Chiến thắng chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam – bài học cho công cuộc bảo vệ chủ quyền đất nước
Sau khi lên nắm quyền ở Campuchia (tháng 4/1975), tập đoàn phản động Pol Pot-Ieng Sary đã thi hành chế độ độc tài, phát-xít mang tính diệt chủng đối với nhân dân Campuchia và gây chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Trưa 7/1/1979, các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia cùng quân tình nguyện Việt Nam tiến vào giải phóng thủ đô Phnom Penh, lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, hồi sinh và mang lại tương lai tươi sáng cho đất nước Chùa Tháp. (Ảnh: TTXVN)
Từ năm 1975 đến 1978, quân Pol Pot đã mở nhiều cuộc tấn công xâm lấn vào sâu lãnh thổ nước ta, gây ra hàng loạt vụ thảm sát đẫm máu đối với nhân dân dọc biên giới Việt Nam – Campuchia. Hành động của tập đoàn phản động, hiếu chiến Pol Pot-Ieng Sary đã xâm phạm thô bạo độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, gây tổn hại mối quan hệ giữa hai nước.
Để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng, các quân khu, địa phương, đơn vị tăng cường chuẩn bị lực lượng, thế trận, kiên quyết đập tan các cuộc tấn công xâm lược của địch; đồng thời kiên trì chủ trương xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, tìm mọi cách cứu vãn hòa bình, nhiều lần đề nghị đàm phán với chính phủ Campuchia dân chủ.
Song, tập đoàn phản động Pol Pot-Ieng Sary đã khước từ mọi thiện chí của ta, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chống phá, xâm lược Việt Nam.
Ngày 23/12/1978, chúng huy động 10 sư đoàn mở cuộc tấn công quy mô lớn trên toàn tuyến biên giới Tây Nam. Thực hiện quyền tự vệ chính đáng, bằng các đòn phản công, tấn công thần tốc, quân và dân ta đã tiêu diệt và đánh bật quân Pol Pot ra khỏi lãnh thổ của Tổ quốc.
Tiếp đó, theo đề nghị của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, với tinh thần quốc tế trong sáng, quân tình nguyện Việt Nam đã phối hợp lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia mở cuộc tổng tấn công giải phóng Thủ đô Phnom Penh và toàn bộ đất nước Campuchia (ngày 7/1/1979), cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng.
Thắng lợi của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam đã đập tan mưu đồ thâm độc của tập đoàn Pol Pot-Ieng Sary, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi bờ vực của thảm họa diệt chủng; chặn đứng âm mưu chia rẽ truyền thống đoàn kết lâu đời của ba nước Đông Dương, góp phần giữ vững hòa bình, ổn định ở khu vực Đông Nam Á và trên thế giới; tạo điều kiện khôi phục lại tình hữu nghị và tình đoàn kết chiến đấu giữa hai Đảng và nhân dân hai nước Việt Nam-Campuchia.
Thắng lợi của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam đã đập tan mưu đồ thâm độc của tập đoàn Pol Pot-Ieng Sary, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi bờ vực của thảm họa diệt chủng; chặn đứng âm mưu chia rẽ truyền thống đoàn kết lâu đời của ba nước Đông Dương, góp phần giữ vững hòa bình, ổn định ở khu vực Đông Nam Á và trên thế giới; tạo điều kiện khôi phục lại tình hữu nghị và tình đoàn kết chiến đấu giữa hai Đảng và nhân dân hai nước Việt Nam-Campuchia.
Chiến thắng chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam đã để lại nhiều bài học quý cho công cuộc bảo vệ chủ quyền đất nước hiện nay.
Một là, luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn xâm lược của kẻ thù.
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, do chưa nắm chắc, đánh giá đúng bản chất, âm mưu, thủ đoạn xâm lược của tập đoàn phản động Pol Pot-Ieng Sary nên thời gian đầu, chúng ta còn bị động trong việc xác định đối tượng tác chiến.
Sau khi xác định đúng nguồn gốc, nguyên nhân, mục tiêu gây chiến tranh của kẻ thù, Đảng ta đã đề ra đường lối, mục tiêu chính trị đúng đắn, sáng tạo, lãnh đạo quân và dân ta mở cuộc phản công, tấn công địch một cách chủ động, kiên quyết, liên tục, giành thắng lợi to lớn.
Điều đó cho thấy, để đất nước không bị động, bất ngờ, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng “phải nắm vững chủ động, phải thấy trước, chuẩn bị trước”(1).
Đặc biệt, trước tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó dự báo như hiện nay, càng phải mài sắc tinh thần cảnh giác cách mạng, sớm phát hiện, đánh giá đúng đối tượng và đối tác trong từng thời điểm; có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; chủ động chuẩn bị về tư tưởng, lực lượng, thế trận, kịp thời xử lý thắng lợi các tình huống, không để Tổ quốc bị động, bất ngờ về chiến lược.
Nhìn lại cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, bài học về đánh giá tình hình khách quan, toàn diện để sớm có chủ trương chiến lược đúng là vấn đề có tính lý luận và thực tiễn sâu sắc.
Hai là, chăm lo xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh.
Mục tiêu xuyên suốt của Đảng ta về xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh nhằm giữ vững hòa bình, ngăn chặn nguy cơ chiến tranh. Đó là nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, ngày càng hiện đại, mang tính chất hòa bình, tự vệ, “lấy dân làm gốc”.
Từ cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam đã khẳng định, để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, phải thường xuyên chăm lo xây dựng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong xây dựng tiềm lực, lực lượng, thế trận quốc phòng, chuẩn bị nguồn lực quốc gia.
Đẩy mạnh xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, bảo đảm hợp lý trên từng địa bàn, nhất là địa bàn trọng điểm, hướng chiến lược, biên giới, biển đảo, đáp ứng nhiệm vụ quốc phòng thời bình và nhanh chóng chuyển hóa thành thế trận chiến tranh nhân dân khi đất nước có chiến tranh.
Triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh các vùng; tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc; thực hiện tốt phương châm “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”.
Ba là, chăm lo xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu ngày càng cao.
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, nhờ phát huy sức mạnh tổng hợp, lực lượng vũ trang, nòng cốt là quân đội nhân dân đã đánh bại các cuộc tấn công xâm lược quy mô lớn của kẻ thù, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền đất nước.
Hiện nay, trước yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cần tập trung xây dựng quân đội vững mạnh toàn diện, nhất là về chính trị; giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội.
Chăm lo xây dựng quân đội theo hướng tinh, gọn, mạnh, có chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu cao; bảo đảm cân đối giữa các quân chủng, binh chủng, giữa bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, giữa lực lượng thường trực và lực lượng dự bị động viên.
Điều chỉnh thế bố trí lực lượng phù hợp trên các vùng, miền, nhất là các khu vực trọng điểm về quốc phòng-an ninh, vùng biên giới, biển, đảo. Quán triệt và thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, chỉ lệnh về công tác huấn luyện. Đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa quân đội theo mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đã xác định.
Bốn là, tăng cường hợp tác, đối ngoại quốc phòng với các nước, nhất là các nước láng giềng.
Trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải nắm bắt, dự báo được các xu hướng trong quan hệ quốc tế, khu vực cũng như mục tiêu, lợi ích, ý đồ chiến lược của từng nước, nhất là các nước lớn; không ngừng tăng cường, giữ vững quan hệ giữa ba nước Đông Dương.
Quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng. Trong quan hệ đối ngoại, phải giữ vững nguyên tắc chiến lược, linh hoạt về sách lược, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”; tích cực chuyển hóa đối tượng thành đối tác, gắn chặt lợi ích đối tác với lợi ích quốc phòng-an ninh, bảo vệ chủ quyền đất nước.
Tiếp tục thúc đẩy hợp tác, đưa quan hệ quốc phòng Việt Nam-Campuchia, trở thành một trong những trụ cột quan trọng trong quan hệ toàn diện giữa hai quốc gia, đóng góp tích cực vào hiện thực hóa phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” giữa Việt Nam và Campuchia vì hòa bình, độc lập dân tộc và sự ổn định, phát triển trong khu vực và trên thế giới.
———-
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 8, tr. 552.
Nhandan.vn