghệ để xếp thời khóa biểu cho hơn 2.000 học sinh”.
Nguồn: https://tuoitre.vn/lac-loi-voi-mon-hoc-lua-chon-ky-4-cach-lam-rieng-cua-tp-hcm-20241129231758058.htm