Tháng 5 – Tháng Công nhân luôn là điểm hẹn mong chờ đối với đội ngũ cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động. Năm nay, với chủ đề: “Đoàn kết công nhân – Triển khai nghị quyết”, nhiều hoạt động chăm lo về cả vật chất, tinh thần, sức khỏe đã được các cấp công đoàn đồng loạt thực hiện.
Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ sáng kiến về phòng chống, xóa bỏ lao động trẻ em
|
Đề xuất Nhật mở thêm nhóm nghề kỹ năng đặc định tiếp nhận lao động Việt Nam trong 2 lĩnh vực
|
Ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới
Cách đây 138 năm, ngày 1/5/1886, hàng chục nghìn công nhân toàn thành phố Chicago đã hưởng ứng lời kêu gọi của Liên đoàn Lao động Mỹ tiến hành bãi công, tổ chức mít tinh và biểu tình trên đường phố với khẩu hiệu “Ngày làm việc 8 giờ”. Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước phát triển của phong trào công nhân thế giới và là kết quả tất yếu của quá trình đấu tranh lâu dài từ nửa cuối thế kỷ XIX của công nhân lao động nhiều nước khi họ bị bóc lột sức lao động nặng nề.
Để ghi nhận những thành quả của phong trào công nhân các nước, ngay trong Đại hội thành lập Quốc tế thứ II, ngày 14/7/1889, các đại biểu của giai cấp công nhân đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 1/5 làm ngày Đoàn kết đấu tranh của công nhân lao động trên toàn thế giới.
Ngày Quốc tế Lao động 1/5. (Ảnh minh họa) |
Hưởng ứng ngày Quốc tế Lao động, ngày 1/5/1930, lần đầu tiên trong lịch sử phong trào công nhân ở Đông Dương, giai cấp công nhân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã biểu tình ngoài đường phố để biểu dương tình đoàn kết cách mạng với công nhân quốc tế. Đồng thời đấu tranh trực diện với đế quốc thực dân Pháp, đòi Pháp phải cải thiện điều kiện làm việc, phải tăng lương và thực hiện luật lao động ngày làm việc 8 giờ.
Ngày 1/5/1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, ngày Quốc tế Lao động được tổ chức kỷ niệm mít tinh trọng thể tại Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 20 vạn nhân dân lao động. Từ đó, ngày Quốc tế Lao động hàng năm trở thành ngày lễ lớn của đất nước, ngày hội của giai cấp công nhân và người lao động Việt Nam, khẳng định sứ mệnh lịch sử, vị trí, vai trò của giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.
Tháng cao điểm chăm lo cho đoàn viên, người lao động
Phát biểu tại lễ phát động Tháng Công nhân 2024, ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, tháng 5 là tháng có ý nghĩa đặc biệt đối với cán bộ, đoàn viên và người lao động khi có Ngày Quốc tế lao động 1/5. Tháng 5 còn là Tháng Công nhân và Tháng hành động về an toàn vệ sinh, lao động, tháng cao điểm tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động về mọi mặt, cả về vật chất, tinh thần và sức khỏe.
Theo ông Nguyễn Đình Khang, tháng 5 cũng là tháng nhận được sự quan tâm sâu sắc của các cấp ủy đảng, chính quyền, người sử dụng lao động, sự hưởng ứng của đông đảo đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động, có tác dụng lan tỏa tích cực trong toàn xã hội. Tháng 5 đã trở thành điểm hẹn, khoảng thời gian mong chờ đối với đội ngũ cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động và những người làm công tác an toàn vệ sinh lao động trong cả nước.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang. (Ảnh: Kinh tế Đô thị) |
Năm 2024 là lần thứ 13 Tháng Công nhân được tổ chức theo Quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Qua mỗi năm, hoạt động của Tháng Công nhân ngày càng trở nên đa dạng, phong phú và thiết thực hơn.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết: Năm 2024 là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, năm thứ ba triển khai Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.
Tháng 5 này sẽ càng đặc biệt hơn khi Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV diễn ra vào tháng 5/2024 sẽ xem xét, thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và cho ý kiến vào Luật Công đoàn (sửa đổi). Đây là những luật liên quan trực tiếp đến đời sống, việc làm của đoàn viên, người lao động và hoạt động công đoàn.
Do đó, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xác định Tháng Công nhân có chủ đề “Đoàn kết công nhân – Triển khai nghị quyết”, với hoạt động chủ yếu gồm: Chương trình “Đưa nghị quyết Đại hội vào cuộc sống”; “Đối thoại tháng 5”; “Tiếp xúc chuyên đề với cử tri công nhân”; “Cảm ơn người lao động”.
Nhiều hoạt động thiết thực
Thực hiện theo chủ trương của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ tháng 4, nhiều liên đoàn lao động địa phương đã thể hiện tinh thần chủ động và bước đầu đạt được kết quả đáng khích lệ.
Liên đoàn Lao động tỉnh Thừa Thiên Huế đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa Mái ấm công đoàn nhân Tháng Công nhân với tổng kinh phí 380 triệu đồng. Chị Trần Thị Vân (1990), công nhân xưởng chế biến thủy sản, Công ty CP Phát triển thủy sản Huế cho biết, cuộc sống gia đình chị vất vả, chồng không có việc làm ổn định, các con đang tuổi ăn học, vợ chồng chị còn chăm ba mẹ già yếu. Mọi chi tiêu trong gia đình phụ thuộc vào đồng lương công nhân của chị. Từ nhiều năm nay, gia đình chị sống trong ngôi nhà dựng tạm. Đầu năm nay, vợ chồng chị dự định vay mượn để xây nhà.
“Đang trăn trở, tôi được công đoàn công ty phổ biến chương trình Mái ấm công đoàn nên tôi liền làm đơn xin hỗ trợ. Với số tiền 40 triệu đồng, gánh nặng an cư của vợ chồng tôi đã vơi bớt. Bởi vậy tôi không bao giờ quên được niềm vui này”, chị Vân nói.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa Võ Mạnh Sơn trao kinh phí hỗ trợ xây dựng “Mái ấm công đoàn” cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. (Ảnh: Báo Thanh Hóa) |
Chương trình “Mái ấm công đoàn” cũng được Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa thực hiện khi trao 20 phần quà trị giá 1 tỷ đồng cho người lao động khó khăn về nhà ở. Ngoài ra, Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa còn trao 1.116 suất quà trị giá hơn 1,5 tỷ đồng cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn; 650 suất quà trị giá 1,5 tỷ đồng cho người lao động ốm đau, bệnh hiểm nghèo.
Tại Hà Nội, các cấp Công đoàn Thủ đô tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi, hỗ trợ cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; kết nối, giới thiệu, tạo cơ hội việc làm, học nghề cho đoàn viên, người lao động. Đồng thời, Công đoàn cấp cơ sở cũng tăng cường hoạt động thương lượng, đối thoại tại nơi làm việc, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; chăm lo đời sống, việc làm, lương, thưởng, phúc lợi, điều kiện làm việc của người lao động; tổ chức các hội thi tay nghề, hội thi thợ giỏi, tuyên dương công nhân giỏi, sáng kiến, sáng tạo…
Công ty cổ phần dệt may Tiên Hưng (Hưng Yên) phối hợp Bệnh viện Dệt may Việt Nam tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ công nhân viên nhân Tháng Công nhân 2024. (Ảnh: May Tiên Hưng) |
Có thể thấy, đợt cao điểm chăm lo cho người lao động ngày càng phát triển rộng hơn, thấm sâu vào cơ sở, gắn với nhu cầu, nguyện vọng của công nhân lao động, trở thành trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức công đoàn, ngành lao động – thương binh và xã hội, doanh nghiệp cũng như toàn xã hội cùng nhau hành động vì an toàn, hạnh phúc của người lao động. Không chỉ là những phần quà, mái ấm được trao đi, đó còn là những tình cảm ấm áp, yêu thương, sẻ chia của tổ chức công đoàn nói riêng dành cho những người lao động có hoàn cảnh khó khăn và là sự quan tâm, chăm lo của toàn xã hội nhằm chung tay xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh.
Hơn 10.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 2 năm 2024
Cục quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động -Thương binh và xã hội cho biết, theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 2 năm 2024 là 10.553 lao động, trong đó có 2.789 lao động nữ. |
Croatia mong muốn tuyển dụng lao động “có tay nghề” của Việt Nam
Đây là thông tin được Quốc vụ khanh Bộ Lao động, Hưu trí và Xã hội của Croatia – ông Ivan Vidis chia sẻ trong cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng về tiềm năng hợp tác lao động hai nước ngày 14/3. Buổi làm việc diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm và Tham vấn chính trị giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Croatia. |