Nhận thức được hạn chế của hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, chưa đủ sức hấp dẫn, chưa đủ mạnh để thu hút các thành phần kinh tế, các tổ chức, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển. Quảng Ninh đã từng bước chuyển đổi phương thức đầu tư, phát triển có trọng tâm, trọng điểm, xác định ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội làm đòn bẩy để phát triển nhanh, bền vững.
Sau quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng, năm 2014 Quảng Ninh công bố 7 quy hoạch chiến lược của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Từ đây, tỉnh đã xác định rõ không gian phát triển theo hướng: Một tâm, hai tuyến đa chiều và 2 mũi đột phá là KKT Vân Đồn và KKT Cửa khẩu Móng Cái. Tâm TP.Hạ Long là trung tâm chính trị – hành chính – kinh tế – văn hóa của tỉnh. Tuyến hành lang Đông – Tây được ví là “đôi cánh” để Quảng Ninh hiện thực hoá mục tiêu phát triển nhanh, mạnh, bền vững, trở thành cực tăng trưởng ở phía Bắc của Việt Nam.
Ngay trong giai đoạn quy hoạch, Quảng Ninh đã định hình rất rõ sự phát triển tuyến hành lang Đông – Tây của tỉnh.
Cụ thể, tuyến hành lang phía Tây được xác định từ TP. Hạ Long đến TX. Đông Triều, hướng tới đồng bằng sông Hồng và Thủ đô Hà Nội. Tuyến hành lang này sẽ phát triển chuỗi đô thị – công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao và du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh; trong đó khu kinh tế ven biển Quảng Yên là hạt nhân, động lực tăng trưởng mới của tuyến phía Tây và của tỉnh. Tuyến hành lang phía Đông, xuất phát từ TP. Hạ Long đến TP. Móng Cái và hướng tới thị trường Đông Bắc Á, sẽ phát triển chuỗi đô thị sinh thái – dịch vụ, thương mại, du lịch tổng hợp cao cấp, nông nghiệp sạch – công nghệ cao và kinh tế biển, lấy phát triển công nghiệp để dẫn dắt nông nghiệp.
Cụ thể, tuyến hành lang phía Tây, các địa phương: Uông Bí, Quảng Yên, Đông Triều ngoài việc sở hữu những giá trị đặc biệt về văn hoá, lịch sử, tâm linh, còn là địa bàn giáp ranh các địa phương khác trong cả nước, có lợi thế lớn để phát triển dịch vụ, cảng biển, logistics, đô thị hiện đại, công nghệ cao…
Đối với tuyến hành lang phía Đông, trọng tâm là các địa phương: Cẩm Phả, Vân Đồn, Móng Cái, vốn từ lâu đã có thế mạnh trong phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch. Từ nền tảng này, có thể định hình để phát triển các ngành này ở mức cao hơn, như: Công nghiệp công nghệ cao; du lịch biển đảo đẳng cấp, quy mô; phát triển chuỗi đô thị thông minh… Các địa phương còn lại trong tuyến hành lang phía Đông, cũng có những lợi thế nhất định để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như Đầm Hà; phát huy bản sắc văn hoá của đồng bào các dân tộc ở Hải Hà, Bình Liêu, Ba Chẽ…