Sau gần 25 năm, từ khu công nghiệp (KCN) ban đầu là Phan Thiết giai đoạn 1 quy mô 68 ha, đến nay Bình Thuận có 9 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa vào quy hoạch phát triển với tổng diện tích hơn 3.000 ha.
Theo Ban Quản lý các KCN Bình Thuận, hiện toàn tỉnh có 6 KCN với tổng diện tích 1.093,43 ha đã và đang đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo điều kiện để doanh nghiệp thứ cấp đến tìm kiếm cơ hội đầu tư. Đối với 3 KCN còn lại gồm KCN Sơn Mỹ I (1.070 ha) và Tân Đức (300 ha) thì trong giai đoạn triển khai đầu tư, riêng KCN Sơn Mỹ II (540 ha) đang tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. Đặc biệt, đây đều là những KCN có quy mô diện tích lớn, đa ngành nghề và rất gần với các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu…
Tính đến giữa năm 2023, các KCN trên địa bàn tỉnh thu hút được 86 dự án thứ cấp còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư gần 16.000 tỷ đồng và hàng trăm triệu USD. Được biết, diện tích đất công nghiệp cho thuê là hơn 270 ha và đạt tỷ lệ lấp đầy của các KCN đã đầu tư xây dựng khoảng 37%, trong đó có 66 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất – kinh doanh. Dù vậy, ông Phùng Hữu Cư – Trưởng Ban Quản lý các KCN Bình Thuận cho rằng tỷ lệ lấp đầy tại các KCN của tỉnh còn thấp, các dự án thứ cấp đa số có quy mô vừa và nhỏ, suất đầu tư không cao với bình quân khoảng 42 tỷ đồng/ha… Mặt hạn chế và tồn tại chủ yếu do hạ tầng mà nhất là giao thông đối ngoại trên địa bàn tỉnh trước đây chưa hoàn thiện, nhưng nay đã khác vì những “điểm nghẽn” vừa nêu tại địa phương cơ bản đã được khơi thông.
Thực tế cho thấy từ khi cao tốc đoạn Dầu Giây – Phan Thiết, Phan Thiết – Vĩnh Hảo chính thức đưa vào sử dụng thực sự mở ra cơ hội và triển vọng mới để thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà vươn lên. Đặc biệt du lịch Bình Thuận là ngành hưởng lợi sớm nhất với số liệu ghi nhận trong hai tháng gần đây (tháng 5 và 6/2023) đều đón lượng khách tăng cao với hơn 800.000 lượt/tháng… Chính vì vậy mà tại Hội thảo giải pháp thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư vào các KCN trên địa bàn Bình Thuận được tổ chức cuối tháng qua, nhiều ý kiến bày tỏ sự lạc quan về thu hút dự án trên lĩnh vực công nghiệp ở địa phương.
Bởi ngoài tuyến đường bộ cao tốc qua địa bàn tỉnh đã liền mạch, Bình Thuận còn có cảng nước sâu Vĩnh Tân, hiện chuẩn bị đầu tư sân bay Phan Thiết, cảng tổng hợp và kho cảng khí LNG Sơn Mỹ… Thế nên hội thảo vừa được tổ chức tại TP. Phan Thiết là dịp để giới thiệu tiềm năng, cơ hội, kết nối đầu tư vào các KCN của tỉnh khi hạ tầng giao thông trên địa bàn Bình Thuận dần được đầu tư hoàn chỉnh. Tại đây, không những nhà đầu tư hạ tầng KCN trong tỉnh mà đại diện Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Ban Quản lý các Khu chế xuất – Khu công nghiệp cùng một số nhà đầu tư tiềm năng đến từ TP. Hồ Chí Minh cũng đánh giá cao tiềm năng, lợi thế của địa phương. Qua đó kỳ vọng sắp tới đây, các KCN trên địa bàn Bình Thuận có thể thu hút dự án đầu tư như đón lượng khách du lịch đến địa phương tăng cao trong những tháng qua.
Để tận dụng tốt cơ hội thu hút dự án vào các KCN, Bình Thuận cam kết sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và đồng hành cùng doanh nghiệp trong công tác giải phóng mặt bằng, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực dự án đầu tư… Cùng với đó cũng thể hiện sự mến khách, coi trọng và thấu hiểu đối tác, sẵn sàng chào đón nhà đầu tư, doanh nghiệp trong lẫn ngoài nước đến đầu tư vào các lĩnh vực, trong đó có công nghiệp. Từ đó góp phần đưa Bình Thuận trở thành điểm đến đầu tư lý tưởng, tạo điều kiện thuận lợi để các KCN trên địa bàn tỉnh sớm thu hút dự án lấp đầy diện tích cho thuê và hướng tới phát triển bền vững.