Nền kinh tế thế giới vừa đi qua năm 2023 trong tình trạng tốt hơn mong đợi về nhiều mặt.
Tăng trưởng toàn cầu có thể vẫn chậm hơn vào năm 2024, nhưng điều tồi tệ nhất có lẽ đã qua. Ảnh minh họa. (Nguồn: Economy Middle East) |
Việc kinh tế toàn cầu tránh được đợt suy thoái mới, cùng với đó là những tín hiệu lạc quan như chi tiêu tiêu dùng tăng, sự phục hồi của sản xuất, tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm, lạm phát đang trên đà hạ nhiệt… thúc đẩy niềm tin về một triển vọng kinh tế toàn cầu tươi sáng vào năm 2024.
Khó khăn có thể đã qua…
Bối cảnh quốc tế năm 2023 với nhiều thách thức, từ xung đột địa chính trị, sức cầu giảm mạnh trong bối cảnh lạm phát, lãi suất cao, rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực… đến tài chính – tiền tệ gia tăng.
Dù vậy, năm qua đã ghi nhận ba điểm thuận. Một là, kinh tế thế giới (nhất là Mỹ, EU) không suy thoái như dự báo. Kinh tế toàn cầu năm 2023 tăng trưởng khoảng 3% từ mức 3,5% năm 2022 (theo IMF), trong đó thương mại tăng 0,8%, đầu tư FDI giảm khoảng 2%. Hai là, lạm phát toàn cầu giảm nhanh (từ mức bình quân 8,6% năm 2022 xuống khoảng 5,5% năm 2023), nên các nền kinh tế đang tạm dừng tăng lãi suất và người dân bắt đầu chi tiêu nhiều lên. Ba là, xu hướng xanh hóa, số hóa tiếp tục được đẩy mạnh.
Sau những kết quả khả quan này, thế giới kỳ vọng rất có thể thực tế năm 2024 sẽ tốt hơn mong đợi. Trong đó, các xu hướng kinh tế cơ bản đã hình thành có thể được coi là lý do để lạc quan về năm 2024.
Đầu tiên, nền kinh tế quốc tế đã chứng tỏ được khả năng phục hồi đáng chú ý. Kể từ năm 2020 đến nay, kinh tế toàn cầu đã vượt qua đại dịch Covid-19, xung đột quân sự ở châu Âu và sự hỗn loạn trong chuỗi cung ứng, những yếu tố vốn đã kết hợp lại gây ra lạm phát cao nhất và chu kỳ tăng lãi suất mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ.
Nhưng các nền kinh tế đã điều chỉnh để thích nghi tốt hơn dự kiến và tiếp tục như vậy trong suốt năm 2023.
Theo Fitch Ratings, trong quý III/2023, GDP toàn cầu cao hơn 9% so với trước đại dịch. Các doanh nghiệp đã tái cơ cấu hệ thống hậu cần, châu Âu đang ngày càng ít phụ thuộc vào khí đốt của Nga và mức thuế cao hơn không dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến.
Ngay cả nền kinh tế Trung Quốc cũng đang tăng trưởng, bất chấp mọi dự báo bi quan được đưa ra trong quý đầu tiên của năm 2023. Kinh tế Nga “chấp” hàng loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây không hề suy giảm, chậm rãi, nhưng chắc chắn thích nghi với điều kiện không còn mối ràng buộc kinh tế với phương Tây, đặc biệt là châu Âu.
Tất cả những điều này nói lên rằng, mọi lĩnh vực và khía cạnh của nền kinh tế toàn cầu, mọi khu vực hoạt động giao thương đều thể hiện khả năng phục hồi và phát triển bất chấp thách thức chưa từng có. Khả năng đó được kỳ vọng sẽ tạo nên một nền tảng vững chắc cho năm 2024.
Tiếp theo, “bóng ma” của cuộc khủng hoảng lạm phát đang xa dần. Nhìn chung, lạm phát đang có xu hướng giảm ở nhiều khu vực trên thế giới. Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới của IMF, lạm phát cơ bản đang trên đà giảm từ mức 9,2% năm 2022 xuống còn 5,9% năm nay và có thể tiếp tục giảm xuống khoảng 4,8% năm 2024. Lạm phát lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, dự kiến giảm xuống 4,5%.
Nhà phân tích Goldman Sachs Research bày tỏ lạc quan về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 khi cho rằng kết quả này đã vượt qua kỳ vọng của hầu hết các chuyên gia kinh tế và các cú sốc chuỗi cung ứng do đại dịch gây ra cũng đã dịu bớt.
Điển hình là Mỹ – nền kinh tế số một thế giới không những tránh được đợt suy thoái sâu rộng mà còn tăng trưởng ở mức ổn định. Chi tiêu tiêu dùng tăng mạnh, đầu tư tăng trưởng ổn định, với sự hỗ trợ hiệu quả của thị trường việc làm vững chắc và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục (khoảng 3,9%) trong nhiều năm.
Điều đặc biệt là, xu hướng lạm phát hạ nhiệt ở nhiều quốc gia trên thế giới đang thúc đẩy các ngân hàng trung ương giảm lãi suất hoặc ít nhất là không tăng lãi suất như hầu hết các tháng trong năm 2023. Chi phí đi vay giảm là động lực thúc đẩy đầu tư và mua nhà.
Các ngân hàng trung ương lớn hiện có thể cắt giảm lãi suất vào năm 2024 sớm hơn dự kiến. Đây sẽ là “niềm an ủi” cho nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp trên toàn cầu.
Hy vọng năm mới
Các nhà phân tích của tạp chí Harvard Business Review thuộc Trường Kinh doanh Harvard nhận định, triển vọng kinh tế vẫn rất không chắc chắn. Lãi suất cao hơn đang ảnh hưởng đến toàn hệ thống, xung đột quân sự tàn phá khắp thế giới và thảm họa khí hậu ngày càng trở nên phổ biến hơn. Do vậy, triển vọng tăng trưởng năm năm tới của nền kinh tế toàn cầu chưa bao giờ tệ hơn thế.
Tờ Financial Times lưu ý, những điểm tích cực trên không phải là lý do để “tự mãn”. Nền kinh tế toàn cầu còn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2024, do các cuộc bầu cử chính trị lớn đến nợ công gia tăng ở nhiều quốc gia… Nhưng sau nền tảng khá tốt của năm 2023, rất có thể thực tế năm 2024 sẽ tốt hơn mong đợi.
Vẫn còn những thách thức mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt trong năm mới, khiến đời sống của người dân ở nhiều khu vực lao đao, nền kinh tế bị đình trệ. Trong đó, nổi bật là các chính sách kinh tế bị chi phối bởi xung đột giữa các liên minh, các khối.
Xung đột Nga-Ukraine đang đẩy nền kinh tế toàn cầu đi theo nhiều hướng khác nhau, gồm các bên duy trì sự ủng hộ, hợp tác với Moscow và ngược lại. Trong khi Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ kỳ ngày càng tăng cường mua dầu Nga, châu Âu lại giảm dần đến “đoạn tuyệt”.
Bên cạnh đó, các cuộc tấn công của lực lượng Houthi tại Biển Đỏ đang góp phần làm gián đoạn nền kinh tế toàn cầu, đẩy giá cước vận chuyển, bảo hiểm và giá dầu tăng cao, đồng thời buộc giao thông phải chuyển hướng sang các tuyến đường dài hơn và tốn kém hơn…
Hiện tại, nền kinh tế thế giới đang chia theo nhiều xu hướng khác nhau. Các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào sản xuất và thương mại đang hoạt động yếu hơn so với phần còn lại, chẳng hạn như Đức đã chứng kiến suy thoái kinh tế đáng kể trong 3/4 quý của năm 2023. Trong khi đó, các nền kinh tế kinh tế tập trung phát triển dịch vụ lại đang hoạt động tốt hơn, chẳng hạn như Pháp hay Mỹ.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, do nhiều tác động khác nhau, xu hướng này hoàn toàn có thể đảo ngược. Sự khó lường trong chiều hướng tăng trưởng của những nền kinh tế này sẽ khiến các nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc đưa ra các quyết định.
Trước những thách thức trên, một số chuyên gia đã thận trọng hơn trong việc đưa ra dự đoán. Công ty Fitch Ratings cho rằng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2024 chỉ ở mức 2,1%, giảm so với ước tính 2,9% của năm 2023. Tờ The National lạc quan khi cho rằng, dù các nhà phân tích chỉ ra tốc độ tăng trưởng toàn cầu dự kiến chậm hơn vào năm 2024, nhưng điều tồi tệ nhất có lẽ đã qua và các trở lực có thể sẽ giảm.