Chiều 11/10, tại Hà Nội đã diễn ra tọa đàm “Hà Nội thời bao cấp: Ký ức qua di sản kiến trúc” với sự góp mặt của nhiều diễn giả trong lĩnh vực kiến trúc, văn hoá.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Hà Nội là một trong số ít các thành phố trên thế giới còn giữ được nhiều kiến trúc thời kỳ đầu xây dựng xã hội chủ nghĩa (XHCN), hay còn gọi là thời bao cấp. Các công trình này gắn liền với cuộc sống nhiều khó khăn nhưng cũng đầy tinh thần lạc quan của những cư dân Hà thành.
Tuy đã mai một theo thời gian, nhưng thật ngạc nhiên là tại Hà Nội vẫn tồn tại một mạng lưới dày đặc các công trình kiến trúc phản ánh cho mong ước xây dựng xã hội theo mô hình mới, hết sức đa dạng và phong phú.
Theo KTS Vũ Hiệp, các công trình kiến trúc giai đoạn 1954-1986 phản ánh một thời đại mới của đất nước, với những nguyên tắc định hình hiện đại, tiến bộ, có giá trị lịch sử, khoa học, xã hội và kinh tế.
Ông Hiệp nhấn mạnh rằng, trong khi di sản kiến trúc thời phong kiến và thời Pháp thuộc hiện diện trong chiến lược xây dựng thương hiệu của Hà Nội thì kiến trúc giai đoạn 1954 – 1986 chưa được khai thác.
Hiện nay chúng ta vẫn còn thiếu chiến lược bảo tồn và quảng bá di sản thời kỳ xây dựng XHCN ở Hà Nội. Hệ quả của điều đó là đối với ngay cả những người đang sinh sống ở Hà Nội, di sản thời kỳ XHCN vẫn còn ở “điểm mờ”.
Đồng quan điểm, TS. KTS Trần Thanh Bình cũng cho rằng, tính thực dụng, bền vững, kinh tế và đầy mỹ quan là phương châm xây dựng các công trình thời bao cấp, mặc dù chúng được tạo ra trong một thời kỳ gian khó, bị bao vây cấm vận.
Là người chứng kiến tất cả những biến đổi của xã hội Việt Nam trong thời kỳ bao cấp, nguyên Giám đốc Bảo tàng dân tộc học, PGS. TS Nguyễn Văn Huy kể những câu chuyện về ước mơ, mong mỏi của các kiến trúc sư khi thiết kế và xây dựng các tòa nhà, các công trình lúc bấy giờ.
Nhắc đến câu chuyện không gian riêng tư và “cuộc cách mạng bếp, xí, tắm” của KTS Trương Tùng, ông Huy nhấn mạnh rằng, dù trong điều kiện không thuận lợi, giới kiến trúc sư Việt Nam vẫn kiên trì, theo đuổi khát vọng xây dựng những công trình tốt nhất và mang lại giá trị cho xã hội.
Được biết, vấn đề bảo tồn di sản kiến trúc thời bao cấp sẽ tiếp tục được thảo luận trong buổi toạ đàm tổ chức vào ngày 15/11 tới đây, trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế năm 2024.
Thu Huyền
Nguồn: https://www.congluan.vn/ky-uc-ha-noi-qua-di-san-kien-truc-thoi-bao-cap-post316464.html