Sốt xuất huyết là nguyên nhân làm cho khoảng 100.000 trường hợp phải nhập viện và gần 100 ca tử vong mỗi năm, trong đó có nhiều trường hợp là trẻ em.
Sốt xuất huyết vẫn là mối đe dọa toàn cầu đối với sức khoẻ cộng đồng. Tại Việt Nam, sốt xuất huyết là nguyên nhân làm cho khoảng 100.000 trường hợp phải nhập viện và gần 100 ca tử vong mỗi năm, trong đó có nhiều trường hợp là trẻ em.
Sốt xuất huyết là nguyên nhân làm cho khoảng 100.000 trường hợp phải nhập viện và gần 100 ca tử vong mỗi năm, trong đó có nhiều trường hợp là trẻ em. |
Phát biểu tại một cuộc họp gần đây về dịch bệnh, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do muỗi truyền có tốc độ lây lan nhanh trên thế giới. Bệnh lây lan nhanh chóng về mặt địa lý và ngày càng có thêm nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ mới lưu hành sốt xuất huyết.
Thống kê từ Tổ chức Y tế thế giới cho hay, hiện có khoảng 2,5 tỷ người sống trong vùng sốt xuất huyết lưu hành; trong đó 1,8 tỷ người thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Sốt xuất huyết đe dọa tới sức khỏe, tính mạng của khoảng một nửa dân số thế giới, với ước tính khoảng 100 – 400 triệu ca nhiễm bệnh xảy ra mỗi năm.
Còn theo TS.Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trên toàn cầu tính đến đầu tháng 5/2024 có hơn 7,6 triệu ca sốt xuất huyết được báo cáo, và hơn 3.000 trường hợp tử vong.
Tại khu vực Đông Nam Á, hiện Singapore ghi nhận ca mắc sốt xuất huyết gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023; tại Indonesia, đến tháng 3/2024 đã ghi nhận hơn 21.000 ca mắc và ít nhất 191 trường hợp tử vong.
Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 30.265 ca mắc sốt xuất huyết, 3 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2023 giảm hơn 30% số mắc; riêng số ca tử vong giảm 6 trường hợp.
Đến nay, sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vắc-xin phòng bệnh đã có tuy nhiên chưa được sử dụng rộng rãi. Phòng, chống sốt xuất huyết hiện nay chủ yếu dựa vào phòng, chống véctơ và sự thay đổi hành vi, thói quen của người dân. Các nước có lưu hành sốt xuất đã đầu tư nhiều nguồn lực, tuy nhiên kết quả vẫn còn hạn chế.
Các chuyên gia cho hay, sốt xuất huyết có 4 nhóm huyết thanh gây bệnh, không tạo miễn dịch chéo nên mỗi người có thể mắc bệnh 4 lần trong đời và những lần mắc sau sẽ nặng hơn do sự ảnh hưởng của các phức hợp miễn dịch chéo.
Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời, người bệnh, đặc biệt là các đối tượng có nguy cơ cao như trẻ em, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh mãn tính, béo phì có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như tụt huyết áp, suy tim, suy thận, sốc mất máu, suy đa tạng, xuất huyết não, hôn mê… Với phụ nữ mang thai, sốt xuất huyết có thể gây suy thai, sinh non, thai chết lưu,..
Hiện chương trình phòng, chống sốt xuất huyết được đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia hơn 10 năm qua, đã góp phần đạt 3 mục tiêu là giảm tỷ lệ mắc, giảm tỷ lệ tử vong và khống chế không xảy ra dịch lớn.
Mặc dù vậy, do nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, từ đặc điểm của bệnh; vấn đề biến đổi khí hậu, thiên tai, lụt bão; đô thị hoá, di dân, giao thương du lịch gia tăng; các hành vi, thói quen của người dân đến các khó khăn về nguồn lực đầu tư và hạn chế trong phối hợp liên ngành nên việc kiểm soát, phòng, chống sốt xuất huyết ngày càng gặp nhiều khó khăn và thách thức.
Bộ Y tế xác định công tác phòng, chống sốt xuất huyết không chỉ là vấn đề của riêng ngành Y tế mà cần sự vào cuộc các cả hệ thống chính trị, sự tham gia phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, bạn bè quốc tế, người dân, cộng đồng và toàn xã hội.
Được biết, hiện có 2 vắc-xin đã được Tổ chức Y tế thế giới tiền thẩm định và một số nước cấp phép là: Vắc-xin CYD-TDV và vắc-xin TAK-003 (hiện đã được Bộ Y tế Việt Nam cấp đăng ký lưu hành).
Vắc-xin CYD-TDV là vắc xin phòng chống sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra đầu tiên được cấp phép trên thế giới vào tháng 12 năm 2015 tại Mexico.
Vắc-xin này sử dụng cho các đối tượng trong độ tuổi từ 9 đến 45 đang sinh sống trong vùng lưu hành dịch. Vắc-xin Dengvaxia là vắc-xin sốt xuất huyết Tứ giá, sống giảm động lực do bộ phận vắc xin của tập đoàn Sanofi – Sanofi Pasteur nghiên cứu và phát triển.
Theo thông tin chính thức từ Tổ chức Y Tế Thế giới (WHO), hiệu quả bảo vệ cơ thể khỏi virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết của vắc xin này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm độ tuổi, số lần tiêm và tuýp virus Dengue đang lưu hành tại địa phương.
Vắc-xin CYD-TDV hiện tại vẫn chưa được WHO tiền thẩm định chất lượng nên chưa được lưu hành toàn thế giới mà chỉ được phép lưu hành tại một số quốc gia nhất định có cơ quan quản lý quốc gia cấp giấy chứng nhận lưu hành.
Vắc-xin phòng bệnh sốt xuất huyết của Takeda có tên là TAK-003 (được đăng ký thương hiệu là QDENGA), đã được cấp phép sử dụng tại hơn 30 quốc gia, bao gồm Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Anh, Argentina và các quốc gia có tình hình dịch tễ sốt xuất huyết tương tự Việt Nam như Indonesia, Brazil và gần đây là Thái Lan.
Kết quả thử nghiệm đã cho thấy vắc xin này có khả năng tạo phản ứng miễn dịch đối với cả 4 chủng virus Dengue đang lưu hành trên toàn cầu, giúp phòng bệnh và giảm nguy cơ nhập viện đối với những người mắc sốt xuất huyết.
Theo Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA), vắc-xin QDENGA đã được duyệt sử dụng cho các đối tượng từ 4 tuổi không phân biệt đã từng nhiễm bệnh hay chưa.
Theo TS.Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, cùng với các biện pháp giám sát và kiểm soát muỗi vằn, vắc-xin an toàn và hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong việc giảm gánh nặng sốt xuất huyết.
Thành tựu vắc-xin sốt xuất huyết được các chuyên gia ví là “vũ khí mới đối phó với dịch bệnh”, giúp hàng triệu người được bảo vệ hiệu quả…, tuy nhiên, vắc-xin không phải là giải pháp duy nhất mà phải có sự phối hợp liên ngành chặt chẽ giữa các cơ quan của Việt Nam.
Nguồn: https://baodautu.vn/ky-vong-ngan-sot-xuat-huyet-bang-vac-xin-d218933.html