Ngày 5.2, ông Zelensky đã trình lên quốc hội Ukraine đề xuất về việc gia hạn thiết quân luật và kệnh tổng động viên thêm 90 ngày nữa. Đây sẽ là cuộc bỏ phiếu thứ 10 của quốc hội về vấn đề này kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, theo tờ The Kyiv Independent.
Ông Zelensky lần đầu tiên tuyên bố thiết quân luật và tổng động viên vào ngày 24.2.2022, thời điểm Nga bắt đầu chiến dịch quân sự toàn diện vào Ukraine. Luật đã được gia hạn nhiều lần kể từ đó. Theo thiết quân luật, nam giới Ukraine từ 18 đến 60 tuổi, trừ một số trường hợp ngoại lệ, không được phép rời khỏi đất nước vì họ có thể bị gọi đi nghĩa vụ quân sự.
Diễn biến chiến sự
Cùng ngày, hãng thông tấn Ukrinform đưa tin ông Zelensky cho biết Ukraine đã mất quyền kiểm soát 26% lãnh thổ sau gần 2 năm chiến sự.
Dù vậy, ông lưu ý rằng quân đội Nga không thể đạt được thêm những bước tiến mạnh mẽ vì Ukraine đã ngăn chặn họ. Theo ông, 50% lãnh thổ rơi vào tay Nga kể từ tháng 2.2022 đã được các lực lượng của Kyiv giành lại.
Moscow chưa bình luận về thông tin trên. Trong diễn biến khác, hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Igor Kimakovsky, cố vấn của chính quyền ly khai tỉnh Donetsk, cho biết Ukraine đã triển khai hệ thống tên lửa Patriot tới khu vực mà Kyiv đang kiểm soát ở tỉnh này.
Trong khi đó, ông Alexey Poteleshchenko, một quan chức ly khai ở Luhansk, được cho là đã thiệt mạng trong cuộc tấn công của Ukraine vào cuối tuần qua. Thông tin trên được một quan chức khác của phe ly khai cung cấp cho hãng thông tấn TASS.
Chính quyền Kyiv chưa bình luận về các cáo buộc trên.
Ông Zelensky suýt nguy hiểm khi thăm tiền tuyến
Trong diễn biến riêng biệt, Tổng thống Ukraine Zelensky hôm 5.2 tiết lộ ông đã đến thăm quân đội tại làng Robotyne (tỉnh Zaporizhzhia) vào một ngày trước đó.
Người phát ngôn của Tổng thống Ukraine cho biết cho biết một vụ nổ đã xảy ra ở “tương đối gần” ông Zelensky khi ông đang trong chuyến thăm, bởi khu vực này vẫn đang chứng kiến các cuộc giao tranh giữa 2 nước. Moscow chưa lên tiếng về thông tin này. Kyiv tuyên bố đã giành lại ngôi làng vào tháng 8.2023 và xem đây là một thành công lớn trong cuộc phản công Nga.
Nga nói EU đẩy Ukraine vào “hố nợ”
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 5.2 gọi việc Liên minh châu Âu (EU) phê duyệt thêm khoản cho vay 33 tỉ euro (864.000 tỉ đồng) cho Ukraine sẽ “chỉ đẩy Kyiv lún sâu hơn vào hố nợ”.
Nhà ngoại giao Nga nói có thể “thấy rõ ràng số tiền này sẽ đi đâu”. Theo bà, tình trạng tham nhũng “chưa từng có” đã khiến Ukraine chìm sâu vào các khoản nợ nần.
“Các thế hệ người Ukraine tiếp theo sẽ phải trả khoản nợ châu Âu”, bà Zakharova viết trên trang web của Bộ Ngoại giao Nga.
Trong một phát biểu khác, Điện Kremlin cảnh báo phương Tây rằng bất kỳ nỗ lực nào sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga làm tài sản thế chấp để gây quỹ cho Ukraine sẽ là bất hợp pháp và làm suy yếu toàn bộ hệ thống kinh tế toàn cầu.
Phát biểu của người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov được đưa ra trong bối cảnh Nhóm 7 nền kinh tế hàng đầu (G7) đang xem xét sử dụng tài sản bị phong tỏa của Nga làm tài sản thế chấp để gây quỹ cho Ukraine.
Phía Kyiv chưa bình luận về phát biểu từ các quan chức Moscow.
Ông Trump kêu gọi đảng Cộng hòa hủy dự luật viện trợ Ukraine
Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 5.2 kêu gọi đảng Cộng hòa từ chối dự luật lưỡng đảng của Thượng viện, trong đó đề xuất viện trợ cho Ukraine 60 tỉ USD (1,463 triệu tỉ đồng), theo AFP
“Chúng ta cần một Dự luật Nhập cư và Biên giới riêng. Điều đó không nên bị ràng buộc với viện trợ nước ngoài dưới bất kỳ hình dạng hay hình thức nào”, ông Trump nói.
Ông Trump hiện là ứng viên sáng giá nhất đại diện đảng Cộng hòa tranh cử tổng thống năm nay. Do đó, ông Trump đang nỗ lực công kích các chính sách của Tổng thống Mỹ Joe Biden, người có khả năng cao sẽ trở thành đối thủ của ông.
Trước đó, chính quyền của ông Biden đã đề xuất một số nhượng bộ với đảng Cộng hòa liên quan vấn đề biên giới với Mexico, nhằm đổi lại việc thông qua các khoản viện trợ cho các đồng minh của Mỹ.
Theo dự luật được các thượng nghị sĩ Mỹ thống nhất hôm 4.2, chính phủ sẽ siết chặt luật nhập cư. Đổi lại, quốc hội cần đồng ý chi 118,3 tỉ USD (bao gồm 60 tỉ USD cho Ukraine, 14 tỉ USD cho Israel, 10 tỉ USD viện trợ nhân đạo, gần 5 tỉ USD cho các đối tác châu Á – Thái Bình Dương và 20 tỉ USD để xử lý vấn đề biên giới).
Trong khi đó, Tổng thống Biden nói ông “ủng hộ mạnh mẽ” thỏa thuận lưỡng đảng được công bố hôm 4.2. Ông kêu gọi quốc hội “nhanh chóng thông qua” thỏa thuận và “đưa nó đến bàn của tôi để tôi có thể ký thành luật ngay lập tức”.