Cùng với việc tăng lương, Bộ Chính trị cũng yêu cầu đổi mới quản lý nhà nước đối với nhà giáo một cách đồng bộ, gắn với quản lý chuyên môn và chất lượng. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng, đãi ngộ và trọng dụng nhân tài làm việc trong ngành giáo dục.
Chia sẻ với Báo Thanh Niên, nhiều ý kiến, dù là của người ngoài ngành, cũng đồng tình rất cao và kỳ vọng với yêu cầu mạnh mẽ từ Bộ Chính trị, chủ trương này sẽ được các cơ quan chức năng thực thi với quyết tâm cao nhất.
Dù vậy, rất nhiều mong mỏi cũng được nêu ra cùng với chủ trương lương cao nhất, trách nhiệm và tâm huyết của nhà giáo cũng được đề cao để nghề dạy học thực sự xứng với nghề cao quý. Đó còn là mong mỏi khi đồng lương đủ sống, giáo viên sẽ không còn phải tìm cách ép học sinh của mình học thêm tràn lan, làm thêm các việc khác để trang trải cuộc sống… mà sẽ dành thời gian và công sức để trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ.
Một nhà giáo từng gắn bó hàng chục năm với nghề, chia sẻ bà cảm nhận lần này nhà giáo sẽ không còn “mừng hụt” về “lương nhà giáo cao nhất” như những lần chỉ dựa vào lời hứa của các bộ trưởng nữa. Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất, đặt ra yêu cầu ấy nghĩa là đã có tính toán, cân đối về nguồn lực để thực hiện. “Khi nhận đồng lương cao nhất so với ngành nghề khác, lòng tự trọng vốn rất cao trong mỗi nhà giáo sẽ thôi thúc chúng tôi phải cống hiến nhiều hơn”, nhà giáo này chia sẻ.
“Lương nhà giáo cao nhất” cũng đang được đưa vào dự thảo luật Nhà giáo. Khi trao đổi với Thanh Niên về tính khả thi của điều luật này, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ GD-ĐT), dù cho rằng Bộ GD-ĐT không thể trả lời chính xác về vấn đề này vì Bộ không nắm về ngân sách nhà nước, nhưng bày tỏ: “Chúng tôi tin rằng Đảng đã có Nghị quyết 29, Quốc hội có Nghị quyết 27 về tiền lương đều chủ trương lương nhà giáo cao nhất thì đã có tính toán dựa trên cơ sở báo cáo của cơ quan chức năng. Do vậy, chúng ta có thể hy vọng việc này sẽ thực hiện được…”.
Đại diện Bộ GD-ĐT cũng khẳng định, để thuyết phục được với xã hội về “lương nhà giáo cao nhất”, thì chắc chắn yêu cầu đặt ra với nhà giáo trong dự luật cũng phải tương xứng với nghề cao quý, không chỉ về trình độ chuyên môn mà còn là đạo đức, lối sống. Nghề cao quý không thể chấp nhận những nhà giáo có hành vi chưa chuẩn mực. Muốn như vậy, cần khắt khe từ khâu tuyển sinh, đào tạo đến khâu tuyển dụng, sử dụng và chế độ đãi ngộ với nhà giáo.
Các chuyên gia giáo dục dịp này cũng tái khẳng định, nhà giáo là nhân tố quyết định sự thành bại trong sự nghiệp giáo dục của mỗi quốc gia. Bên cạnh các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp thì các quy định pháp luật về vị trí pháp lý của nhà giáo là vô cùng cần thiết và cấp thiết.
Các nội dung về quyền và nghĩa vụ nhà giáo, cơ chế đảm bảo thực thi các quyền và nghĩa vụ đó phải được rõ ràng, cụ thể trong văn bản pháp luật. Qua đó tạo tiền đề cho mỗi nhà giáo tiếp nhận và tự bảo vệ quyền, cũng như tuân thủ các nghĩa vụ luật định, góp phần hoàn thành sứ mệnh của sự nghiệp GD-ĐT.
Nguồn: https://thanhnien.vn/ky-vong-cao-luong-nha-giao-cao-nhat-185240816000819745.htm