Sáng 11-6 (tức ngày 24-4 âm lịch), tại Di tích lịch sử Quốc gia Đền thờ Trần Khát Chân, UBND thị trấn Vĩnh Lộc đã tổ chức Lễ kỷ niệm 624 năm ngày mất của Đức thánh Trần Khát Chân – người đã có công đánh dẹp quân xâm lược Chiêm Thành, giữ yên bờ cõi nước nhà.
Các đại biểu dự lễ kỷ niệm 624 năm ngày mất Đức thánh Trần Khát Chân.
Trần Khát Chân sinh năm 1366, là người làng Hà Lãng, huyện Vĩnh Ninh, nay là huyện Vĩnh Lộc. Ông là người có công dẹp giặc Chiêm Thành, giữ yên bờ cõi và được phong Thượng Tướng quân. Ông mất ngày 24-4 năm Kỷ Mão 1399 và được mai táng dưới chân núi Đốn (Đún), thị trấn Vĩnh Lộc.
Đồng chí Lữ Minh Thư, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Lộc đánh trống khai hội.
Hằng năm, vào ngày 23 và 24-4 âm lịch, Nhân dân địa phương tổ chức ngày kỵ của Thượng tướng quân, cũng là lễ hội quan trọng của làng, nhằm tưởng nhớ công lao của vị danh tướng tài ba, đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Trần Khát Chân mất khi tuổi đời còn rất trẻ, song câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của ông vẫn mãi là khúc ca bi tráng về tinh thần kiên trung bất khuất. Tấm gương của ông được hậu thế mãi truyền tụng và ngợi ca.
Ngưỡng mộ tài đức của ông, nhiều nơi trên địa bàn Thanh Hóa đã lập đền thờ, riêng tại huyện Vĩnh Lộc cũng có tới 3 nơi thờ tự là: thị trấn Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Tiến và xã Vĩnh Thịnh. Tuy nhiên, Đền thờ Trần Khát Chân tọa lạc dưới chân Đốn Sơn (thuộc thị trấn Vĩnh Lộc) là nơi thờ chính của ông.
Năm nay, ngoài phần lễ ôn lại thân thế, sự nghiệp của Đức Thánh Trần Khát Chân, UBND thị trấn Vĩnh Lộc còn dàn dựng nhiều tiết mục văn nghệ để phục vụ du khách thập phương về dự lễ.
Đền thờ Đức Thánh Trần Khát Chân.
Được xây dựng từ thế kỷ XV, trải qua thời gian và biến thiên của lịch sử, Đền thờ Trần Khát Chân vẫn đứng đó vững chãi, uy nghiêm, như minh chứng cho lòng thành kính của người dân trên mảnh đất này đối với vị danh tướng kiệt xuất của đất nước, quê hương. Lễ hội Đền thờ Trần Khát Chân, với những giá trị lịch sử văn hóa lâu bền, vẫn luôn tồn tại trong đời sống văn hóa cộng đồng, điểm tô thêm vẻ đẹp truyền thống văn hóa, lịch sử cho Vĩnh Lộc – vùng đất “Cung vua phủ chúa” bên bờ sông Mã.
Lê Thu (Trung tâm VH,TT,TT&DL huyện Vĩnh Lộc)