Cô gái Thụy Điển gốc Việt bao lần trở về quê hương đau đáu ngược xuôi tìm mẹ. Cô học tiếng Việt, tập đi xe máy để mong tìm lại mẹ mình nhưng nhiều năm vẫn mịt mờ.
Ngân ngấn nước mắt, Kim Hoa thổn thức trên hành trình tìm mẹ kéo dài đã nhiều ngày tháng: “Một ngày nào đó, biết đâu phép màu cho mẹ con mình gặp nhau. Con vẫn đang ngày đêm đợi phép màu ấy, mẹ ơi”.
Cô gái có mái tóc đen nhánh ngồi trước mặt tôi với xấp giấy tờ chứng minh gốc Việt của mình. Dù nói tiếng Việt chưa sõi, Kim Hoa (tên thường gọi là Kim) có thể nghe hiểu những điều người Việt nói.
Con đi tìm mẹ để mong được gặp mẹ một lần
“Em học tiếng Việt từ khi biết mình là người Việt. Em học qua YouTube thôi nên chưa nói tốt được. Từ khi về Việt Nam, khoảng một năm rồi, tiếng Việt của em đã tốt hơn”, Kim Hoa khoe và còn cho biết đã tự chạy được xe máy đến chỗ hẹn.
Tất cả thông tin về mẹ mà Kim Hoa có gồm: bản viết tay gửi con lại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội của mẹ sau khi sinh; giấy khai sinh, bản thông báo của bệnh viện có bé cần nhận nuôi; biên bản giao nhận con nuôi có ảnh 3×4 của Kim lúc mới sinh, có chữ ký của ba bên gồm giám đốc bệnh viện, cha mẹ nuôi và UBND TP Hà Nội; và bản cam kết nhận con nuôi của vợ chồng người Thụy Điển.
Trong bản viết tay gửi bệnh viện, mẹ Kim Hoa cho biết mình tên Nguyễn Thị Hoàn, 18 tuổi, quê xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Sơn Bình cũ. Mẹ sinh bé Nguyễn Thị Kim Hoa vào ngày 10-7-1990, do không có điều kiện nuôi dưỡng nên nhờ bệnh viện nuôi giúp.
Đơn được viết và ký tên cùng ngày Kim Hoa được sinh.
Giấy khai sinh của Kim Hoa do Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đứng ra khai nhận, tên tuổi và địa chỉ cả cha lẫn mẹ đều bị gạch trống. Trong thông báo bệnh viện gửi Ban Ngoại vụ có hai thông tin đáng chú ý: mẹ Kim cho biết sinh con ngoài giá thú năm 18 tuổi, sinh sống ở Phố Lu, huyện Bảo Thắng, tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là Lào Cai).
Trong biên bản giao nhận con nuôi, vợ chồng Thụy Điển cho biết ông là Uef Grundel, sinh năm 1949, là cố vấn về tổ chức và quản lý. Bà Eva Hof, sinh năm 1952, làm trợ lý văn phòng, sinh sống tại Jerfalla, Thụy Điển.
“Hơn 30 năm, em may mắn được cha mẹ nuôi chăm sóc, được học hành khôn lớn. Em chỉ muốn được gặp mẹ đẻ, nếu mẹ đang sống hạnh phúc thì em sẽ không làm phiền, không làm xáo trộn cuộc sống của mẹ”, Kim Hoa bày tỏ.
Cùng bạn Việt tìm mẹ giữa biển người
Kim Hoa kể từng được cha mẹ nuôi đưa về Việt Nam du lịch nhiều lần và càng lớn cô càng cảm nhận sâu sắc cội nguồn, tình mẫu tử và nghĩ cách tìm mẹ.
Dịp trở lại quê hương năm 2009, tròn 20 tuổi, cô đã ở lại 5 tháng để mong tìm lại mẹ.
Cô đăng ký làm tình nguyện ở Trung tâm giáo dục lao động số 2 (Ba Vì, Hà Nội) – nơi trẻ em nhiễm HIV được chăm sóc và chữa trị. Đồng thời cô làm việc trực tuyến cho tổ chức phi chính phủ về cứu trợ trẻ em (Save The Children), chọn giúp đỡ trẻ em thiếu may mắn là hạnh phúc của cô.
Đầu năm 2023, cô xin cha mẹ nuôi trở về Việt Nam lâu dài để tìm lại mẹ đẻ. Cô thuê phòng trọ ở Trúc Bạch, quận Ba Đình (Hà Nội) để vừa học tiếng Việt, vừa tập đi xe máy, vừa tìm việc làm thêm.
May mắn cô quen một số người bạn Việt tận tình cùng Kim chạy xe khắp nơi đi hỏi thông tin về mẹ.
Người bạn thân nhất của cô là Đinh Thu Thủy chia sẻ: “Biết kế hoạch tìm mẹ của bạn mà bạn ấy lại không rành tiếng Việt nên tôi thu xếp công việc để đi tìm cùng”.
Đầu tiên, cả hai đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Đem tất cả giấy tờ để nhờ bệnh viện tìm lại hồ sơ, nhưng sau một hồi tìm kiếm, người phụ trách lưu trữ tài liệu báo tin buồn không tìm thấy hồ sơ của Kim Hoa.
Người này cho biết thủ tục giao nhận con nuôi của bệnh viện chỉ gồm những giấy tờ như Kim Hoa đã có. Cán bộ của bệnh viện làm thủ tục thời đó giờ cũng đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác. Người này nhiệt tình hứa nếu có thông tin nào tìm được sẽ báo cho cô biết.
Cả hai lại lóc cóc chạy xe đến Bệnh viện Phụ sản trung ương hỏi cho chắc ăn, nhưng ở đây cũng không có thông tin gì.
Tới Sở Ngoại vụ, họ cũng trả lời hồ sơ của Kim đã không còn lưu trữ rồi giới thiệu một bà phiên dịch những năm 1990. Đang mừng thầm thì họ phải thất vọng ngay vì bà đã ngoài 80 tuổi, lúc nhớ lúc quên.
“Kim Hoa gặp bà, nhưng bà nhớ hình như chỉ làm phiên dịch cho Ban Ngoại vụ, cha mẹ nuôi và bệnh viện, chứ không gặp mẹ đẻ Kim Hoa”, chị Thủy kể.
Không có thông tin nào về mẹ, họ lại lên tàu hỏa đi Phố Lu (Lào Cai). Chuyến đi mùa thu năm 2023 dài 4 ngày 3 đêm. Đôi bạn thuê xe máy để tới các địa điểm đã được khoanh vùng như trụ sở công an, tổ trưởng dân phố và trường học.
Tại phòng đăng ký hộ khẩu của Công an Phố Lu, Kim Hoa hồi hộp đem tất cả giấy tờ ra để trình bày.
Thủy nhờ công an tìm hồ sơ lưu trữ xem có thông tin về người phụ nữ tên Nguyễn Thị Hoàn, sinh khoảng năm 1972 – 1973, quê xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội không… Câu trả lời vẫn là không có thông tin nào trùng khớp.
Không nản, họ lại chạy xe tới trường học lâu đời nhất Phố Lu, những nhân viên lưu trữ ở đây đều nhiệt tình hỗ trợ nhưng vẫn không có thông tin nào về mẹ Kim.
“Trong danh sách không có ai tên như mẹ Kim Hoa. Họ nói cái tên như thế chỉ có những người dưới xuôi lên, có thể mẹ Kim Hoa theo ông bà lên vùng cao làm kinh tế mới. Họ lấy số điện thoại của cả hai và hứa nếu có thông tin sẽ báo ngay”, Thủy cho biết và tiếp tục dẫn bạn tới tổ dân phố để gặp bác cựu công an nhưng cũng không thu được gì khả quan.
Trở về Hà Nội, do Thủy bận việc nên Kim Hoa thuê phiên dịch chạy xe máy xuống xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín để tiếp tục tìm mẹ. Kết quả hai lần tới, trong sổ tay cô ghi tám số điện thoại các trưởng thôn xã Nguyễn Trãi.
Thủy lại chạy đến ngồi bên Kim Hoa, lần lượt gọi hết cho tám trưởng thôn nhưng đều nhận được câu trả lời không biết. Họ nói nếu có thêm thông tin về người thân, họ hàng thì khả năng tìm kiếm hiệu quả hơn.
Quyết định ở lại Việt Nam để tìm mẹ
“Đợt này dự định ở lại Việt Nam sáu tháng để tìm mẹ, nhưng em đã ở lại hơn một năm rồi. Em thấy tương lai của mình ở quê hương và muốn sống cuộc đời tại đây”, mắt Kim Hoa ngân ngấn nước.
Cha mẹ nuôi của cô cũng đồng ý với quyết định của con gái nuôi. Hiện nay tuổi họ đã cao, nhưng ngoài Kim Hoa, họ còn nhận nuôi thêm em trai nữa nên cô cũng yên tâm.
“Thụy Điển là đất nước có nhiều cơ hội cho cuộc sống hơn, nhưng em cũng như các bạn được nhận nuôi ở các quốc gia khác có thể khẳng định rằng văn hóa, ngôn ngữ, thiên nhiên, ẩm thực, âm nhạc, gia đình và cội nguồn của mình quan trọng hơn nhiều so với sự giàu có ở phương Tây”, Kim Hoa trải lòng.
Cô cũng đã tới Vụ Con nuôi của Bộ Tư pháp, đăng ký chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” (tên gọi khác Hãy lên tiếng) và nhiều nơi khác nhưng vẫn chưa có tin tức về mẹ.
“Nếu mẹ đọc được bài viết này, con muốn mẹ biết là con đã được nuôi dưỡng lớn khôn như mong ước của mẹ. Bây giờ điều con ước là được gặp mẹ và con cũng mong mẹ đang được sống hạnh phúc.
Một ngày nào đó, biết đâu phép màu cho mẹ con mình gặp nhau. Con vẫn đang ngày đêm đợi phép màu ấy”, Kim Hoa gửi lời tâm tình cho mẹ của mình.
Thủy nghi ngờ có thể mẹ Kim Hoa muốn giấu thông tin nên có thể khai không đúng họ tên, quê quán.
“Ngày đó làm thủ tục dễ, có thể thông tin không đúng. Nhưng tôi và Kim Hoa cũng đặt câu hỏi nếu muốn tìm lại con, người mẹ Việt có thể tìm lại địa chỉ của cha mẹ nuôi Kim Hoa vì thông tin của họ rất rõ ràng”, chị Thủy bày tỏ.
Tuoitre.vn
Nguồn:https://tuoitre.vn/la-thu-viet-tay-va-tam-giay-khai-sinh-cua-co-gai-thuy-dien-di-tim-me-viet-20241206225148976.htm