Mặc dù tình hình kinh doanh quý 4/2023 có sự cải thiện, nhưng không đủ để giúp các doanh nghiệp ngành dệt may khởi sắc. Nhiều tín hiệu và kỳ vọng tích cực năm 2024, song, khó khăn vẫn sẽ còn.
Số liệu từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), năm 2023 kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt khoảng 40,3 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2022 và thấp hơn nhiều so với mục tiêu ban đầu mà ngành đặt ra (47-48 tỷ USD).
Ngoài đơn hàng sụt giảm, đơn giá sản xuất cũng giảm bình quân 30%, thậm chí, một số chủng loại giảm đến 50%.
Được kỳ vọng sẽ hồi phục vào quý 4/2023 do nhu cầu mua sắm dịp cuối năm tăng cao, nhưng, trong bối cảnh khó khăn chung, dù đơn hàng đã có sự cải thiện, kết quả kinh doanh quý 4 và năm 2023 của ngành dệt may vẫn khá ảm đạm.
Thậm chí, nhằm tiết kiệm chi phí, nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm một lượng lớn người lao động.
Lợi nhuận lao dốc, mạnh tay cắt giảm lao động
Lợi nhuận về mức thấp nhất trong 7 năm qua, CTCP Sợi Thế Kỷ (STK, HOSE) chỉ thu về 87,3 tỷ đồng lợi nhuận, giảm mạnh 64% so với năm 2022. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc doanh thu giảm tới 33% so với cùng kỳ.
Theo kế hoạch đề ra cả năm, STK mới hoàn thành được 66% doanh thu và 35% lợi nhuận.
Diễn biến doanh thu và lợi nhuận tại CTCP Sợi Thế Kỷ 10 năm qua
Đáng chú ý, tổng tài sản tính đến hết năm 2023 tại STK đã tăng lên 2.975 tỷ đồng, tăng tương đương 40% so với thời điểm đầu năm. Chủ yếu đến từ khoản nợ phải trả tăng vọt gấp 2,3 lần so với thời điểm đầu năm, lên 1.347 tỷ đồng, chiếm 55% tổng tài sản.
CTCP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (TCM, HOSE) thu về 3.325 tỷ đồng doanh thu thuần trong năm 2023, giảm 23% so với năm 2022. Nhưng do chi phí thu thuế hoãn lại cao, gấp 3 lần tại 2,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm hơn nửa so với năm ngoái, tại 133,8 tỷ đồng.
Với kết quả này, TCM mới thực hiện được 76% doanh thu và 49% lợi nhuận theo kế hoạch cả năm.
Theo công ty giải trình, kết quả kinh doanh năm 2023 chưa đạt kế hoạch và sụt giảm so với năm 2022 bởi nhu cầu tiêu dùng hàng dệt may giảm mạnh trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều khó khăn, lạm phát kéo dài tại các thị trường xuất khẩu, trong đó, ảnh hưởng mạnh nhất từ thị trường Mỹ và EU. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào nguyên vật liệu, logistics cũng tăng cao.
Năm 2023, không chỉ chịu ảnh hưởng từ bối cảnh khó khăn chung, CTCP Sản xuất kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh – Gilimex (GIL, HOSE) càng thêm khó khi xảy ra tranh chấp hợp đồng mua bán với Amazon.
Mặc dù kết quả quý 4/2023 đã hồi phục khá nhanh, tăng gấp 9 lần so với cùng kỳ nhưng vẫn không thể giúp kết quả khả quan hơn.
Doanh thu thuần năm 2023 giảm mạnh 70,4% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế tại Gilimex cũng bị kéo xuống theo, vỏn vẹn 28 tỷ đồng. Con số này năm 2022 là 361,4 tỷ đồng, giảm hơn 92%, đồng thời, là mức thấp nhất trong 7 năm qua.
Ngoài ra, so với thời điểm quý 3, đến cuối năm 2023, số người lao động tại công ty đã giảm đi đáng kể, khoảng 390 người, xuống còn 968 nhân viên. Trước đó, trong 9 tháng đầu năm 2023, GIL đã từng cắt giảm gần 530 lao động.
Như vậy, chỉ trong 1 năm, số người lao động tại Gilimex đã giảm khoảng 920 người.
Cũng mạnh tay cắt giảm lượng lớn nhân sự, CTCP Garmex Sài Gòn (GMC, HOSE) đến hết năm 2023, chỉ có vỏn vẹn 35 nhân viên, như vậy, so với thời điểm đầu năm 2023, nhân sự tại Garmex đã giảm gần 2.000 người.
Tính chung 2 năm gần đây, công ty đã cắt giảm gần 3.800 nhân sự.
Diễn biến lợi nhuận tại CTCP Garmex Sài Gòn 10 năm qua
Cả năm 2023, Garmex chỉ thu về 8,3 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 97% so với cùng kỳ; lợi nhuận âm tới 52 tỷ đồng. Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp lỗ của doanh nghiệp này.
Theo giải trình, trong quý 4/2023, công ty không có đơn hàng, điều này khiến công ty tiếp tục lỗ, dù đã tiết giảm các chi phí.
Một vài “điểm sáng” tạo nên kỳ vọng
Khép lại năm 2023, mặc dù đã được dự báo trước về những khó khăn, các doanh nghiệp đã thận trọng trong việc đề ra kế hoạch, nhưng, chỉ có vài doanh nghiệp dệt may có kết quả vượt kế hoạch lợi nhuận năm.
Trong đó, điển hình là Tổng Công ty May Hưng Yên (HUG, UPCoM) hoàn thành 92% doanh thu và vượt 121% lợi nhuận kế hoạch cả năm khi đạt lần lượt 690,5 tỷ đồng và 75,8 tỷ đồng.
Cùng vượt chỉ tiêu, Tổng Công ty May10 (M10, UPCoM) hoàn thành gần 100% doanh thu và 112% lợi nhuận theo kế hoạch năm khi doanh thu thuần đạt 4.139 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 123,4 tỷ đồng.
Ngoài ra còn có những cái tên như Tổng Công ty cổ phần May Việt Tiến (VGG, UPCoM), CTCP Dệt may Huế (HDM, UPCoM),… đã cố gắng hoàn thành kế hoạch cả năm.
Tình hình xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam tháng 1/2024 xuất hiện tín hiệu tích cực, kim ngạch xuất khẩu tăng gần 29% so với cùng kỳ. Các chỉ số sản xuất của ngành cũng tăng cao, đặc biệt là sản xuất vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 57%.
Với những kết quả trên, nhiều kỳ vọng một năm khởi sắc với ngành dệt may. Năm 2024, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đưa ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu toàn ngành khả quan tại 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2023.
Đánh giá từ nhiều tổ chức tài chính cho thấy, triển vọng đơn hàng trong năm 2024 của ngành dệt may sẽ ở mức tích cực, tuy nhiên, khó khăn vẫn sẽ còn.
Theo báo cáo của SSI Research, căng thẳng ở Biển Đỏ có thể gây hiệu ứng gợn sóng đến hoạt động kinh doanh quý 1/2024 của các doanh nghiệp xuất khẩu. Năm 2024, kỳ vọng biên độ lãi gộp của các công ty dệt may sẽ dần cải thiện lên mức 14-15%, do nhu cầu phục hồi chậm xuyên suốt cả năm.