Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ là một dịp để mỗi người dân Việt Nam ta khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tiếp tục và phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng hào hùng. Đây cũng là dịp chúng tôi lại gặp nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp tại căn nhà nhỏ, trong con ngõ giữa phố Lý Nam Đế, Hà Nội.
Nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp quê Hưng Yên, học trung học ở Nam Định, cùng lớp với các nhà lãnh đạo Nguyễn Cơ Thạch, Mai Chí Thọ, nhà báo Thép Mới. Ông từng làm công chức ở Bắc Giang, Hà Giang rồi về Hà Nội dạy tiếng Pháp cho học sinh. Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, như biết bao thanh niên trí thức yêu nước thời bấy giờ, ông hăm hở đi theo sức hút của luồng gió mới, không nề hà công việc, gian khổ, hy sinh đi theo cách mạng. Với học vấn và khả năng viết tin bài ông trở thành một trong những phóng viên đầu tiên của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) và Đài Tiếng nói Việt Nam.
Cuối năm 1949, để chuẩn bị cho việc sáp nhập hai tờ báo Vệ quốc quân và Quân du kích thành Báo QĐND, quân đội xin phóng viên của TTXVN để bổ sung lực lượng. Ông Nguyễn Khắc Tiếp được chọn và ngay tức khắc lên đường. Ngày 20/10/1950, sau gần 3 tháng chuẩn bị, Báo Quân đội nhân dân ra số đầu tiên ở bản Khau Diều, xã Định Biên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, ông trở thành một trong những phóng viên đầu tiên của Báo QĐND.
Nhớ lại thời điểm bắt đầu chiến dịch, bộ đội hành quân lên Tây Bắc tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp cho biết, từ an toàn khu, bộ đội hành quân 500km đường đồi núi nhưng ai cũng có một tinh thần sôi nổi vô cùng, tất cả đều có với tinh thần đồng lòng, với khẩu hiệu tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng.
Nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp chia sẻ: Ngày đó phóng viên nghèo, thiếu thốn đủ đường, máy ảnh không có, chỉ có bút và giấy của nhà in, ánh sáng đèn dầu mang theo…phóng viên thời đó đi ra chiến trường phải đeo bao gạo, đeo súng, đeo cuốc.
“Súng là thứ nặng nhất và đem từ hậu phương đi, để gặp các tình huống đốt xuất có thể sẵn sàng chiến đấu. Gạo chỉ đủ ăn trong 3 ngày đi đường rừng núi, cuốc mang theo để đi đến đâu đào hầm đào hào tới đó, đây vừa làm nơi trú ẩn vừa là nơi nghỉ ngơi. Báo quân đội nhân dân ngày đó được cấp trên quan tâm, coi tuyên truyền cũng là một mặt trận quan trọng. Gian khổ là thế nhưng tất cả ai cũng muốn đóng góp một phần nhỏ bé cho chiến dịch”, nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp tâm sự.
Trước đây báo Quân đội nhân dân được in ở an toàn khu, khi có chiến dịch Điện Biên Phủ có thêm tòa soạn ở tiền phương. Ông nhớ lại: “Báo quân đội ở tiền phương có tất cả 5 người, trong đó có 2 phóng viên, tôi và ông Phạm Phú Bằng. Nơi chúng tôi làm việc chỉ cách sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ 3km, chúng tôi thường đi bộ đến sở chỉ huy mất khoảng 1 giờ đồng hồ đường đèo núi. Ngoài ra còn xuống các trận địa để nắm tình hình”.
Cuộc kháng chiến chống Pháp, gian khổ, thiếu thốn nhưng công tác tuyên truyền cũng được coi là mặt trận quan trọng. Báo Quân đội nhân dân ngày đó vừa làm nhiệm vụ sản xuất vừa in và phát hành. Việc in là sử dụng các chữ ghép vào với nhau để thành bản in, sau đó quét mực lên và in nhân bản, chờ mực khô, mọi thứ đều rất thô sơ như thế.
Ông kể: “Bên cạnh phóng viên còn có một “nhà in” đi theo, gọi là nhà in nhưng chỉ có một vài ba người làm công tác in ấn, báo in xong có một trung đội có nhiệm vụ phát báo cho các chiến sỹ ở mọi nơi, nơi nào xa thì đi phát trước”.
Mặc dù in ấn trong hầm sâu, nhưng mỗi bản in đều được làm tỉ mỉ, trau chuốt để không được có bất kỳ sai sót nào. Mỗi số báo đều sớm được chuyển đến các chiến sỹ ở mặt trận, đều thể hiện tâm huyết của những người làm báo chiến trường.
Từ ngày 28/12/1953 đến ngày 16/5/1954, Toà soạn tiền phương Báo Quân đội nhân dân tại mặt trận Điện Biên Phủ đã in ấn và phát hành 33 số báo ngay trên chiến trường, trở thành kênh thông tin báo chí hiệu quả nhất, một mũi xung kích trong chiến dịch, cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân và dân ở Điện Biên Phủ và cả nước.
Nói về quyết định mang tính bước ngoặt lịch sử trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp nhớ lại: Việc quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh thắng nhanh” sang “Đánh chắc tiến chắc”, tiến hành lui quân và kéo pháo ra. Vào thời điểm đó, để đưa ra quyết định lui quân và kéo pháo ra giữa lúc bộ đội ta vừa trải qua những ngày gian khổ để kéo pháo vào trận địa và đang sẵn sàng chờ lệnh tiến công là rất khó khăn. Nhưng đó cũng là một quyết định hết sức đúng đắn, sáng suốt của Bộ Chỉ huy chiến dịch, đứng đầu là Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp.
Với tâm thế của người chiến thắng, ông kể về thời điểm tiếp cận với tướng Đờ Cát để trao đổi thông tin bằng tiếng Pháp. Ông nói: “Tướng Đờ Cát đã nhận ra sai lầm của mình và thừa nhận thua cả về chiến lược và chiến thuật và họ cũng không ngờ rằng mình lại chiến thắng ở nơi tưởng như bất khả xâm phạm như thế”.
Ngày nay sau 70 năm, trong ánh mắt của chiến sỹ nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp vẫn luôn có ký ức về những ngày tháng gian khổ nhưng đầy hào hùng, đó là năm tháng đẹp nhất của tuổi trẻ. Đó là một giai đoạn tôi luyện thử thách người chiến sỹ làm báo, trải qua những “nếm mật nằm gai” để làm nên một “Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Chiến thắng Điên Biên Phủ vẫn luôn là niềm tự hào, tiếp tục khơi gợi nên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, kết tinh lòng yêu nước từ sức sống bền vững, trí tuệ và sáng tạo của dân tộc Việt Nam. Và những bài báo, những bức ảnh trong chiến thắng Điện Biên Phủ được các nhà báo ghi lại như nhắc nhở, động viên con cháu tiếp tục phát huy tinh thần, hào khí Điện Biên năm nào.