Tạo dấu ấn trong hoạt động lập pháp
Trình Quốc hội lần đầu tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cơ bản được các đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết, mục đích, quan điểm sửa đổi Luật và nội dung chính của dự thảo Luật.
Sau Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chủ trì phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Đồng thời, tổ chức các cuộc làm việc với bộ, ngành, cơ quan có liên quan; cử đại diện tham gia một số cuộc hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý để có thêm thông tin và cơ sở thực tiễn phục vụ công tác giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật.
Nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật đã được Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 3/2024; sau đó được tiếp thu, chỉnh lý để trình xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 (tháng 3/2024) và gửi lấy ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan có liên quan. Đồng thời, Dự thảo Luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Chính phủ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý có nhiều điểm mới, tiến bộ, đưa ra những cơ chế vượt trội để Hà Nội có thể phát triển…
Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có 7 chương và 54 điều. Dự thảo Luật đã bổ sung, chỉnh lý nhiều nội dung để thực hiện chủ trương tăng cường phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền TP Hà Nội trên một số lĩnh vực.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, Dự thảo Luật đã tập hợp, bổ sung, sắp xếp lại các quy định về nguyên tắc và các nội dung cụ thể về phân cấp, ủy quyền trong Dự thảo Luật do Chính phủ trình để quy định thành một điều riêng, bảo đảm rõ ràng về chủ thể, đối tượng, nội dung và trách nhiệm trong phân cấp, ủy quyền thay thế cho việc áp dụng các quy định về phân cấp, ủy quyền theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhận định, trong thời gian ngắn, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã phối hợp với các cơ quan liên quan nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ với những sự thay đổi rất đáng kể về nội dung và kỹ thuật lập pháp. Hồ sơ dự án Luật đã được gửi đến các đại biểu Quốc hội nghiên cứu trước Kỳ họp thứ 7, bảo đảm đúng thời gian quy định.
Về cơ bản, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 được hoàn thiện với mức độ cao, không có các nội dung phải đưa ra nhiều phương án để Quốc hội thảo luận, lựa chọn; nghĩa là không còn nội dung có ý kiến khác nhau gây khó khăn cho quá trình lập pháp.
Trở thành động lực dẫn dắt phát triển của cả vùng và đất nước
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (Đoàn tỉnh Lâm Đồng), phạm vi áp dụng Dự thảo Luật tương đối toàn diện, bao quát hầu hết các lĩnh vực, gồm cả tổ chức chính quyền địa phương, việc phân quyền, việc liên kết phát triển mang tính liên vùng… Những “ưu tiên áp dụng” trong hệ thống luật pháp sẽ quyết định đến hiệu quả, hiệu lực thi hành của Luật Thủ đô sau khi được ban hành.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) nhận xét, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có những thay đổi căn bản và mang tính đột phá với tinh thần là trao quyền quyết định nhiều hơn cho Thủ đô trong việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, các quyết định khác biệt so với quy định chung của cả nước.
Tại Kỳ họp này, bên cạnh xem xét, thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), Quốc hội sẽ cho ý kiến về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Để tạo ra định hướng phát triển và mang tính chất đột phá theo các phương án quy hoạch đặt ra thì phải có cơ chế, chính sách để khai thác, huy động, sử dụng tốt nhất các nguồn lực cho phát triển. Cơ chế, chính sách để khai thác, tạo ra nguồn lực tốt nhất để phát triển Thủ đô phải được thể chế hóa thành một khuôn khổ luật pháp.
“Việc Quốc hội xem xét 3 nội dung này cùng với nhau vừa tạo ra định hướng phát triển, vừa đưa ra các phương án để thực thi và đưa ra trong khuôn khổ về mặt pháp lý để tạo ra sự thay đổi, đột phá của Thủ đô trong thời gian tới” – đại biểu Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.
Trong khi đó, đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn tỉnh Bắc Giang) đánh giá, sự phát triển của Thủ đô luôn là niềm tự hào chung của cả nước. Thủ đô của Việt Nam sánh vai được với Thủ đô các nước, góp phần nâng vị thế của Việt Nam sánh vai cùng với các nước. Việc hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chính là tạo sức lan tỏa, trở thành động lực dẫn dắt cho sự phát triển của cả vùng cũng như đất nước.
Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể chính sách ưu đãi riêng cho Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy, việc này thể hiện vai trò hạt nhân của Khu công nghệ cao Hòa Lạc đối với việc phát triển đồng bộ các khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố; đồng thời cũng là bước tiếp nối các chính sách ưu đãi sau khi Bộ Khoa học & Công nghệ chuyển giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cho UBND TP Hà Nội quản lý. Dự thảo Luật cũng xác định việc đầu tư cho đường sắt đô thị tại Hà Nội được ưu tiên áp dụng mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) với một số chính sách đặc thù.
Với phạm vi điều chỉnh khá toàn diện, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được kỳ vọng góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật và bảo đảm thực thi pháp luật đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả với các cơ chế, chính sách ưu tiên, vượt trội để phát triển Thủ đô.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/ky-vong-dong-thuan-cao-som-thong-qua-luat-thu-do-sua-doi.html