Mặc dù những sự kiện về Lễ – Tế không diễn ra hàng ngày, nhưng nỗ lực duy trì và gìn giữ truyền thống từ phía các cơ quan quản lý và nghệ sĩ, bất chấp những thách thức và khó khăn, … đã đóng góp vào việc bảo tồn và phát triển những giá trị văn hoá phi vật thể.
Lễ Kỳ Yên là lễ tế Thành Hoàng của các ngôi đình thần ở Nam Bộ, trong một năm có thể có từ 1 đến 2 lễ cúng riêng biệt ngày hay gộp lại cùng một lễ trong nhiều ngày liền thì tuỳ theo từng địa phương, cũng giống như hình thức các lễ cúng Thần nông để xin mùa màng bội thu.
Theo truyền thống, Lễ Kỳ Yên bao gồm hai phần lễ cúng chính là Thượng Điền (sau khi thu hoạch) và Hạ Điền. Để thực hiện lễ cúng này, người dân phải tụ tập trong nhiều ngày, tập trung cúng thần linh, mong đạt được sự an lành cho đất đai, cộng đồng, và mong muốn cho một cuộc sống thịnh vượng và sung túc. Thời điểm tổ chức lễ thường tuỳ thuộc vào từng địa phương, người ta chọn ngày tốt để cử hành lễ mà không tuân theo một thời gian cố định nào cả. Điều này là để phản ánh sự linh hoạt và thích ứng với điều kiện thiên nhiên và văn hóa đặc biệt của mỗi địa phương.
Thường xuyên, mỗi đình đều phải tự chuẩn bị kinh phí cho mỗi lễ cúng Kỳ Yên hàng năm, bao gồm các khâu chuẩn bị tổ chức lễ và lựa chọn những thể loại nghệ thuật đa dạng để thực hiện các nghi thức cúng, lễ xoay chầu, trống chầu, và nhiều hoạt động khác. Trong số này, đôi khi có sử dụng hát Hồ Quảng hoặc Cải lương, tuy nhiên, đa số đều là màn trình diễn Hát bội (hay còn gọi là tuồng, hát bộ). Hát bội hiện nay được coi là một bộ môn nghệ thuật truyền thống và được xếp vào danh sách di sản văn hoá phi vật thể của Việt Nam.
Trong 3 ngày tế lễ, mỗi ngày, đoàn nghệ thuật sẽ diễn 2 vở tuồng, sáng và tối, thời gian trung bình mỗi vở khoảng từ 3 – 4 tiếng đồng hồ. Nhà hát nghệ thuật Hát bội Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị thường xuyên thực hiện những lễ cúng Kỳ Yên cho hầu hết các đình ở Nam Bộ.
Trong lần này, theo chân đoàn nghệ thuật đến đình thần Tương Bình Hiệp, qua hỏi thăm thì các bậc cao niên cho biết Đình thần Tương Bình Hiệp có từ năm 1939 và được công nhận di tích cấp tỉnh từ năm 2007, toạ lạc tại khu phố 2, phường Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Bên trong đình, tất cả được thực hiện theo tinh thần tôn trọng di tích, văn hóa truyền thống cũng như kiến trúc nguyên bản, những hiện vật được chú ý đến từng chi tiết giống với ban đầu.
Buổi sáng ngày đầu, đoàn cúng và trình diễn vở tuồng Ngọc Huỳnh Lân xuất thế, thực hiện bởi những nghệ sĩ giàu kinh nghiệm như Kiều My, Ngọc Giàu, Bảo Châu, v.v. chiều đến thì diễn tiếp tuồng Tam Ban Lục Hoàng Hậu – nghệ sĩ Thuý Quyên, Bảo Trang, Mỹ Huyền, Minh Nguyệt, Nhã Than, v.v..
Trong 3 ngày cúng lễ Kỳ Yên, vì đường cũng khá xa thành phố Hồ Chí Minh nên gần như các nghệ sĩ của đoàn phải lưu trú toàn bộ luôn tại đình để tiết kiệm sức khoẻ và thời gian di chuyển.
Được biết kinh phí chi trả cho các nghi thức lễ cúng và diễn tuồng rơi vào khoảng vài chục triệu đồng, một kỳ lễ như vậy là hơn trăm triệu đồng, mỗi đình thần phải tự lo, nếu quá khó khăn thì nhà nước sẽ chịu trách nhiệm phần nào, và cơ quan quản lý của nhà hát bội sẽ xem xét giảm chi phí. Vì những lý do trên thì đôi khi mỗi người phải chịu thiệt một chút để công việc có thể hoàn thành, nghệ sĩ muốn tiết kiệm hơn phải ngủ luôn trên các loại ghế xếp gọn tự mang theo theo, hoặc trải chiếu dưới đất ngủ cho qua thời gian rồi lại đến giờ diễn, ăn uống, vệ sinh luôn tại đình.
Mặc dù cơ sở vật chất thường xuyên trong tình trạng thiếu thốn, nhưng công việc của nghệ sĩ vẫn diễn ra mà không ảnh hưởng đến tinh thần của họ. Điều này cho thấy sự đam mê, tận tâm và cam kết của những người nghệ sĩ đối với nghệ thuật và truyền thống văn hóa. Sự kiên trì của họ không chỉ là nguồn động viên mạnh mẽ mà còn là minh chứng cho lòng kiêu hãnh và sự gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống của đất nước.
Sau mỗi buổi diễn, hàng ngày, sự tham gia đông đảo của người dân là không thể phủ nhận. Không có buổi nào thiếu khán giả, không khí luôn tươi vui và nồng nhiệt. Khán giả thường không chỉ đến để tận hưởng nghệ thuật mà còn thể hiện lòng tôn kính bằng cách tặng hoa, ôm hôn, và chụp ảnh với các nghệ sĩ. Những ngày như vậy tạo nên một không gian đặc biệt, khiến người ta không thể quên những giá trị truyền thống của dân tộc và ông cha. Mặc dù những sự kiện này không diễn ra hàng ngày, nhưng nỗ lực duy trì và gìn giữ truyền thống từ phía các cơ quan quản lý và nghệ sĩ, bất chấp những thách thức và khó khăn, đóng góp vào việc bảo tồn những giá trị văn hoá phi vật thể. Điều này không chỉ giúp văn hoá truyền thống tỏa sáng trong cộng đồng quốc tế mà còn tạo ra sự kết nối vững chắc về tình yêu quê hương và dân tộc trong tâm trí và trái tim của mỗi người.