Một trong những bài tập tại những lớp dạy cờ vua năng khiếu cho kỳ thủ nhí, là đánh cờ mà không cần nhìn vào bàn đấu.
Một điểm thường thấy ở kỳ thủ số bốn thế giới Hikaru Nakamura (Elo 2.778), là mỗi khi cần tính toán phức tạp, anh thường ngước mắt nhìn lên trên hoặc sang hai bên, mà không để tâm đến bàn cờ. Cách này giúp anh tưởng tượng tốt hơn các biến thể tiếp theo của thế cờ. Dĩ nhiên kỳ thủ Mỹ gốc Nhật Bản có thể đánh cờ “mù”, tức là không nhìn vào bàn đấu trong suốt thời gian, với đẳng cấp không thua nhiều so với Elo của anh.
Năm 2016, Nakamura từng bịt mắt đánh cờ chớp và siêu chớp trực tuyến với Kiện tướng Quốc tế (IM) Danny Rensch (2.402). Anh toàn thắng, thậm chí có lúc thắng bằng chiếu hết. Mỗi ván đấu, Nakamura chỉ có ba phút với cờ chớp, hoặc một phút với cờ siêu chớp. Anh không nhìn thấy quân cờ nào trên màn hình, chỉ biết các nước đi của đối thủ thông qua ký hiệu. Anh cũng đi quân dựa theo những ký hiệu đó.
Bàn cờ vua hình vuông 8×8 gồm 64 ô, hàng dọc được đánh số từ 1 đến 8, và hàng ngang đánh chữ a đến h. Vì thế mỗi ô cờ sẽ có định vị riêng, chẳng hạn ô ở góc dưới bên trái là a1, góc trên bên phải là h8. Ban đầu mỗi bên có 16 quân cờ, mỗi loại quân cũng có ký hiệu riêng, quy chuẩn quốc tế vua là K, hậu là Q, xe là R, tượng là B, mã là N và tốt không cần ký hiệu. Chẳng hạn nước đi mã từ ô g1 lên ô f3 trước đây ký hiệu là Ng1-f3, sau này tối giản thành Nf3. Còn nước đi tốt từ e2 lên e4 được ký hiệu là e4.
Nhờ các ký hiệu này, kỳ thủ có thể đánh cờ mù, nếu có người thứ ba trợ giúp đi quân thông qua các ký hiệu trên. Đó là trường hợp của kỳ thủ số một thế giới Magnus Carlsen (2.829), khi anh vừa thắng nhà vô địch U8 thế giới Marc Llari (2.017) trong một trận đấu biểu diễn tại Paris hôm 31/10. Carlsen bịt mắt, khoanh tay, nhưng vẫn thắng Llari, chưa đến 40 nước cờ.
Kỳ thủ đánh cờ mù cũng có thể tự cầm quân đi, như khi kỳ thủ số hai thế giới Fabiano Caruana (2.795) đánh biểu diễn với chị em streamer Alexandra Botez (1.977) và Andrea Botez (1.709) hôm 9/8. Caruana bịt mắt, cầm quân tự đi dựa vào cảm nhận về các ô cờ, vẫn thắng hai chị em trong ván đấu năm phút.
Dựa vào Elo của các kỳ thủ kể trên, những cao thủ như Carlsen, Nakamura hay Caruana phải bịt mắt cũng không khác nhiều so với khi họ mở mắt. Ở trình độ này, nhìn vào bàn cờ hay không, cũng không ảnh hưởng đáng kể tới chất lượng các nước đi.
Hầu hết kỳ thủ dù là nghiệp dư cũng có thể đánh cờ mù, nếu được luyện tập. Một kỳ thủ Đan Mạch Martin Justesen có Elo 1.824, từng khảo sát các kỳ thủ về khả năng tưởng tượng rõ ràng thế cờ từ các ký hiệu sau (1. e4 e5 2. Nf3 Nc6 3. Bb5 d6 4. Nc3 Ne7 5. Nd5 g6), theo thang từ 1 đến 5 điểm.. Các kỳ thủ có Elo khoảng 1.200 có mức độ cảm nhận trung bình khoảng 2,5 điểm, còn những kỳ thủ Elo từ 2.200 trở lên có mức độ cảm nhận khoảng 4 điểm. Điều này cũng dễ hiểu bởi kỳ thủ càng chơi nhiều, có trình độ cao, sẽ tưởng tượng thế cờ tốt hơn.
Tuy nhiên, Justesen cho rằng việc luyện tập đánh cờ mù cũng có tác dụng. Điều kiện đầu tiên là kỳ thủ cần biết chơi cờ vua, sau đó họ phải dành một chút thời gian mỗi ngày, sau một tháng, sẽ có thể đánh một ván cờ mù. Vì thế kỳ thủ Elo 1.200, tức là đã biết các nước đi và những khai cuộc cơ bản, cũng có thể đánh cờ mù bằng cách luyện tập.
Khi bắt đầu học cờ vua bài bản, cờ mù đã là một bài tập quen thuộc với các kỳ thủ. Họ có thể quay mặt đi chỗ khác, và nhờ người thứ ba đi quân. Thậm chí họ có thể không cần bàn cờ hay các quân, mà vẫn đấu tập với nhau dựa vào cách nói ra ký hiệu các nước đi với nhau. Vì thế, các kỳ thủ có thể luyện tập ở bất kỳ đâu mà không cần dụng cụ gì, biến cờ thành môn thể thao ít tốn kém bậc nhất.
Đó cũng là một cách tập luyện của các cao thủ, trong đó có Carlsen. “Tôi bắt đầu chơi cờ mù cùng bố, trong lúc hai bố con đi trượt tuyến hoặc leo núi”, kỳ thủ năm lần vô địch thế giới nói với Chess24 năm 2015. “Đây là cách kỳ thủ rèn luyện tâm trí, và rất nhiều bàn tập trong cờ vua có hình thức như vậy”.
Mấu chốt để đánh cờ mù tốt hơn nằm ở khả năng ghi nhớ thế cờ trong đầu. Khi đánh cờ mù, Nakamura nói rằng sẽ chỉ tính trước hai hoặc ba nước đi tiếp theo trước các đối thủ yếu. Còn khi gặp đối thủ trình độ cao, anh sẽ tính khoảng năm, sáu nước. Việc tính các biến sâu hơn sẽ phụ thuộc vào khả năng ghi nhớ của từng kỳ thủ, mà Nakamura tự nhận rằng anh không phải một thiên tài.
Nakamura từng kiểm tra IQ với kết quả là 102, trong ngưỡng bình thường. “Tôi ước mình có thể tự xưng là thiên tài toán học, nhưng như thế là quá xa vời”, anh nói.
Kỳ thủ ở trình độ kiện tướng (khoảng Elo 2.000-2.200) trở lên hầu hết có thể đánh cờ mù, với một chút thời gian luyện tập. Trình độ của họ khi đánh cờ mù chênh lệch như nào so với bình thường, sẽ phụ thuộc vào khả năng tính toán sâu đến đâu. Trong điều kiện bình thường, các kỳ thủ có thể tính trước khoảng 10 nước, hoặc dài hơn thế. Nhưng không phải ai cũng làm được điều đó khi phải bịt mắt.
Nhà vô địch thế giới thứ 14 Vladimir Kramnik được coi là vua cờ mù. Giai đoạn 1992-2011, một giải cờ vua thường niên Amber được tổ chức tại Monaco, mời các kỳ thủ hàng đầu tham dự, trong đó có thể loại cờ mù. Kramnik giữ kỷ lục chín lần vô địch trong thể loại này, còn những kỳ thủ đứng sau chỉ có tối đa bốn danh hiệu.
Trình độ đánh cờ mù còn thể hiện qua số lượng ván đấu đồng thời khi phải bịt mắt, với kỷ lục 48 ván thuộc về Đại kiện tướng 35 tuổi Timur Gareyev (2.570) năm 2017. Nakamura nói rằng anh từng đánh cờ mù với cùng lúc 15 kỳ thủ, còn Carlsen cũng đã bịt mắt đấu với 10 người. Nếu tập luyện nhiều hơn thể loại này, các cao thủ như Carlsen hay Nakamura có thể phá kỷ lục của Gareyev.
Kramnik từng nói, có thể chỉ là đùa, rằng ông muốn bịt mắt thi đấu ở cả những thể loại cờ vua thông thường, tại giải Amber năm 2009. Nhưng với các cao thủ như vậy, bịt mắt hay không cũng không ảnh hưởng nhiều đến kết quả trước những đối thủ trình độ thấp hơn hẳn.
Xuân Bình