(QBĐT) – Tháng tư là tháng có nhiều ký ức, có ký ức của mỗi người và ký ức lịch sử dân tộc. Chính ký ức đã cho ta nhớ lại một thời với bao cảm xúc thiêng liêng, với bao kỷ niệm ân tình, với bao nhung nhớ khó quên.
Có cả ký ức mùa, ký ức của thiên nhiên với bao hoài niệm lưu luyến chợt vun lên, nhóm lên và khơi dậy lan tỏa. Trở về với ký ức là trở về với những gì thân quen, những gì gắn bó để cho ta thêm trân trọng ngày hôm nay, để cho ta thêm tự tin, tự hào với ngày hôm qua. Ký ức như một phiên bản cùng đồng hành cùng cộng hưởng, cùng sẻ chia, cùng giao cảm…
Tháng tư là tháng giao mùa giữa tiết xuân phân đang căng tràn nhựa sống với bao chồi non lộc biếc, với mưa phùn giăng mắc, mở cánh cửa mở sang hè vào hạ với bao nồng nàn ấm nóng. Ôi cái nắng tháng tư, nắng đầu mùa hạ, nắng như rót mật ong, nắng ngọt với hạ non, hạ tinh khôi. Tôi đã viết những câu thơ rạo rực lòng người chớm hạ khi đứng giữa vườn cây được ươm trồng bởi bao bãi bồi phù sa tình nghĩa để cảm nhận cái non tơ, cái lên xanh, cái lấp lánh, cái tươi ròng nở bung và lan tỏa: “Mùa hạ chín khi trời còn xanh vỏ-Chùm rễ cây xòe hút trận mưa giông-Quả thì mọng khi trái còn căng sữa-Lá tơ non thăm thẳm cõi lòng”.
Năm này là năm nhuận vì thế một sự ngẫu nhiên tình cờ rất ý nghĩa của những cái mốc lịch sử, ký ức thiêng liêng của dân tộc lại trùng nhau. Nếu như ngày 29/4 là ngày giỗ Tổ Hùng Vương thì tờ lịch thời gian lật sang ngày 30/4 là Ngày giải phóng miền Nam mang bao hào khí thiêng liêng trầm tích ngàn đời của non nước vào trận đại thắng mùa xuân thống nhất trọn vẹn đất nước.
Có lẽ hòa bình, thống nhất là khát vọng ngàn đời của nhân dân ta. Ngay từ truyền thuyết mẹ Âu Cơ đã thống nhất với một “đồng bào” cùng chung bọc trứng. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong trường ca “Đất nước” nổi tiếng đã viết: “Dù ai đi đâu làm đâu-Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ”-Ngày 10 tháng 3 (âm lịch) hàng năm. Ngày đó, bao người con đất Việt nếu có điều kiện thì trở về đất Tổ Hùng Vương, với miền trung du bao quả đồi bát úp như những mâm xôi xòe ra, những tán cọ như ngọn lửa xanh. Về với đất Tổ, dưới những tán cây cổ thụ xanh mát để dâng hương nhớ về tổ tiên, nhớ về sự tích bánh chưng bánh dày, nhớ về giếng Ngọc soi trong.
Những đoàn người với trăm giọng nói khác nhau, trăm miền quê khác nhau nhưng có chung một tiếng Việt ân tình, tiếng Việt đã chắp cánh cho bao làn điệu dân ca mang âm hưởng bao phong thổ vùng miền, bao luyến láy chấp chới cánh cò trên đồng lúa mênh mông. Hạt nếp trên mâm xôi thơm dâng vua Hùng cũng mang bao phong vị phù sa nắng mưa lụt bão. Dòng dõi “Con Lạc cháu Hồng” như một căn cước văn hóa để định vị một cốt cách, một gia phong, một tinh thần, một ý chí. Mềm mại mà quyết liệt như sóng Bạch Đằng, như sông Hồng, sông Thương, sông Hương, sông Mã. Rắn rỏi mà dẻo dai như thân tre Phù Đồng, như thuyền nan tre sông rạch miền Nam.
Về với đền Hùng tháng 4, ta bồi hồi nhớ lại hình ảnh Bác Hồ kính yêu căn dặn: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta cùng nhau giữ lấy nước”. Vâng, thưa Bác, trong ngày đại thắng mùa xuân năm 1975 có bao chiến sĩ giải phóng quân mũ tai bèo xạm khói thuốc súng, trên những cỗ xe tăng “voi thép” húc đổ cổng dinh Độc Lập đã tiếp nối truyền thống: “Lớp cha trước, lớp con sau-Đã thành đồng chí chung câu quân hành”. Ngày đại thắng chúng con như có Bác cùng hành quân, có Bác cùng ra trận.
Tháng 4 này có một loại hoa rực rỡ mà như âm vang bao âm thanh, đồng vọng bao ký ức. Đó là hoa loa kèn nở bung như những chiếc kèn đồng trong dàn hợp xướng của mùa hạ lắm sắc màu và âm thanh náo nức. Đó không những là hồi kèn chiến thắng mà còn hồi âm của “hồn tử sĩ” tiễn bao đồng đội đã khuất. Hoa loa kèn như một tín hiệu trỏ lối sang mùa hạ mang theo hương đồng gió nội, một màu hoa dung dị thầm kín khiêm nhường giấu mình trong lộng lẫy với màu trắng tinh khiết.
Cái loài hoa chỉ nở một lần, một thời vụ trong năm và cũng chỉ dài hơn một tháng. Cái chớp lóe, cái khoảnh khắc, cái một thời, cái mãi mãi như những dào dạt sóng vỗ vào ký ức. Tháng 4 không chỉ là giao mùa mà còn giao thoa giữa con người với quá khứ hào hùng lịch sử, giữa con người với bao cây cối vạn vật quanh ta. Tháng tư mang bao nỗi niềm, bao cảm xúc, bao hoài nhớ. Hợp âm tháng tư chồng lên bao cung bậc, là ngân dài cộng hưởng, là vọng về bao nhớ thương.
Tháng tư ơi, biết mấy ân tình!
Nguyễn Ngọc Phú