Chưa phát hiện trường hợp sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận thi
GS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết: Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tại 2.323 Điểm thi; tổng số phòng thi là 45.149. Các Điểm thi đặt tại địa phương, nơi thí sinh theo học đã giúp thí sinh không phải di chuyển xa, không phải lo chỗ ăn ở, tạo tâm thế bình tĩnh, tự tin hơn khi làm bài, đồng thời không gây áp lực về giao thông tại các thành phố lớn. Các địa phương đều có các giải pháp hỗ trợ tối đa cho thí sinh trong các ngày thi; đảm bảo không để thí sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không đến dự thi theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tất cả các thí sinh, kể cả trường hợp ốm đau, không tự viết bài được cũng đã được tạo điều kiện để có thể tham dự kỳ thi. Các địa phương, nhất là các địa phương có các huyện, xã miền núi, hải đảo đã quan tâm sâu sát đến từng thí sinh là người đồng bào dân tộc, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, huy động các nguồn lực nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh tham gia kỳ thi. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 cũng đã diễn ra trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi trên cả nước.
Công tác chuẩn bị tổ chức thi được thực hiện chủ động, khẩn trương, kỹ lưỡng, chu đáo, toàn diện. Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an để tổ chức rà soát, đánh giá an ninh an toàn của các hệ thống phần mềm quản lý thi bảo đảm phục vụ tốt công tác quản lý, tổ chức kỳ thi. Các phần mềm này đã được tập huấn cho các địa phương, đơn vị trước khi sử dụng; Bộ Công an cũng đã phối hợp, hỗ trợ công tác tập huấn nghiệp vụ coi thi, chấm thi, thanh tra, kiểm tra và kỹ năng phát hiện các thiết bị công nghệ cao để gian lận thi cử. Việc tổ chức coi thi tại tất cả các điểm thi bảo đảm an toàn, nghiêm túc, đúng kế hoạch, đáp ứng yêu cầu tổ chức thi gọn nhẹ, thiết thực, bảo đảm thuận lợi và công bằng cho các đối tượng thí sinh. Theo báo cáo của các địa phương, công tác coi thi của Kỳ thi tại tất cả các Điểm thi diễn ra theo đúng kế hoạch. Số liệu thống kê theo báo cáo của các địa phương và các đoàn thanh tra, kiểm tra cho thấy trong cả kỳ thi có 30 thí sinh thí sinh vi phạm Quy chế thi và bị đình chỉ thi do sử dụng tài liệu và mang điện thoại vào phòng thi; không có cán bộ nào vi phạm quy chế thi. Cho đến thời điểm này, trên phạm vi toàn quốc chưa ghi nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức.
Chia sẻ thông tin về phòng chống gian lận công nghệ cao tại buổi họp báo, Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục An ninh Chính trị nội bộ, Bộ Công an cho biết: Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 15 về bảo đảm an ninh an toàn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Bộ Công an đã ban hành kế hoạch chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn cho kỳ thi.
100% các đơn vị liên quan đã xây dựng kế hoạch bám sát chỉ đạo của Bộ Công an; các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đã phối hợp với Công an địa phương bảo đảm tuyệt đối an ninh an toàn cho Hội đồng ra đề thi và quá trình vận chuyển, giao nhận đề thi đến 63 Hội đồng thi. Công an các đơn vị, địa phương cũng đã phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục tổ chức 63 đợt tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ, giáo viên; nắm vững quy định bảo vệ bí mật nhà nước với đề thi; phòng ngừa, xử lý tình huống gian lận bằng thiết bị công nghệ cao; phối hợp với cơ quan báo chí truyền thông nâng cao nhận thức cho phụ huynh, học sinh, đặc biệt là vấn đề gian lận thi, bảo vệ bí mật đề thi.
Cũng theo Thiếu tướng Trần Đình Chung, các thí sinh vi phạm trong kỳ thi năm nay chủ yếu là mang điện thoại, tài liệu vào phòng thi, chưa phát hiện trường hợp sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận thi… Tuy nhiên, trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp Bộ GD&ĐT để tăng cường đảm bảo an ninh an toàn trong công tác chấm thi. Về thông tin thất thiệt lộ đề thi Ngữ văn vào tối 26/6, trên cơ sở thông tin của Bộ GD&ĐT, Bộ Công an đã rà soát tìm ra đối tượng tung tin thất thiệt này. Nam sinh này đã thừa nhận mình tự dựng clip, đồng thời cam kết không tái phạm.
Sẽ công bố điểm thi tốt nghiệp THPT vào ngày 17/7
Tại buổi họp, phóng viên báo chí đã đặt ra hàng loạt câu hỏi liên quan đến thông tin có hay không việc “lộ”đề thi môn Ngữ văn; việc chấm thi tự luận môn Ngữ văn có đủ độ linh hoạt để chấp nhận quan điểm trái chiều, đa dạng của thí sinh hay không? Ngữ liệu trong đề thi Ngữ văn từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ được xây dựng như thế nào để tránh hiện tượng “đoán” đề thi như hiện nay? Công tác chấm thi, công bố điểm thi sẽ được thực hiện như thế nào trong thời gian tới?
Trả lời câu hỏi liên quan đến đề thi môn Ngữ văn, ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT khẳng định: Không có chuyện lộ lọt đề thi môn Ngữ Văn. Trong đề thi năm nay, chỉ trùng phần ngữ liệu, điều này cũng dễ hiểu vì số lượng tác phẩm trong sách giáo khoa trong chương trình hiện hành và phạm vi ra đề là có giới hạn. Do đó, việc suy đoán đúng tên tác phẩm, tác giả được sử dụng trong đề thi là ngẫu nhiên và có thể xảy ra. Tuy nhiên, đề thi sử dụng toàn bộ tác phẩm hay một phần tác phẩm hoặc một phần cụ thể nào của tác phẩm cũng như yêu cầu (lệnh hỏi) đối với thí sinh là hoàn toàn khác biệt so với suy đoán trước đó.
Liên quan đến công tác chấm thi, ông Nguyễn Ngọc Hà cho hay, mỗi môn thi đều có tiêu chí nhất định về giáo dục. Bên cạnh những gợi ý, hướng dẫn chấm thi thì cũng có phần mở. Nếu thí sinh trả lời đúng định hướng, có tính chất phát triển thì sẽ xem xét để “chấm mở”. Liên quan đến đề thi môn Lịch sử, ở mã đề 319, câu 40, nhiều giáo viên đưa ra phương án trả lời khác nhau, ông Nguyễn Ngọc Hà cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp nhận thông tin này. Việc trao đổi, nắm bắt sẽ được thực hiện không chỉ trong quá trình coi thi mà cả sau kỳ thi. Đây là việc cần thiết.
Thông tin thêm về ngữ liệu trong đề thi Ngữ văn từ Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, kỳ thi đầu tiên theo chương trình GDPT mới, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Sẽ có thêm nhiều ngữ liệu ngoài sách giáo khoa, sẽ hạn chế được học tủ, học lệch, văn mẫu cũng như hiện tượng “đoán đề”. Việc đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cũng sẽ tiếp tục được tổ chức theo hướng giảm tốn kém, áp lực cho học sinh và xã hội nhưng vẫn đủ độ tin cậy để các trường đại học có thể sử dụng kết quả để xét tuyển.
Cũng theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, công tác chấm thi của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 29/6, công bố kết quả thi vào 8h ngày 17/7. Để chuẩn bị cho việc này, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm thực hiện tốt các khâu chấm thi, đối sánh dữ liệu điểm thi, công bố kết quả thi, phúc khảo bài thi, xét công nghiệp tốt nghiệp THPT cho thí sinh và tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2024. Các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia và 63 đoàn kiểm tra chấm thi của Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện kiểm tra công tác chấm thi ở 63 Hội đồng thi trong suốt thời gian diễn ra hoạt động này để tăng cường tính nghiêm minh của công tác chấm thi từ thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc quy trình chấm thi tự luận, chấm thi trắc nghiệm và phúc khảo bài thi bảo đảm đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Nguồn: https://cand.com.vn/giao-duc/ky-thi-tot-nghiep-thpt-2024-chua-phat-hien-tieu-cuc-gian-lan-co-to-chuc-i735844/