Năm 2025 sẽ đánh dấu một bước chuyển mình mạnh mẽ của TP.HCM khi hàng loạt dự án giao thông trọng điểm được khởi công và đưa vào khai thác.
Loạt công trình trọng điểm hoàn thành
Những ngày đầu năm 2025, diện mạo của hạ tầng giao thông đô thị TP.HCM có nhiều thay đổi khi hàng loạt công trình quan trọng được đưa vào sử dụng.
Nút giao An Phú sẽ hoàn thành trong năm 2025, kết nối cao tốc TP.HCM - Long Thành và sân bay Long Thành.
Ở phía Đông, các dự án như cầu Nam Lý, Bà Dạt, Giồng Ông Tố (thuộc nút giao An Phú) và một phần đường Lương Định Của đã hoàn thành, giúp kết nối thuận tiện hơn giữa TP Thủ Đức với trung tâm thành phố.
Ở khu vực phía Nam, các cây cầu quan trọng như cầu Rạch Đỉa, Phước Long cùng hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ đã chính thức thông xe, cải thiện tình trạng ùn tắc trên tuyến đường huyết mạch.
Với cửa ngõ phía Tây, các tuyến đường Tên Lửa, cầu - đường Tân Kỳ Tân Quý, cầu Bà Hom và một phần quốc lộ 50 cũng đã hoàn thành, giúp giao thông giữa TP.HCM và các tỉnh miền Tây trở nên thông thoáng hơn.
Ngoài ra, các dự án nâng cấp, mở rộng đường Dương Quảng Hàm, Hoàng Hoa Thám, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, cải tạo kênh Hàng Bàng đã cơ bản hoàn thiện. Những công trình này không chỉ giúp giảm bớt áp lực giao thông mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Mở rộng kết nối vùng
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) cho biết, với những dự án hoàn thành trong năm 2024, có thể nói Ban đã "trả nợ" gần hết các công trình tồn đọng nhiều năm trước đó do vướng mặt bằng.
Những công trình này có tổng vốn đầu tư không thực sự lớn, nhưng góp phần quan trọng vào việc kết nối các quận, huyện trong thành phố, góp phần giải quyết bài toán ùn tắc giao thông.
Theo ông Phúc, 2025 được xác định là năm của những dự án kết nối liên vùng. Theo đó, hàng loạt dự án sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác như: Toàn bộ dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 50 giúp kết nối TP.HCM với Tiền Giang. Dự án nút giao An Phú sẽ khơi thông cửa ngõ phía Đông, kết nối cao tốc TP.HCM - Long Thành và sân bay Long Thành.
Dự án Vành đai 3, trong đó đoạn trên cao từ nút giao Tân Vạn đến cao tốc Long Thành qua cầu Nhơn Trạch cũng sẽ được đưa vào khai thác, kết nối thuận tiện với Đồng Nai.
Đoạn cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ đưa vào khai thác 22km từ Long An đến huyện Nhà Bè, mở thêm hướng về miền Tây, chia tải cho cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Những dự án mang tính chiến lược
Cùng với các công trình hoàn thiện, TP.HCM sẽ khởi công cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, đẩy nhanh tiến độ đường Vành đai 3, thông qua chủ trương đầu tư đường Vành đai 4. Đồng thời, mở rộng các tuyến cao tốc cửa ngõ như TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP.HCM - Trung Lương... Đây đều là những dự án mang tính chiến lược, góp phần giảm áp lực giao thông và thúc đẩy liên kết vùng.
Đặc biệt, Ban giao thông cũng sẽ khởi công một số dự án để hoàn thiện trục Bắc - Nam như cầu đường Bình Tiên, cầu đường Nguyễn Khoái, mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ; Phối hợp với Sở GTVT chuẩn bị đầu tư, nghiên cứu 40 dự án, gồm những trục giao thông rất lớn như trục động lực 50B kết nối TP.HCM - Long An, cầu vượt thép tại các nút giao như ngã bảy, ngã sáu, Công trường Dân Chủ.
Trong năm, TP.HCM cũng khởi động một số dự án trước đây chưa bố trí được vốn như đường 15B, chuẩn bị khởi công cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4 và các tuyến đường trên cao.
Tương tự, đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM cho biết, trong năm 2025, đơn vị sẽ đẩy nhanh thực hiện loạt dự án trọng điểm như cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên; rạch Xuyên Tâm; nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường bờ bắc kênh Đôi; cải tạo hệ thống thoát nước các đường Nguyễn Văn Khối, Lê Văn Thọ... cùng một số dự án xây dựng công viên, chỉnh trang đô thị TP.
Với các công trình trọng điểm, ông Lương Minh Phúc đánh giá, năm 2025 cũng sẽ là năm của các cơ chế đặc biệt. Trong đó, Nghị quyết 98 và các cơ chế đặc biệt của đường Vành đai 4 giúp việc tách dự án giải phóng mặt bằng và dự án xây lắp riêng biệt.
Cùng với đó sẽ phân cấp, phân quyền cho các địa phương để phê duyệt cho các dự án nhóm B, C... nhằm rút ngắn quy trình xử lý nhà thầu vi phạm hợp đồng trong quá trình thực hiện. Từ đó, sẽ góp phần đảm bảo tiến độ thi công, trách nhiệm của các đơn vị tham gia dự án.
"Với những bài học kinh nghiệm, các cách làm hay từ những dự án đi trước, với cơ chế đặc thù mà Quốc hội cho phép sẽ giúp thành phố chủ động, đẩy nhanh tiến độ, triển khai các dự án một cách thuận lợi", ông Phúc nói.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, trong năm 2025, TP sẽ hoàn chỉnh kế hoạch triển khai thực hiện đề án Phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM theo Kết luận số 49 của Bộ Chính trị, phấn đấu trong tháng 2/2025 sẽ trình Quốc hội cơ chế chính sách đặc thù để đưa vào chương trình xây dựng nghị quyết.
Ông Lâm đánh giá, đây là các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để thực hiện hệ thống metro một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Hiện, TP.HCM đang nghiên cứu, lập báo cáo tiền khả thi 5 dự án BOT theo Nghị quyết số 98 của Quốc hội, phấn đấu hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và khởi công ít nhất 2 dự án trong năm 2025.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/tphcm-ky-vong-lon-tu-loat-du-an-giao-thong-trong-diem-192250206193720384.htm
Bình luận (0)