Tổng cộng có 889 lượt thí sinh Nhật Bản tham dự kỳ thi năng lực tiếng Việt lần thứ 7 tại Trường Cao đẳng Ngoại ngữ Nhật Bản ở thủ đô Tokyo ngày 16/6.
Thí sinh làm bài thi nghe hiểu tiếng Việt. |
Kỳ thi năng lực tiếng Việt do Hiệp hội Phổ cập, Giao lưu Ngôn ngữ các nước Đông Nam Á tại Nhật Bản tổ chức, với các thí sinh ở nhiều lứa tuổi đến từ nhiều địa phương trên khắp Nhật Bản tham dự.
Thi năng lực tiếng Việt chia thành 6 cấp độ, trong đó cấp thấp nhất là cấp cận 6 – cấp nhập môn tiếng Việt, tiếp theo các cấp độ được nâng dần từ cấp 6 lên đến cấp 1. Cấp 6 là cấp độ có số lượt thí sinh đăng ký thi nhiều nhất với tổng cộng 229 lượt người, tiếp theo là cấp 5 với 201 lượt thí sinh đăng ký tham gia. Cấp 2 – cấp độ khó nhất có thí sinh đăng ký – có lượng thí sinh 73 người, tăng gấp rưỡi so với 48 thí sinh của năm 2023.
Tỷ lệ đỗ trong kỳ thi năng lực tiếng Việt đã tăng dần. Ở kỳ thi đầu tiên, tỷ lệ đỗ trung bình cho tất cả các cấp độ mới chỉ có 16,7% và đến năm 2023 tỷ lệ này đạt khoảng 43,5%.
Chủ tịch Hiệp hội Phổ cập, Giao lưu Ngôn ngữ các nước Đông Nam Á tại Nhật Bản, ông Fujino Masayoshi, bày tỏ vui mừng trước việc kỳ thi năng lực lần thứ 7 có nhiều thí sinh nhất từ trước đến nay.
Ngoại trừ năm 2020 không thể tổ chức do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, Hiệp hội luôn tổ chức kỳ thi hằng năm để tạo cho những người Nhật Bản học tiếng Việt một sân chơi phù hợp để kiểm tra năng lực của mình.
Kỳ thi năm nay đã nhận được sự hưởng ứng đông đảo của các thí sinh từ nhiều địa phương trên khắp Nhật Bản, với tổng cộng có 39 địa phương có thí sinh tham dự. Có các thí sinh từ các địa phương lân cận Tokyo như tỉnh Chiba, Saitama, Kanagawa, Nagano… đến các địa phương cực Bắc và cực Nam của Nhật Bản là Hokkaido và Okinawa. Nhiều thí sinh ở các tỉnh xa đã đáp tàu Shinkansen đến Tokyo sáng 18/6 để tham dự kỳ thi. Thậm chí, có những thí sinh đang làm việc tại Việt Nam cũng trở về Nhật Bản vào dịp này để tham gia kỳ thi.
Độ tuổi trung bình của thí sinh là khoảng 40 tuổi, trong đó thí sinh cao tuổi nhất là 86 tuổi và trẻ tuổi nhất là một học sinh phổ thông 8 tuổi đều đăng ký thi cấp độ cận 6. Cũng như mọi năm, có không ít thí sinh học tập hoặc làm những công việc liên quan đến tiếng Việt như sinh viên khoa tiếng Việt tại các trường đại học, phiên dịch tiếng Việt…
Ngoài ra, nhiều thí sinh cho biết họ học tiếng Việt vì có bạn bè Việt Nam hoặc đã từng đến Việt Nam và trở nên yêu quý đất nước, con người, đặc biệt là những món ăn hấp dẫn của Việt Nam.
Thí sinh Yamamoto Fubito, nhân viên một văn phòng luật Nhật Bản tại thành phố Hồ Chí Minh, có 20 năm sử dụng tiếng Việt. |
Đa số các thí sinh đều cho rằng nghe hiểu là phần thi khó nhất trong tiếng Việt. Thí sinh Okada Shuhei, nhân viên của công ty Japan Finane Corporation, cho biết anh chỉ mới học tiếng Việt được khoảng 5 tháng. Anh biết về kỳ thi năng lực tiếng Việt này thông qua bạn bè và tra cứu trên mạng Internet nên đã quyết định đăng ký tham gia.
Khi nói về lý do học tiếng Việt, anh Okada cho biết lý do đầu tiên là công việc vì anh đang làm việc tại chi nhánh của công ty ở TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, anh cũng muốn tìm hiểu về cuộc sống và văn hóa Việt Nam.
Về văn hóa Việt Nam, điều mà anh ấn tượng nhất là việc người Việt rất coi trọng giá trị gia đình. Đánh giá về cuộc sống tại TP. Hồ Chí Minh, anh cho biết đây là nơi ưa thích của anh với không khí nhộn nhịp, đồ ăn ngon, con người thân thiện, dễ mến và thời tiết ấm quanh năm.
Thí sinh Yamamoto Fubito, nhân viên một văn phòng luật Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh, cho biết anh đăng ký thi cấp 3 và cấp 2, trong đó cấp 2 là cấp cao nhất trong đợt thi năng lực Việt lần này. Tuy nhiên, anh cũng thừa nhận nghe hiểu là phần thi khó nhất và anh ước tính làm được khoảng 70% phần thi này.
Với bề dày 20 năm sử dụng tiếng Việt, anh khá tự tin về khả năng có thể giao tiếp trong cuộc sống hàng ngày ở Việt Nam mà không gặp trở ngại lớn nào. Anh lập gia đình tại Việt Nam nên anh giao tiếp tiếng Việt hằng ngày trong gia đình. Tại công ty, anh cũng sử dụng tiếng Việt để giao tiếp với đồng nghiệp Việt Nam.
Anh cho biết việc tham dự kỳ thi này là vì anh muốn kiểm tra năng lực tiếng Việt bản thân đã đạt đến cấp độ nào và nếu đỗ được kỳ thi này, anh sẽ cảm thấy tự tin hơn. Cũng như anh Okada, anh Yamamoto rất ấn tượng về sự thân thiện của người Việt Nam. Anh cho biết đối với anh, cuộc sống tại TP. Hồ Chí Minh khá thoải mái.
Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Giáo dục phi lợi nhuận Bunsai Gakuen, ông Ise Yoji bày tỏ vui mừng vì năm có số thí sinh dự thi đông nhất từ trước đến nay. Theo ông, điều này thể hiện sự quan tâm đến Việt Nam, ngày càng có nhiều người Nhật muốn học tiếng Việt. Ông cho rằng ngôn ngữ phản ánh khí thế của một quốc gia và tin rằng ngày càng có nhiều người học tiếng Việt. Ông hy vọng tiếng Việt sẽ là một ngoại ngữ được công nhận rộng rãi trên thế giới.
Ông đánh giá Việt Nam đang là một quốc gia đang có tăng trưởng kinh tế nhanh, là nước có sự phát triển nổi bật trong khu vực Đông Nam Á. Ông bày tỏ tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển, tăng trưởng và là quốc gia có vị thế và tầm ảnh hưởng ở trong khu châu Á cũng như trên thế giới.
Chủ tịch Ise Yoji bày tỏ sự tự hào khi là pháp nhân tổ chức kỳ thi năng lực tiếng Việt và là pháp nhân trường học có liên quan đến Việt Nam. Ông cho biết năm nay là năm thứ 7, kỳ thi năng lực tiếng Việt được tổ chức, số thí sinh dự thi qua mỗi năm đều tăng lên. Theo ông, đây là một tín hiệu rất đáng vui mừng. Ông khẳng định Hiệp hội sẽ tiếp tục nỗ lực để kỳ thi này phát triển hơn nữa.
Kỳ thi năng lực tiếng Việt của Hiệp hội Phổ cập, Giao lưu Ngôn ngữ các nước Đông Nam Á tại Nhật Bản được tổ chức định kỳ hằng năm với mục đích chuẩn hóa tiếng Việt và truyền bá tiếng Việt tại Nhật Bản. Theo kế hoạch, kỳ thi năng lực tiếng Việt lần thứ 8 sẽ diễn ra vào ngày 15/6/2025.
Nguồn: https://baoquocte.vn/ky-thi-nang-luc-tieng-viet-tai-nhat-ban-co-so-luong-thi-sinh-khung-275242.html