Hồ Tràm hiện đang là thiên đường nghỉ dưỡng cao cấp được nhiều ông lớn đầu tư bất động sản, du lịch. Do vậy, việc xây dựng tuyến đường nối thẳng Hồ Tràm với sân bay Long Thành kỳ vọng giúp vùng biển này vươn mình, đón thêm nhiều du khách.
Sân bay Long Thành đến Hồ Tràm bao xa?
Tại buổi làm việc với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai và các đơn vị liên quan mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp chỉ đạo Bộ GTVT, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng Nai nghiên cứu triển khai nhiều loại hình giao thông kết nối trực tiếp đến sân bay Long Thành.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bà Rịa – Vũng Tàu phải nghiên cứu nhanh, sớm triển khai đường nối thẳng từ Hồ Tràm (huyện Xuyên Mộc) về sân bay Long Thành. Mục đích để phát triển tối đa vùng đất du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp này.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Hồ Tràm đang phát triển, là nơi diễn ra những sự kiện lớn, có nhiều tiềm năng về du lịch… Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chủ động, khẩn trương hoàn thành các dự án đường giao thông kết nối với sân bay Long Thành.
Nghiên cứu tuyến đường nhanh nhất kết nối thẳng từ Hồ Tràm về sân bay Long Thành để phát triển khu vực Hồ Tràm hiệu quả hơn.
Về vị trí địa lý, Hồ Tràm cách TP.HCM khoảng 130km và cách Đồng Nai, Bình Dương khoảng 80 – 130km, sát bên tỉnh Bình Thuận.
Hiện các địa phương đang triển khai nhiều tuyến giao thông như: Xây dựng mới như đường ven biển Vũng Tàu – Bình Thuận, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu…
Hồ Tràm chỉ cách sân bay Long Thành 50km, dự kiến khách quốc tế sẽ ưu tiên chọn Hồ Tràm để vui chơi, nghỉ dưỡng, tắm biển. Vì vậy, bức tranh thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Hồ Tràm trong những năm tới sẽ khởi sắc.
Để đến Hồ Tràm, từ TP.HCM hay Đồng Nai du khách chủ yếu lưu thông trên QL51 hoặc QL56, sau đó vào đường ven biển Vũng Tàu – Bình Thuận hoặc các cung đường nội tỉnh.
Tuy vậy quốc lộ 51 hiện đang quá tải, các tuyến đường trong tỉnh lại đi lòng vòng.
Riêng đoạn từ sân bay Long Thành hiện nay người dân chủ yếu lưu thông trên QL51, đến điểm giáp ranh huyện Long Thành (Đồng Nai) với thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu) rẽ trái vào đường Phước Bình. Từ đây theo đường Võ Văn Kiệt vào các tuyến đường liên huyện, ra đường tỉnh 328, rồi tiếp tục nhập vào đường nội tỉnh, ra đường Vũng Tàu – Bình Thuận để đến Hồ Tràm.
Với cung đường này, thời gian từ vị trí sân bay Long Thành đến Hồ Tràm sẽ di chuyển mất gần 2 tiếng cho quãng đường khoảng 80km.
Nếu có một đường nối thẳng từ Long Thành qua Phú Mỹ đến Châu Đức và qua Xuyên Mộc trực tiếp đến Hồ Tràm thì dự kiến thời gian di chuyển sẽ chỉ còn khoảng chưa đến 1 giờ và quãng đường chỉ gần 50km.
Sẽ có nhiều hướng đi về Hồ Tràm
Như vậy, hiện vẫn chưa có một tuyến đường nào chạy thẳng từ sân bay Long Thành đến Hồ Tràm để rút ngắn khoảng cách và thời gian đi lại.
Sau này khi cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu đưa vào khai thác, du khách cũng dọc theo cao tốc này về TP Bà Rịa rồi theo QL56 ra Hồ Tràm thuận tiện hơn, nhất là khi QL51 đang quá tải.
Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, đang nghiên cứu những tuyến đường ngắn nhất nối vùng biển phía Đông, cảng Cái Mép – Thị Vải đến sân bay Long Thành để phát huy tối đa tiềm năng của địa phương.
Trước mắt, ngoài cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, tỉnh cũng đang tăng tốc hoàn tất các thủ tục liên quan đến đường Vành đai 4 TP.HCM.
Lúc đó, Vành đai 4 sẽ góp phần hút khách từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ về Hồ Tràm thuận tiện hơn.
Từ Phước Hải kéo dài qua Hồ Tràm đến Bình Châu có hàng chục khu nghỉ dưỡng, resort lớn đã đi vào khai thác với lượng khách rất đông, nhất là dịp cuối tuần.
Các khu lớn như: The Grand Ho Tram Strip, Carmelina Beach Resort, Le Palmier Ho Tram, Ho Tram Beach Boutique Resort & Spa, Emerald Hồ Tràm Resort, Meliá Ho Tram Beach Resort, Angsana & Dhawa Ho Tram là nơi thu hút lượng khách đông.
Bên cạnh đó, còn có sân golf The Bluffs Ho Tram, xếp thứ 68 trong 100 sân golf hàng đầu thế giới do Tạp chí Golf Digest bình chọn và là sân golf tốt nhất Đông Nam Á hiện nay.
Chị Minh Vi, một du khách đến từ TP.HCM cho biết vùng biển Hồ Tràm không xô bồ, yên bình nên phù hợp với nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, giao thông kết nối chưa thuận tiện.
Bình thường từ TP.HCM đến Hồ Tràm khoảng hơn 3 giờ đồng hồ, nhưng cuối tuần có khi mất gần 5 giờ mới đến nơi.
“Biển đẹp nhưng đường đi khó nên du khách thường đi Vũng Tàu, thậm chí chạy thẳng ra Phan Thiết theo cao tốc có khi nhanh hơn. Cần có những tuyến đường thẳng kết nối với Hồ Tràm để thu hút du khách”, chị Vi nói.
Tương tự chị Nguyễn Thương – một du khách từ Đồng Nai cũng khá hứng thú trước vẻ đẹp của các khu nghỉ dưỡng lớn ở Hồ Tràm.
Trước thông tin tương lai sẽ có đường nối thẳng từ sân bay Long Thành đến Hồ Tràm, chị Thương bày tỏ niềm vui và sự mong chờ.
“Tôi hy vọng khi có đường lớn, nối thẳng từ Đồng Nai qua đây, người dân, du khách sẽ tìm đến vùng biển này nhiều hơn. Biển đẹp, dài, thoải, các khu nghỉ dưỡng hiện đại nhiều tiện ích, đường sá thuận lợi nữa sẽ rất hút khách”, chị Thương nói.
Ông Nguyễn Công Vinh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết địa phương đang tập trung đầu tư hệ thống giao thông kết nối vùng như cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, cầu Phước An, đường Vành đai 4 TP.HCM.
Đây sẽ là những động lực phát triển mạnh mẽ không chỉ với Bà Rịa – Vũng Tàu mà còn của cả khu vực trong thời gian tới.
Quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng chú trọng đầu tư giao thông kết nối hệ thống cảng biển nước sâu Cái Mép – Thị Vải, Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ gắn với sân bay quốc tế Long Thành. Phát triển vùng biển phía Đông, trong đó có Hồ Tràm.
Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu cho hay, tỉnh đang tập trung đầu tư hạ tầng giao thông kết nối liên tỉnh.
Nhiều chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư được thực hiện để đẩy mạnh kinh tế. Bên cạnh đó, địa phương cũng thành công trong xây dựng môi trường du lịch an toàn, chất lượng.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/ky-vong-tuyen-duong-ket-noi-san-bay-long-thanh-giup-ho-tram-vuon-minh-manh-me-192241205170624777.htm