Mở màn bằng câu hỏi “Vì sao Hạ bỏ đi biệt tích, người đàn ông áo đen với cây dù đỏ đi cùng cô là ai, có phải là nhân tình?”, vở lập tức gây được sự hồi hộp, lôi cuốn. Bằng thủ pháp kể chuyện “dòng thời gian ngược”, bắt đầu với mốc 2022 rồi 2009, 2004, 1992, vở diễn cuốn hút người xem cho đến cuối cùng. Cách kể này cũng bóc tách dần những góc khuất, những bí mật ẩn giấu trong lòng mỗi nhân vật cùng lý do cho những hành động của họ. Nghĩa với mối tình học trò trong sáng nhưng khắc sâu đến nỗi trở thành sự đợi chờ bền bỉ, mòn mỏi. Bà Sáu khắc khoải ngóng trông đứa con gái vụng dại trở về trong bàn tay tha thứ. Cậu Sĩ luôn tin tưởng người chị gái bất kể gièm pha. Hiệp và Hiền bướng bỉnh nhưng chông chênh giữa nỗi nhớ và uất hận… Mỗi nhân vật đều có những nỗi niềm và chấp niệm rất “con người” mà chúng ta có thể thấy đâu đó trong cuộc sống. Để dù không đồng tình, người xem vẫn có thể đồng cảm và bùi ngùi xúc động.
Lá hát như mưa còn khắc họa một không gian Sài Gòn với những con hẻm nhỏ sôi động, những con người phóng khoáng, nặng nghĩa nặng tình. Đạo diễn cũng khéo léo lồng ghép những màn văn nghệ sôi động giúp làm dịu không khí bi kịch. Đặc biệt là gương mặt trẻ Như Võ trong vai dì Tư gây ấn tượng bởi các mảng miếng hài có duyên. Những cái tên Hồng Thiện, Như Quyên, Thành An, Như Võ, Đức Huy, Thanh Nhân, Phương Vy, Gia Minh, Huỳnh Anh, Đông Hàm, Bão Thanh, Triết Lý, Hoàng Khôi, Hồng Hạnh, Là Như, Đăng Trân, Thái Hưng, Uyên Nhi, Phương Trúc đã có được chỗ đứng trong lòng khán giả yêu kịch.
Nguồn: https://thanhnien.vn/la-hat-nhu-mua-an-tuong-san-khau-bao-chi-nhan-van-185241217225815295.htm