Doanh nghiệp cam kết đảm bảo 85% nguồn vốn
Tập đoàn CT Group vừa gửi Chính phủ văn bản đề xuất thực hiện tuyến đường sắt tốc độ cao TP.HCM – Cần Thơ theo phương thức đối tác công – tư (PPP). Bên cạnh những thông tin về hướng tuyến, quy hoạch các nhà ga tương tự phương án đã được liên danh tư vấn TEDI SOUTH – TRICC – TEDI báo cáo Bộ GTVT, phía CT Group dự kiến sẽ liên danh với Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc, Tập đoàn Xây dựng điện Trung Quốc; đồng thời, đang nghiên cứu thỏa thuận để nhận gói hỗ trợ tài chính cho dự án từ các tổ chức tài chính lớn như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng Quốc gia Trung Quốc để đảm bảo nguồn tài chính cho dự án. Trong tổng mức đầu tư dự kiến 9,98 tỉ USD (hơn 242.000 tỉ đồng), liên danh góp vốn tỷ lệ 85%, nhà nước khoảng 15%.
Ngoài ra, doanh nghiệp (DN) này đề xuất lập phương án phát triển đồng bộ 12 khu đô thị ga dọc tuyến theo mô hình TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng), giúp rút ngắn thu hồi vốn từ 50 năm xuống 25 năm và tạo sự phát triển cho các tỉnh, thành. Khi đó, mỗi nhà ga sẽ là công trình hiện đại mang bản sắc của mỗi tỉnh. Từ ga đến bán kính 500 m là vành đai thương mại dịch vụ, khu dân cư, khu công nghệ; vòng ngoài bán kính 10 km là logistics và nông nghiệp công nghệ cao theo định hướng đô thị xanh.
Theo lý giải của lãnh đạo CT Group, trong quá trình làm việc với các cổ đông có kinh nghiệm trong đường sắt thành công ở Malaysia (cũng là đơn vị làm tuyến đường sắt nối liền giữa Malaysia và Singapore) cùng WB, các chuyên gia của WB đã khuyến cáo nếu làm được việc phát triển đồng bộ giữa giao thông và khu công nghiệp, khu thương mại quanh trục giao thông đó thì dự án đường sắt cao tốc mới có thể thành công. Nếu chỉ làm giao thông thuần túy thì gần như không khả thi về phương án tài chính. Do đó, CT Group đã chủ động cấu trúc liên doanh với đầy đủ các đơn vị có thể làm được module trong một cấu trúc kinh tế như vậy.
“Vị trí địa lý ĐBSCL khá đặc biệt, là một trong những đồng bằng có giá trị nhất thế giới, mưa thuận, gió hòa, đất đai màu mỡ, tuy nhiên người dân miền Tây vẫn bỏ xứ đi làm ở nơi khác. Những tiềm năng to lớn từ ĐBSCL còn quá nhiều dư địa phát triển về mặt giao thông, dư địa phát triển về mặt kinh tế, hạ tầng xã hội. Tuy nhiên, vì chúng ta không có đủ sức để cùng làm một lúc, nên cần có sự ưu tiên. Tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM – Cần Thơ sẽ mang lại đột phá và sự phát triển cho khu vực miền Tây, mang tính chất lột xác cho miền Tây”, lãnh đạo CT Group kỳ vọng.
Việc DN đảm bảo góp vốn tới 85% tổng vốn đầu tư đã mở ra cơ hội rất lớn đưa “giấc mơ” đường sắt cao tốc của bà con vùng ĐBSCL thành hiện thực; bởi trước đó lãnh đạo Bộ GTVT cũng thừa nhận nguồn vốn là một trong những thách thức lớn nhất của dự án đường sắt cao tốc TP.HCM – Cần Thơ nói riêng cũng như việc hoàn thiện hạ tầng khu vực ĐBSCL nói chung. Theo Bộ GTVT, nhu cầu về đầu tư phát triển hạ tầng giao thông của cả nước rất lớn. Danh mục dự kiến đầu tư các dự án từ 2026 – 2030 khoảng 200.000 tỉ đồng. Hết giai đoạn này phải xây dựng kế hoạch đầu tư công sau 2030, trong đó sẽ xem xét nhu cầu vốn, hình thức đầu tư… Riêng vùng ĐBSCL còn có đặc thù là địa hình bị chia cắt lớn, địa chất yếu khi sông rạch nhiều. Những công trình lớn thường phải xử lý thêm phần địa chất yếu khiến suất đầu tư các dự án hạ tầng giao thông rất cao. Vì thế, dù số tiền bỏ ra lớn nhưng số lượng công trình, chiều dài các tuyến đường cũng như quy mô còn khiêm tốn. Với đặc thù như thế, Bộ GTVT khi nghiên cứu các dự án đều mong có được dự án tốt để kêu gọi được các nguồn lực đầu tư từ xã hội trong bối cảnh nguồn lực của đất nước còn hạn chế.
“Nhưng với khu vực ĐBSCL thì lựa chọn dự án tốt về bài toán tài chính cũng rất khó. Đường sắt TP.HCM – Cần Thơ dài 174 km nhưng theo tính toán sơ bộ thì vốn đầu tư lên tới hơn 7 tỉ USD, tương đương gần 170.000 tỉ đồng, rất lớn. Do đó, việc phát triển các khu công nghiệp, dự án xung quanh tuyến đường để có hiệu quả nhằm hỗ trợ cho hoạt động đầu tư, nâng cao tính khả thi về tài chính cho dự án là rất hợp lý”, lãnh đạo Bộ GTVT nêu quan điểm.
Đột phá kinh tế toàn vùng
Theo phương án đang được Bộ GTVT nghiên cứu, đường sắt cao tốc TP.HCM – Cần Thơ là tuyến đường đôi, sử dụng khổ đường sắt tiêu chuẩn 1.435 mm, tốc độ thiết kế khoảng 190 km/giờ cho tàu khách và 120 km/giờ cho tàu hàng. Như vậy, sau khi hoàn thành, thời gian đi từ Cần Thơ đến TP.HCM chỉ mất 75 – 80 phút.
Đơn vị tư vấn đánh giá đường sắt có ưu điểm nổi bật hơn so với các phương tiện vận tải khác. Một tuyến đường đôi khổ 1.435 mm có năng lực vận tải bằng 10 tuyến đường bộ cao tốc 10 làn. Đây là phương tiện có khối lượng chở lớn, an toàn, đúng giờ… và có thể phát triển giao thông kết hợp đô thị xung quanh các khu vực nhà ga hành khách và ga hàng hóa (mô hình TOD). Trong khi đó, dự báo mật độ giao thông dọc hành lang khu vực Đông Nam bộ và ĐBSCL rất lớn, đến 2055 đạt khoảng 27 triệu hành khách/ngày đêm và 54 triệu tấn hàng hóa/ngày đêm nhưng hiện các phương thức vận tải chưa đáp ứng được. Đây là điểm nghẽn cản trở phát triển khu vực ĐBSCL. Vì thế, trước 2034 phải hình thành tuyến đường sắt cao tốc này để san sẻ áp lực vận tải, đáp ứng nhu cầu vận tải, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của toàn vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Khi làm việc với Bộ GTVT và các tỉnh, thành về dự án này, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng nêu quan điểm cần tiếp cận dự án dưới góc độ giao thông phải đi trước, định hướng mở đường tạo không gian phát triển, đóng góp vào định hướng phát triển kết nối vùng ĐBSCL, tạo ra động lực mới cho kinh tế toàn vùng trọng điểm phía nam. Từ đó, đánh giá đúng mức sự cần thiết của dự án này. Với cách tiếp cận như vậy, ông Phan Văn Mãi cho rằng cần gấp rút triển khai sớm, hoàn thành cơ bản hồ sơ trước năm 2025, thực hiện dự án trong giai đoạn 2025 – 2030. Lãnh đạo TP.HCM cũng ủng hộ việc kêu gọi xã hội hóa và hình thành các ga đô thị dọc tuyến. Các mô hình ga đô thị rất quan trọng, giúp định hình lại đô thị, tái cấu trúc dân cư và tái cấu trúc cơ sở hạ tầng cho sản xuất, dịch vụ, từ đây có nguồn lực để thực hiện dự án.
Là người từng tham gia làm chủ nhiệm đề án tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM – Cần Thơ, ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM, khẳng định đây là công trình có ý nghĩa quan trọng. Khi đã có DN quan tâm và cam kết về tài chính thì cần nhanh chóng được triển khai thực hiện. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ đem lại lợi ích rất lớn cả về kinh tế, văn hóa và xã hội cho cả vùng kinh tế lớn phía nam. TP.HCM là trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía nam thuộc miền Đông Nam bộ, TP.Cần Thơ là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL, cửa ngõ của vùng tây Nam bộ. Dự báo của đoàn nghiên cứu JICA (Nhật Bản) cho biết đến năm 2030, khối lượng vận tải hành khách trên hành lang TP.HCM – Cần Thơ sẽ tăng 4,8 lần so với năm 2008, khối lượng vận tải hàng hóa cũng sẽ tăng 3 lần. Việc đầu tư xây dựng đường sắt nối hai trung tâm kinh tế lớn phục vụ phát triển kinh tế, an ninh, quốc phòng là cần thiết.
“Các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc rất chú trọng phát triển đường sắt cao tốc, loại hình vận tải này có khả năng cạnh tranh được với hàng không và đường bộ. Từ TP.HCM đi Cần Thơ chỉ mất 75 – 80 phút, đây sẽ là điều kiện rất tốt để thông thương, thúc đẩy kinh tế, giao lưu văn hóa liên vùng. Đồng thời, khối lượng vận tải lớn sẽ tiết giảm đáng kể tình trạng kẹt xe, quá tải đường bộ, giảm khí thải, giảm ô nhiễm môi trường”.
Ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM