25 năm trước, từ một đô thị nhiều khó khăn, nguy cơ sụp đổ các di tích, đến nay, Đô thị cổ Hội An vẫn giữ được vẻ trầm mặc, cổ kính trong không gian quần thể kiến trúc đô thị truyền thống được bảo tồn gần như hoàn hảo, là điểm đến du lịch nổi tiếng hàng đầu Việt Nam.
Ngày 4/12, UBND TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam tổ chức kỷ niệm 25 năm Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận đô thị văn hóa thế giới (04/12/1999-04/12/2024).
Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết, trong 25 năm qua-kể từ ngày Đô thị cổ Hội An được vinh danh Di sản văn hóa thế giới, văn hóa Hội An ngày càng được nhận diện đầy đủ hơn với tư cách là một phức hợp di sản lịch sử, văn hóa, nhân văn, kiến trúc đô thị. Quần thể kiến trúc Đô thị cổ nói riêng, di sản văn hóa Hội An nói chung được quản lý, bảo tồn và phát huy ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn, được UNESCO và các tổ chức quốc tế đánh giá cao, trao tặng nhiều giải thưởng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu khẳng định, 25 năm trước, từ một đô thị nhiều khó khăn, nguy cơ sụp đổ các di tích, đến nay, Đô thị cổ Hội An đã trải qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp, vẫn giữ được vẻ trầm mặc, cổ kính trong không gian quần thể kiến trúc đô thị truyền thống được bảo tồn gần như hoàn hảo.
Hội An hiện là điểm đến du lịch nổi tiếng hàng đầu Việt Nam, khu vực và quốc tế; đời sống của đại bộ phận nhân dân được nâng cao rõ rệt từ lợi ích của di sản mang lại. Đây là thành quả hết sức to lớn và đầy tự hào suốt chặng đường 25 năm bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An.
“Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An sẽ tiếp tục được bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị trong đời sống đương đại. Từ đó, góp phần xây dựng Hội An trở thành thành phố sinh thái-văn hóa-du lịch đến năm 2030, hướng đến xác lập vai trò Hội An là động lực trong phát triển du lịch-dịch vụ của khu vực duyên hải miền Trung và cả nước, vươn tầm ra khu vực châu Á, là điểm đến hấp dẫn của thế giới”, ông Hồ Quang Bửu kỳ vọng.
Chính quyền và người dân cùng giữ gìn và phát huy di sản
Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Jonathan Baker cho rằng, Đô thị cổ Hội An đã chứng minh vai trò quan trọng của chính quyền địa phương và người dân trong việc giữ gìn di sản và phát huy di sản để phát triển kinh tế-xã hội.
Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của TP. Hội An trở thành thành viên mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu. “Việc tham gia mạng lưới này minh chứng cho cam kết của Hội An đối với sự phát triển bền vững dựa trên nguồn lực địa phương. Cách tiếp cận này đã làm nổi bật nguồn lực văn hóa nội sinh của Hội An, chứng minh mối quan hệ đa chiều và gắn kết của Hội An với các giá trị di sản khác. Đồng thời cũng là câu chuyện đầy cảm hứng về thành phố sáng tạo bắt nguồn từ di sản với sự tham gia tích cực của cộng đồng vì sự phát triển của chính cộng đồng đó”, ông Jonathan Baker nhấn mạnh.
Theo ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Quản lý di sản (Bộ VHTT&DL), Đô thị cổ Hội An hôm nay là minh chứng và là điển hình về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Đô thị cổ Hội An đã và đang đáp ứng được các nguyên tắc, yêu cầu theo quy định pháp luật về di sản văn hóa và theo Công ước bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới mà Việt Nam đã tham gia.
Nguồn: https://baochinhphu.vn/ky-niem-25-nam-do-thi-co-hoi-an-duoc-vinh-danh-di-san-van-hoa-the-gioi-102241204154634251.htm