Vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng – Đạ Chomo (H.Lạc Dương, Lâm Đồng) xảy ra sáng 16.12.2014, khiến số phận của 12 công nhân được tính từng giờ, trong bối cảnh trời giá lạnh giữa rừng sâu (ban đêm 7 – 8 độ C) và nước trong hầm mỗi lúc một dâng cao. Do đó cuộc giải cứu thành công 12 công nhân chỉ sau 84 giờ vụ tai nạn xảy ra đã làm nức lòng đồng bào cả nước, được dư luận và báo chí quốc tế ca ngợi.
Huy động tổng lực giải cứu 12 công nhân
Sau khi vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng – Đạ Chomo xảy ra, tỉnh Lâm Đồng đã huy động các lực lượng cứu hộ, cứu nạn đến hiện trường tìm cách giải cứu 12 công nhân mắc kẹt. Tiếp đó, Tổng công ty Sông Đà và Tập đoàn công nghiệp than khoáng sản VN cũng cử lực lượng cứu hộ tinh nhuệ nhất đến Lạc Dương. Lúc đó, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn sau nhiều nỗ lực đã khoan và thiết lập được đường ống tiếp ô xy và bơm cháo vào bên trong cho 12 công nhân. Tuy nhiên, vẫn chưa thể tiếp cận được công nhân mắc kẹt. Vì vậy, tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn và Bộ Quốc phòng hỗ trợ.
Nhận được lệnh, 31 chiến sĩ của Lữ đoàn Công binh 25 (Quân khu 7) mang theo phương tiện máy móc hành quân lên Lâm Đồng, và rạng sáng 17.12 có mặt tại hiện trường. Sau khi khảo sát, xem xét địa hình địa vật, chiều tối cùng ngày, lực lượng công binh cùng Trung tâm cấp cứu mỏ mở đường hầm thứ nhất bên vách phải. Tốc độ đào hầm chỉ đạt 8 m/ngày do gặp nhiều đá. Chưa kể việc vận chuyển sắt, gỗ vào và chuyển đất ra bên ngoài rất khó khăn vì đường hầm hẹp.
Lúc đó, đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó tham mưu trưởng Binh chủng Công binh, Chỉ huy trưởng các lực lượng cứu nạn trong hầm nhận định với tốc độ đào đất đá như vậy phải đào 3 ngày mới tới vị trí các công nhân bị nạn. Do đó, sáng 18.12, Lữ đoàn Công binh 293 cử thêm 65 cán bộ, chiến sĩ mang theo máy móc cùng trang thiết bị chuyên dụng đến hiện trường. Lúc này, đại tá Hùng nghĩ đến phương án mở thêm một đường hầm mới bên vách trái để hy vọng sớm tiếp cận được các nạn nhân.
Được sự thống nhất của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải lúc đó, lúc 17 giờ (ngày 18.12), lực lượng công binh “xung trận” mở thêm đường hầm thứ 2 theo phương pháp “hầm trong cát” mà bộ đội áp dụng rất hiệu quả cả trong thời chiến lẫn thời bình. Mục tiêu để giải cứu các nạn nhân càng sớm càng tốt.
Suốt ngày đêm đào cát, bới đất làm nên kỳ tích
Bám trụ tại hiện trường, PV Thanh Niên chứng kiến lực lượng công binh chia làm 3 kíp làm việc suốt ngày đêm, một kíp 8 – 10 người, ban đầu tiến độ là 4 giờ/kíp, sau rút xuống 3 giờ, rồi 2 giờ/kíp để đẩy nhanh tiến độ. Người nào mệt ngay lập tức có người vào thay thế và hầm thứ 2 đạt tốc độ kỷ lục, bình quân đào 1 m/giờ.
Có mặt trong hầm, phóng viên chứng kiến ngoài việc sử dụng máy đào khí nén để đào, do đường hầm hẹp nên các công việc còn lại như bốc xúc, vận chuyển đất từ ngách ra hầm đều được thực hiện thủ công, bằng công sức, đôi tay của bộ đội…
Phương pháp “hầm trong cát” đã đem lại chiến công bất ngờ. Chưa đầy 24 giờ sau, hầm bên trái tiếp cận và giải cứu được các công nhân bên trong. Cuộc giải cứu 12 công nhân mắc kẹt trong đường hầm nhanh hơn dự kiến. Những người góp công lớn trong chiến tích ấy, không ai khác là lực lượng công binh.
Ghi nhận của PV Thanh Niên tại hiện trường, sau khi 12 nạn nhân được đưa vào các lán trại cấp cứu ổn định, tổ công binh trực tiếp thông hầm mới bước ra khỏi đường hầm. Mồ hôi nhễ nhại, quần áo và đầu tóc lấm lem bùn đất, họ ôm chầm lấy nhau rồi nhảy cẫng lên: “Chiến thắng rồi, chiến thắng rồi”.
Trung úy Nguyễn Văn Tiền, Phó đại đội 3, Tiểu đoàn 32, Lữ đoàn Công binh 293 (Binh chủng Công binh), là người đầu tiên tiếp cận các nạn nhân, kể lại do nước trong hầm dâng cao ngang ngực, nên khi đào thông đường hầm có 1 nam công nhân đầu tiên đã bơi về phía lực lượng cứu nạn. “Tôi mừng trào nước mắt, nhưng đã kịp nén lại, động viên đồng đội nhanh chóng tiếp cận, đưa các nạn nhân ra ngoài, đồng thời trấn an các nạn nhân bình tĩnh, chúng tôi sẽ đưa các anh ra ngoài”, ông Tiền kể.
Còn binh nhất Hoàng Văn Thảo, người thứ 2 vào hầm cứu người, nhớ lại: “Nước trong hầm ngập ngang ngực, trong khi một số nạn nhân đã yếu sức nên chúng tôi phải giúp họ leo lên để thông ra cửa hầm chính. Khi biết đã được cứu, một số người quá xúc động đã lả đi”.
Tôi vẫn còn nhớ, thượng úy Lưu Công Quyết, Phó đại đội 2, là người đã cõng nạn nhân đầu tiên lao ra ngoài cửa hầm cách hơn 500 m. Khi lực lượng cứu hộ bên ngoài kịp đến tiếp nhận nạn nhân thì anh cũng quỵ xuống vì kiệt sức. Sau khi uống nước lấy lại sức, anh Quyết kể: “Khi cửa hầm được thông, nhiều nạn nhân đã lả đi. Tôi vội cõng một anh lao ra phía cửa hầm, dù đường trong hầm ngập nước, lồi lõm, thiếu ánh sáng. Cứu được các nạn nhân thì những cực nhọc, mệt mỏi dường như biến mất”.
Tại buổi gặp gỡ thông tin báo chí sau cuộc giải cứu, lúc đó đại tá (nay là thiếu tướng) Phạm Văn Tỵ, Cục phó Cục Cứu hộ, cứu nạn (Bộ Quốc phòng) kiêm Phó chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia về tìm kiếm cứu nạn, xúc động nói: “Việc giải cứu được 12 nạn nhân mắc kẹt trong hầm thủy điện Đạ Dâng nhanh hơn dự kiến là một chiến công của các lực lượng quân đội để mừng 70 năm thành lập Quân đội Nhân dân VN”.
Thoáng đó 10 năm trôi qua, nay kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội Nhân dân VN, xin gửi lời tri ân đến các lực lượng cứu hộ cứu nạn vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng – Đạ Chomo (có lúc lên tới hơn 700 người), và đặc biệt là lực lượng công binh đã viết nên kỳ tích trong vụ giải cứu thành công 12 công nhân bị nạn trong hầm.
Nguồn: https://thanhnien.vn/ky-tich-cuu-nguoi-cua-cong-binh-trong-vu-sap-ham-thuy-dien-da-dang-da-chomo-185241221231356395.htm