Quan hệ hợp tác Việt-Mỹ được nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện đã tạo ra kỳ vọng và xung lực cho sự phát triển đột phá trong quan hệ song phương thời gian tới, đặc biệt là lĩnh vực hợp tác công nghệ. Những kết quả hợp tác trong lĩnh vực công nghệ số giữa Việt Nam – Hoa Kỳ sau chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đang được cả 2 bên đặt nhiều kỳ vọng. VietNamNet giới thiệu các bài viết về chủ đề này.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden từ ngày 10-11/9/2023, lãnh đạo hàng loạt các hãng công nghệ Mỹ đã công bố về các dự án đầu tư đầy tham vọng tại Việt Nam: Dự án Trí tuệ nhân tạo (AI) của các công ty Nvidia và Microsoft; Dự án xây dựng các trung tâm thiết kế bán dẫn mới tại Thành phố Hồ Chí Minh của Synopsys và Marvell, kế hoạch khai trương cơ sở đóng gói chip của công ty Amkor trị giá 1,6 tỷ USD tại Bắc Ninh vào tháng 10/2023…

Chuyến thăm Mỹ từ ngày 17-23/9/2023 của Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng thu hút sự chú ý của lãnh đạo các tập đoàn Mỹ, trong đó có SpaceX, Coca-Cola, Pacifico Energy… Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong chuyến công tác, Thủ tướng đã làm việc với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ như Synosyp, Meta, Nvidia… bởi khoa học công nghệ là một trụ cột trong tuyên bố chung của hai nước. Mỹ ủng hộ Việt Nam phát triển ngành bán dẫn, trong đó tập trung vào các vấn đề như chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực tham gia vào khâu thiết kế chip,…

Với các hoạt động dày đặc, chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới Mỹ trong tháng 9/2023 đã thành công tốt đẹp, đạt ở mức cao tất cả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.  Trong ảnh: Đoàn công tác tham gia diễn đàn kinh doanh Việt Nam – Hoa Kỳ.

Kỳ vọng dịch chuyển chuỗi cung ứng

Khi những căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung bắt đầu xuất hiện vào năm 2018, các doanh nghiệp Mỹ thuộc mọi quy mô bắt đầu tìm cách chuyển cơ sở sản xuất sang các thị trường mới nổi như Việt Nam và Ấn Độ. Các doanh nghiệp Mỹ quyết định đa dạng hóa các nhà cung cấp của mình.

Khi dịch Covid-19 bùng phát, các doanh nghiệp Mỹ ngày càng nghiêm túc về vấn đề áp dụng chiến lược “Trung Quốc + 1”, nghĩa là mở rộng các trung tâm sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc, giảm sự phụ thuộc vào một cơ sở sản xuất duy nhất.

Theo báo cáo của Rabobank, năm 2022 ước tính có tới 28 triệu việc làm ở Trung Quốc phụ thuộc trực tiếp vào xuất khẩu sang phương Tây. Các doanh nghiệp Mỹ thuộc mọi quy mô bắt đầu chuyển hoạt động sản xuất sang các thị trường mới nổi như Việt Nam và Ấn Độ để ứng phó với thuế quan và những bất ổn địa chính trị.

Sự tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu và những bước tiến mới trong quan hệ Việt-Mỹ đã khiến Việt Nam đang nổi lên như một nhân tố then chốt trong quá trình chuyển đổi này.

Đa dạng hoá chuỗi cung ứng bán dẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Đối với Mỹ, việc nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên tầm Đối tác Chiến lược Toàn diện mang đến cơ hội củng cố mạng lưới công nghiệp tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của thị trường Mỹ, phù hợp với sự dịch chuyển. Đối với Việt Nam, đây là cơ hội để thu hút đầu tư quy mô lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, củng cố nền tảng công nghiệp của mình.

Nền kinh tế Việt Nam đã có sự tăng trưởng đáng kể trong những năm gần đây. Trong 8 tháng năm 2023, Việt Nam đã thu hút khoảng 18 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, đánh dấu mức tăng 8% so với năm 2022. Các công ty quốc tế lớn như Samsung, LG và Foxconn – nhà cung cấp lớn cho Apple, đã thành lập cơ sở sản xuất tại Việt Nam.

Theo Michael Every – chiến lược gia toàn cầu của Rabobank, mức lương tương đối thấp và dân số trẻ đã mang lại cho Việt Nam lực lượng lao động và thị trường tiêu dùng vững chắc, thúc đẩy hoạt động đầu tư vào Việt Nam.

Alicia García-Herrero, nhà kinh tế trưởng tại Natixis, cho rằng các doanh nghiệp nước ngoài đang “lũ lượt” kéo đến Việt Nam. So với nhiều quốc gia khác trong khu vực, Việt Nam có lợi thế rõ rệt vì là quốc gia đầu tiên trong khu vực xây dựng năng lực chuỗi cung ứng “đa lĩnh vực” từ nhiều năm trước.

Kỳ vọng có cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ chủ chốt

Trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua, Tổng thống Joe Biden đã công bố khả năng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực chip bán dẫn. Mỹ thừa nhận tiềm năng quan trọng của Việt Nam trong việc xây dựng chuỗi cung ứng chất bán dẫn, đặc biệt là khả năng mở rộng năng lực sản xuất ở những khâu sản xuất không thể chuyển về Mỹ.

Tập đoàn Intel – nhà sản xuất chip bán dẫn hàng đầu của Mỹ đã cam kết đầu tư 1,5 tỷ USD xây dựng một nhà máy gần Thành phố Hồ Chí Minh, nơi sẽ là cơ sở thử nghiệm và lắp ráp đơn lẻ lớn nhất trên thế giới.

Ted Osius, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN, mới đây đã dự đoán: “Tầm quan trọng của Việt Nam sẽ tăng lên”, “chúng ta sẽ thấy sự tăng tốc khi nói đến hợp tác trong lĩnh vực công nghệ ở Việt Nam”.

Bán dẫn mở ra tiềm năng hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Mỹ thời gian tới.

Khi bắt đầu khuyến khích các ngành công nghiệp bán dẫn và công nghệ cao khác vào đầu những năm 2010, Việt Nam nhận ra rằng trước tiên phải phát triển “các ngành công nghiệp hỗ trợ” sản xuất vật liệu và linh kiện cho các thành phẩm khác. Quan trọng hơn, thành công trong các ngành công nghiệp chủ chốt như chip bán dẫn không phải là mục đích chính, mà chỉ là sự “hỗ trợ” cho sự phát triển chung của ngành điện tử Việt Nam. Bằng cách đó, Việt Nam hy vọng sẽ đi theo mô hình của những “con hổ Đông Á” trong việc thu hút ngành sản xuất có giá trị thấp hơn, với mục tiêu hướng tới một tương lai công nghệ tiên tiến.

Đáng chú ý, vào năm 2015, Việt Nam đã thông qua hai ưu đãi thuế lớn để thu hút hoạt động đầu tư vào các ngành công nghệ cao tại Việt Nam.

Thứ nhất, Việt Nam đưa ra mức thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi 10% trong 15 năm. Ưu đãi này áp dụng cho các khoản đầu tư vào cả nghiên cứu và xây dựng cơ sở vật chất cho các lĩnh vực công nghệ cao, trong đó chất bán dẫn là ngành ưu tiên.

Thứ hai, Việt Nam quy định miễn, giảm thuế tài sản (tiền thuê đất). Các công ty và tổ chức nghiên cứu xây dựng cơ sở nghiên cứu khoa học được miễn thuế tài sản trong toàn bộ thời hạn thuê đất nếu cơ sở này được sử dụng để nghiên cứu, ươm tạo kinh doanh hoặc tạo nguyên mẫu.

Ngoài ra, để khuyến khích các công ty thuê kỹ sư Việt Nam, thuế giá trị gia tăng (VAT) tiêu chuẩn 10% đối với dịch vụ được giảm xuống còn 5% VAT đối với các hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao. Các hoạt động đủ điều kiện áp dụng bao gồm từ nghiên cứu, tư vấn, chuyển giao công nghệ và đào tạo kỹ thuật… Đó là những điều kiện ưu đãi rất hấp dẫn đối với các công ty công nghệ cao nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ chủ chốt tại Việt Nam sắp tới.

Kỳ vọng về khả năng duy trì tốc độ phát triển kinh tế cao

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán tốc độ tăng trưởng của Việt Nam sẽ chậm lại, giảm từ 8% (năm 2022) xuống còn 5,8% (năm 2023) do tác động từ giá trị xuất khẩu suy giảm. Tuy nhiên, khi so sánh với mức dự báo tăng trưởng toàn cầu trung bình là 3%, tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam vẫn nhanh hơn đáng kể so với nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới, chẳng hạn như Mỹ, Trung Quốc và châu Âu.

Trong một báo cáo nghiên cứu gần đây, công ty quản lý đầu tư, bảo hiểm và dịch vụ tài chính Natixis (Pháp) khẳng định: “Khi phần còn lại của châu Á bị suy thoái, Việt Nam vẫn sẽ là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất”.

Viễn cảnh đó là điều vô cùng hấp dẫn đối với các tập đoàn nước ngoài đang tìm kiếm những điểm sáng trong một môi trường kinh tế ảm đạm. Sự quan tâm đó đã được thể hiện rất rõ vào tháng 3/2023, khi Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN dẫn đầu phái đoàn doanh nghiệp Mỹ lớn nhất từ ​​trước đến nay tới Việt Nam. Phái đoàn bao gồm 52 công ty Mỹ, trong đó cả các tập đoàn lớn như Netflix và Boeing.

Bất chấp những quan ngại về mức độ phát triển cơ sở hạ tầng, nhân lực… tại Việt Nam, các doanh nghiệp Mỹ đang lựa chọn và kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành một đối tác có đủ năng lực thay thế cho hoạt động sản xuất tại Trung Quốc. Đây chính là cơ hội cho Việt Nam khẳng định mình trên bản đồ công nghệ thế giới.

Trong những năm gần đây, giá trị hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Mỹ đã tăng vọt. Theo số liệu của Mỹ, giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ đạt gần 127,5 tỷ USD vào năm 2022, so với 101,9 tỷ USD năm 2021 và 79,6 tỷ USD năm 2020. Năm 2022, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ, tăng 2 bậc so với năm 2020.
Vietnamnet.vn